Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thuế xăng sắp tăng thêm 1.000 đồng/lít, lo thị trường bất ổn

Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng từ ngày 1-1-2019.

Theo nguồn tin của báo Pháp Luật TP.HCM, một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã có công văn gửi Chính phủ, Bộ Công Thương, Tài chính về điều hành giá xăng dầu chu kỳ đầu tiên năm 2019.

Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1-1-2019, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, dầu diesel thêm 500 đồng/lít, dầu hỏa tăng 700 đồng và dầu madut tăng 1.100 đồng.

Tuy nhiên, theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, kỳ điều hành giá đầu tiên năm 2019 sẽ vào ngày 5-1, như vậy, thời điểm nghị quyết có hiệu lực không trùng với kỳ điều hành giá.

Về lý thuyết, những ngày đầu năm 2019 nếu giá bán xăng dầu tiếp tục áp dụng theo kỳ điều hành ngày 21-12 thì mức giá bán chưa được xác định theo thuế bảo vệ môi trường mới.

 Nhân viên công ty xăng dầu dán bảng giá niêm yết. Ảnh minh họa

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết với tình cảnh trên, các thương nhân đầu mối sẽ bị mất nguồn lực, thậm chí phát sinh lỗ nhất là với mặt hàng xăng và dầu madut thì giá bán vẫn giữ nguyên trong khi họ vẫn phải nộp thuế bảo vệ môi trường ở mức mới.

Ngoài ra, nguy cơ bất ổn thị trường (thiếu nguồn) trong kỳ nghỉ lễ có thể xảy ra vì các doanh nghiệp hạn chế bán ra để giảm lỗ.

Theo tập đoàn này tính toán, trung bình lượng xăng dầu xuất bán một ngày khoảng 25.000 lít, số tiền Petrolimex phải trả khi thuế bảo vệ môi trường tăng là mỗi ngày họ phải trả thêm khoảng 18,5 tỉ đồng/ngày. Trong năm ngày đầu năm 2019, tập đoàn này bị giảm thu khoảng 90 tỉ đồng do phải nộp thêm thuế bảo vệ môi trường nếu giá bán không thay đổi.

Từ hiện trạng trên, Petrolimex kiến nghị hai phương án nhằm bình ổn thị trường xăng dầu, nhất là kênh bán lẻ trực tiếp.

Phương án 1: Do thuế bảo vệ môi trường là một trong nhiều yếu tố hình thành giá có sự thay đổi và ảnh hưởng trọng yếu tới giá bán, đề nghị liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở áp dụng từ ngày 1-1 để doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Phương án 2: trường hợp không thực hiện phương án 1, đề nghị liên Bộ cho phép các thương nhân đầu mối sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu tăng thêm so với mức chi sử dụng hiện hành (nếu có) áp dụng từ ngày 1-1 cho đến kỳ điều chỉnh giá liền kề.