Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những phụ huynh ‘hở ra’ là đòi kiện giáo viên

Không ít phụ huynh coi con mình là “cục vàng”, lo lắng cho con quá mức nên thấy giáo viên đối xử với con không tốt, không theo ý mình là lập tức đến trường làm ầm ĩ, thậm chí đòi kiện giáo viên.

 Nhiều phụ huynh coi con là bảo bối nên nếu giáo viên đối xử với con không tốt, họ sẵn sàng đến trường làm ầm ĩ mọi chuyện. Ảnh minh họa

Việc giáo viên đối xử với học sinh không tốt như bạo hành học sinh, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần, thể chất của học sinh thì việc phụ huynh xót con là lẽ đương nhiên. Việc họ đến trường làm to chuyện, kiện giáo viên cũng là lẽ thường tình.

Thế nhưng, có không ít phụ huynh coi con mình là bảo bối, chỉ cần giáo viên đối xử không tốt là họ phi ngay đến trường làm ầm ĩ mọi chuyện mà không cần biết nguyên nhân. Họ luôn thường trực suy nghĩ “ai động đến con tôi thì không yên với tôi”. Họ sẵn sàng tung clip về giáo viên lên mạng xã hội, làm đơn kiện giáo viên để giáo viên gặp vô vàn những phiền phức sau này.

Khi nghe tin con trai lớp 1 bị cô giáo phạt đứng trên bục giảng suốt cả tiết học, anh Nguyễn Văn Hoàng (Hoàng Mai, Hà Nội) vô cùng tức giận. Ngay hôm sau, anh đã đến trường gặp giáo viên để “làm cho ra nhẽ”. Khi cô giáo cho rằng đây là hình thức cô phạt học sinh khi con thường xuyên quên bút, ngồi trong lớp ngọ nguậy liên tục thì anh vẫn không chấp nhận và cho rằng “đứa trẻ lớp 1 quên bút là chuyện thường tình, giáo viên không có quyết bắt học sinh đứng trong khi các bạn khác được ngồi, như thế con sẽ mỏi chân và như thế chẳng khác nào cô giáo hạ nhục học sinh với cả lớp”. Anh Hoàng bù lu bù loa cho rằng giáo viên không có phương pháp sư phạm, làm tổn thương học sinh, khiến học sinh sợ đến lớp. Anh còn đe dọa cô, nếu sự việc tái phạm, anh sẽ đâm đơn kiện cô lên hiệu trưởng nhà trường.

Anh Đoàn Văn Tuyền (Trường Chinh, Hà Nội) thì hả hê khi năm ngoái đã “xử” giáo viên của con. Anh Tuyền cho biết, mùa đông năm trước, khi nhiệt độ ngoài trời thấp nhưng con anh đã bị cô giáo phạt ra sân trường nhặt rác. Nghe con kể, anh vô cùng xót con và không kiềm chế được sự bực tức. Sáng hôm sau anh đích thân đưa con đi học và thẳng tay tát cô trước mặt học trò.

 Việc để trẻ gặp những khó khăn, thậm chí là bất công cũng sẽ rèn luyện cho trẻ bản lĩnh, giỏi giang và mạnh mẽ hơn trong cuộc đời. Ảnh minh họa

Việc con bị cô giáo phạt khiến phụ huynh nổi đóa là rất phổ biến. Thế nhưng, có trường hợp, phụ huynh thấy con không được giáo viên ưu ái cũng “phát điên” với giáo viên. Có con năm nay học lớp 1 nên anh Mai Văn Ninh (Tây Hồ, Hà Nội) rất sát sao tình hình học tập của con. Anh thường xuyên hỏi con tình hình học tập, cô giáo đối xử thế nào. Khi biết con học gần hết kỳ 1 mà chỉ ngồi bàn cuối, chưa bao giờ được đổi chỗ lên bàn đầu, anh cho rằng cô giáo đối xử bất công với con. Anh đến gặp cô thắc mắc ý kiến của mình và không quên ngầm nhắc nhở cô: Tôi có mối quan hệ và sẽ lên gặp hiệu trưởng để nói rất nhiều chuyện về tình hình ở lớp, về việc dạy thêm của cô, về quỹ lớp… Anh Ninh rất đắc ý cho rằng “giáo viên nào chả sợ kiện, cứ làm ầm ĩ để các cô không dám… động đến con mình”.

Theo TS Vũ Thu Hương, việc phụ huynh hơi tí là can thiệp vào chuyện ở lớp, ở trường của con sẽ khiến trẻ không tôn trọng giáo viên. Bởi khi cha mẹ tỏ thái độ thiếu tôn trọng giáo viên thì ngay lập tức con trẻ cũng sẽ học điều đó từ cha mẹ. Từ đó, trẻ sẽ suy nghĩ và hành động ngang ngược.

Hơn nữa, việc để trẻ gặp những khó khăn, thậm chí là bất công cũng sẽ rèn luyện cho trẻ bản lĩnh, giỏi giang và mạnh mẽ hơn trong cuộc đời. “Nếu con không vượt qua những khó khăn khi còn nhỏ thì khi lớn lên, gặp thất bại, con lại một lần nữa không thể vượt qua và tụt dốc. Đến lúc này, giúp con không đơn giản. Ai sinh con ra cũng thương con rất nhiều nhưng nếu vì thương con, nâng đỡ con, trải đệm êm cho con bước đi thì chúng ta đã làm con yếu đi rất nhiều và sẽ khiến con gặp thất bại trong tương lai”, TS Vũ Thu Hương chia sẻ.

Vì thế, các bậc phụ huynh khi cảm thấy có vấn đề thì cần trao đổi với giáo viên một cách thẳng thắn, tế nhị, trên tinh thần tôn trọng để cùng tìm hướng giải quyết tốt nhất, tránh làm mất "hình ảnh người lớn" trong mắt trẻ con.