Dang dở số phận dự án 2 tỷ USD thời Đinh La Thăng - Trịnh Xuân Thanh
- 07:31 03-01-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thiết bị hết hạn bảo hành, dự án vẫn chưa xong
Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng vốn đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh là hơn 41 nghìn tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2018 dự án đã giải ngân được hơn 31,2 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1 vào năm 2017 và tổ máy số 2 vào năm 2018.
Tuy nhiên, tiến độ dự án đến nay mới đạt khoảng hơn 82%. Nếu dự án vận hành vào năm 2020 như PVN báo cáo thì tiến độ hoàn thành dự án bị chậm 55-57 tháng (gần 5 năm) so với hợp đồng EPC đã ký năm 2011.
Kể từ tháng 11/2017 đến cuối tháng 10/2018, dự án gần như không có tiến triển, tiến độ tổng thể dự án chỉ tăng từ mức 80,9% lên 82,78%, tương ứng khoảng 1,88%.
Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 còn ngổn ngang. |
Kết quả kiểm tra của đoàn công tác liên ngành ngày 8/11/2018, do Bộ Công Thương thành lập, cho thấy nhiều tồn tại vướng mắc ở dự án này. Cụ thể, PVC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu nhà máy nhiệt điện than. Năng lực tài chính của PVC kém, không đảm bảo khả năng thanh toán cho các công việc đã hoàn thành và tạm ứng các hợp đồng đã ký với nhà thầu phụ.
Ngoài ra, việc PVC sử dụng hơn 1.100 tỷ tiền tạm ứng của dự án vào mục đích khác đã làm thiếu hụt nguồn tiền thực hiện dự án. Theo báo cáo của PVN, dự kiến đến khi hoàn thành dự án, tổng thầu PVC sẽ bị thiếu hụt khoảng hơn 55 triệu USD và hơn 1.000 tỷ đồng so với giá trị hợp đồng EPC. Trong khi đó, PVN khó khăn trong thu xếp nguồn vốn còn thiếu gồm hơn 326 triệu USD vốn vay nước ngoài đã hết hạn giải ngân vào 28/9/2018 (hiện chưa được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng cho phép gia hạn) và khoảng hơn 343 triệu USD chưa ký được hợp đồng vay (dự kiến vay trong nước).
Đến nay, nhiều thiết bị chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bị quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất/nhà chế tạo. “Việc dự án tiếp tục bị chậm tiến độ sẽ dẫn đến tăng rủi ro liên quan đến chất lượng thiết bị đã quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất/nhà chế tạo”, Bộ Công Thương lưu ý.
Bộ Công Thương cho rằng: Dự án có quy mô lớn, nếu không sớm thực hiện, hoàn thành sẽ dẫn tới phát sinh chi phí và gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung cấp điện và tạo dư luận không tốt. Tuy nhiên, các vướng mắc của dự án là phức tạp, cần sự chỉ đạo và ủng hộ của Chính phủ, các bộ ngành.
Bộ Công Thương muốn “siêu ủy ban” vào cuộc
Trước đó, để giải cứu nhiệt điện Thái Bình 2, PVN kiến nghị được sử dụng 2.500 tỷ đồng từ nguồn chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 và lợi nhuận từ nguồn sản xuất kinh doanh của tập đoàn để tập trung nguồn lực hoàn thành dự án; cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án vào tháng 6/2020 (tổ máy số 1) và tháng 10/2020 (tổ máy số 2); cho phép miễn phạt hợp đồng do chậm tiến độ; cho phép vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam; giải tỏa tiền đang bị phong tỏa tại Ocean Bank...
Sau khi xem xét các nội dung trên, trường hợp PVC tiếp tục được giao thực hiện dự án, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng cho phép lùi tiến độ vận hành dự án sang tháng 6 và tháng 10/2020.
Ông Đinh La Thăng - Trịnh Xuân Thanh đã phải nhận án tù vì liên quan đến sai phạm tại nhiệt điện Thái Bình 2 |
Bộ cũng kiến nghị giao Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu Ocean Bank, trong đó ưu tiên sớm xử lý các khoản tiền gửi theo kiến nghị của PVN; giao Bộ Tài chính sớm xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định việc gia hạn khoản vay nước ngoài của dự án.
Đáng chú ý, đây là dự án “tê liệt” từ thời PVN còn trực thuộc Bộ Công Thương, do Bộ này là cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu. Nhưng nay PVN đã chuyển giao quyền đại diện vốn chủ sở hữu sang Ủy ban quản lý vốn nhà nước. Cho nên, trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương không quên nói rằng “những khó khăn, vướng mắc của dự án và kiến nghị của PVN chủ yếu liên quan tới thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”.
Vì thế, khi tổng hợp ý kiến đoàn công tác liên ngành về kiến nghị của PVN, Bộ Công Thương liên tục nhắc đến việc các kiến nghị thuộc phạm vi của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (thường được gọi là “siêu ủy ban”).
Cuối cùng, Bộ Công Thương cho hay, những kiến nghị trên là của đoàn công tác liên ngành do Bộ Công Thương thành lập theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo ngày 7/9/2018. Nhưng tới 10/11, Bộ đã bàn giao 5 tập đoàn (trong đó có PVN) và 1 tổng công ty nhà nước sang Ủy ban quản lý vốn làm đại diện chủ sở hữu.
Bộ Công Thương cho rằng các khó khăn vướng mắc nêu trên của dự án nhiệt điện Thái Bình 2 chủ yếu liên quan tới việc bố trí, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban quản lý vốn. Vì vậy, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN tiếp nhận để chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành tiếp tục xử lý vướng mắc tại dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1.
Trong quá trình xem xét, giải quyết khó khăn của các dự án nêu trên, Bộ Công Thương hứa hẹn sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban quản lý vốn.
Ngày 22/1/2018, TAND TP Hà Nội xử sơ thẩm, xác định PVN được giao thực hiện Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Năm 2011, dù biết PVC không đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để xây dựng nhưng bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN và các đồng phạm đã chỉ định PVC là tổng thầu duy nhất thực hiện EPC (thiết kế - cung cấp - thi công) dự án. Tiếp đến, bị cáo Thăng chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai quy định cho PVC số tiền hơn 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng. Việc này tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT PVC và cấp dưới chi sai mục đích, gây thiệt hại hơn 119 tỷ đồng cho Nhà nước. Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh còn chỉ đạo cấp dưới lập 4 hồ sơ khống, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch (thuộc PVC) để chi tiêu, chiếm đoạt. TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) án tù chung thân về tội “Cố ý làm trái…” và “Tham ô tài sản”; các bị cáo khác nhận mức án từ 30 tháng tù treo tới 22 năm tù giam; bồi thường tiền thất thoát. Sau đó, 15 người trong số 22 bị cáo và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã kháng cáo. Tại tòa phúc thẩm diễn ra vào tháng 5/2018 HĐXX quyết định y án 13 năm tù với bị cáo Đinh La Thăng; Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) 7 năm tù; Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) 6 năm tù tội Cố ý làm trái, 15 năm tù Tham ô tài sản - Tổng hợp hình phạt 21 năm tù. |