Bắt ổ nhóm giả danh công an chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng
- 10:44 30-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 29/12, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hải Phòng thông tin về việc trên địa bàn xuất hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các đầu số viễn thông và mạng xã hội.
Theo cảnh sát, trước khi thực hiện lừa đảo, kẻ xấu đã nghiên cứu khá kỹ “con mồi” thông qua việc chiếm đoạt tài khoản Facabook. Khi đã có nhiều thông tin có thể lợi dụng, kẻ xấu dùng các đầu số viễn thông như 000113, 84000113 hoặc dùng SIM rác số máy ảo để gọi đến số điện thoại của nạn nhân nhằm đe dọa, yêu cầu phải chuyển tiền theo sự hướng dẫn.
Giả danh công an điều tra vụ án ma túy
Ngày 14/12, cảnh sát nhận được đơn trình báo của bà Phạm Thị Đẩu (64 tuổi, trú tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng). Theo đơn trình báo, trước đó một ngày bà Đẩu nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ tự giới thiệu là Hoàng Thị Nghĩa, làm ở "Công an phòng chống tội phạm" hỏi một số vấn đề liên quan tài khoản ngân hàng.
Kẻ xấu dùng các đầu số viễn thông như 000113, 84000113 để gọi điện lừa các nạn nhân. Ảnh: Tùng Chi. |
Sau đó, người này tiếp tục chuyển máy cho bà Đẩu nói chuyện với một nam giới tự xưng là đại tá công an Trần Tuấn Bình. Vị "đại tá" này khẳng định bà Đẩu đang có liên quan đến một vụ mua bán trái phép chất ma túy, do đó tài khoản của bà Đẩu ở ngân hàng đã được chuyển vào vài trăm tỷ đồng.
“Đại tá” Bình yêu bà Đẩu phải chuyển ngay số tiền tiết kiệm đang gửi ở ngân hàng vào số tài khoản mang tên Hoàng Thị Nghĩa, mở tại Ngân hàng Agribank, chi nhánh huyện Phục Hòa, Cao Bằng để "kết hợp với công an điều tra làm rõ vụ án".
Do hoảng sợ nên bà Đẩu đã chuyển toàn bộ 283 triệu đồng gửi tiết kiệm vào tài khoản trên.
Cảnh sát nhanh chóng xác định nghi can là Hoàng Thị Nghĩa (43 tuổi, trú xóm Phia Khoang, thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa, Cao Bằng), đồng thời phối hợp ngân hàng phong tỏa số tiền trong tài khoản nói trên.
Tại cơ quan điều tra, nghi can Nghĩa khai nhận, trước đó đã nhận được điện thoại của một người quen là Sầm Đức Văn (trú xã Mỹ Hưng, cùng huyện Phục Hòa, Cao Bằng) hỏi mượn tài khoản ngân hàng để nhận tiền chuyển đến. Nghĩa đồng ý và cung cấp số tài khoản cá nhân mang tên Nghĩa.
Đến 17h ngày 13/12, Nghĩa được Ngân hàng Agribank thông báo tài khoản đã nhận được số tiền 283 triệu đồng và đã thông báo lại cho Văn biết.
Sau đó, Văn nhờ một người bạn tên Bằng (chưa rõ địa chỉ) đến đón Nghĩa đi rút 25 triệu đồng từ tài khoản trên tại cây ATM của Ngân hàng Agribank, TP. Cao Bằng.
Sau đó, Nghĩa lại nhận được điện thoại của Nông Văn Việt (20 tuổi, em họ của Văn) đề nghị không rút số tiền còn lại qua cây ATM nữa mà sẽ rút trực tiếp tại ngân hàng.
Ngày 14/12, theo lời hẹn, Bằng đến đón Nghĩa đi rút tiền, tuy nhiên tài khoản đã bị phong tỏa.
Hai trong số các siêu lừa giả danh công an. Ảnh: Công an cung cấp.“Siêu lừa” xuất phát từ Trung Quốc |
Mở rộng điều tra, cảnh sát xác định nhóm của Nghĩa có khoảng 4-5 người, bao gồm cả người Việt Nam và Trung Quốc.
Cảnh sát đã triệu tập, bắt giữ ba "siêu lừa" gồm Nông Văn Việt; Hoàng Văn Lâm (đều 25 tuổi, trú tại thị trấn Hòa Thuận, huyện Phục Hòa) và Zhou Ren (25 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, trú tại thị trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).
Tại cơ quan điều tra, bước đầu những người này khai nhận Zhou Ren trước đó đã được một người bạn ở Trung Quốc có tên là A Lão nhờ tìm tài khoản ngân hàng của Việt Nam để chuyển tiền và hứa sẽ trả công 15% từ số tiền lấy được.
Zhou Ren sau đó gọi điện cho Việt để nhờ tìm và hứa trả công cho Việt 10% từ số tiền lấy được. Sau đó, Việt lại tiếp tục nhờ đến Văn và hứa trả công cho Văn 3 triệu đồng, cuối cùng thì Văn tìm đến Hoàng Thị Nghĩa.
Sau khi có được thông tin tài khoản và số CMND của Nghĩa, Zhou Ren đã chuyển thông tin cho A Lão để rồi cùng phối hợp thực hiện cuộc lừa đảo đối với bà Đẩu.
Vụ việc hiện được Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hải Phòng phối hợp với Công an tỉnh Cao Bằng tiếp tục điều tra, mở rộng.
Công an Hải Phòng đang thụ lý điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà Đẩu. Ảnh: Google Maps. |