Một năm sóng gió của Vietjet Air
- 11:01 27-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vietjet Air đã khởi đầu năm 2018 với nhiều ồn ào. Cuối tháng 1, hình ảnh và thông tin về Vietjet Air xuất hiện khắp các mặt báo, cả trong nước và quốc tế, cùng với tên gọi "hàng không bikini".
Trước đó, ngày 28/1, hình ảnh các người mẫu ăn mặc thiếu vải trên chuyến bay chở các cầu thủ U23 Việt Nam lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Nhiều cầu thủ trẻ ngại ngùng, quay đầu, nhắm mắt...
Hình ảnh Bikini Airlines (hãng hàng không bikini) của Vietjet Air tiếp tục xuất hiện trên các tờ báo nước ngoài. |
"Thay vì thẳng thắn thừa nhận, Vietjet lại công khai đăng lời xin lỗi đã qua hai lần chỉnh sửa nhưng hướng trách nhiệm về phía nhóm người mẫu và 'đơn vị hậu cần', khi cho rằng chính Vietjet cũng bị bất ngờ. Đây là lời giải thích không thể làm hài lòng dư luận, khiến cho sự việc bị đẩy cao thêm", một chuyên gia hàng không nói với Zing.vn.
Ngày 30/1, Cục Hàng không đã thông báo xử phạt Vietjet Air 40 triệu đồng và khuyến cáo bằng văn bản với hãng cũng như giám đốc điều hành về sự cố để người mẫu mặc phản cảm trên chuyến bay chở các cầu thủ U23 Việt Nam.
2 ngày cuối năm với 3 sự cố liên tiếp, Vietjet Air đã không thể khép lại năm 2018 một cách êm đềm. Chỉ trong vòng chưa đầy 48 giờ, hãng bay này đã gặp liên tiếp 3 sự cố kỹ thuật, trong đó có sự cố nghiêm trọng khiến hãng bị đưa vào diện giám sát đặc biệt.
Văng bánh khi hạ cánh
Năm qua, Vietjet Air cũng gặp không ít các sự cố. Tối 29/11, tại sân bay Buôn Ma Thuột, máy bay số hiệu VJ356 từ TP.HCM chở 207 khách tiếp đất trong tình trạng mất cân bằng, tạo ra tiếng động lớn. Phi hành đoàn lập tức phát thông báo khẩn cấp yêu cầu toàn bộ hành khách bỏ lại hành lý, thoát ra ngoài qua cửa thoát hiểm và phao trượt.
Sáu cầu phao thoát hiểm bung ra cùng lúc. Hành khách chen nhau thoát khỏi máy bay. Đã có 6 hành khách bị chấn thương phải nhập viện cùng nhiều hành khách hoảng loạn vì sự cố.
Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết bánh trước của máy bay văng ra cách đường băng 100 m. Máy bay di chuyển thêm 60-70 m trong tình trạng càng trước cày xuống đường băng. Sân bay Buôn Ma Thuột phải tạm ngưng hoạt động khoảng 8 tiếng để xử lý sự cố của chuyến bay VJ356.
Kết luận cuối cùng về sự cố này vẫn chưa được công bố. Tổ lái chuyến bay đã bị tạm đình chỉ hoạt động.
Bay 6 vòng khi vừa cất cánh
Chuyến bay VJ198 khởi hành từ TP.HCM đi Hà Nội lúc 19h30 tối ngày 19/11 đã phải quay đầu hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Tân Sân Nhất vì gặp sự cố.
Theo miêu tả của hành khách trên máy bay và một vài đoạn video ghi lại cabin máy bay khi sự việc xảy ra, phi hành đoàn của chuyến bay đã thông báo về sự cố khẩn cấp và máy bay phải bay vòng tròn 30 phút trên không để xả nhiên liệu. Tiếp viên trên chuyến bay cũng đã hướng dẫn hành khách chuẩn bị cho tình huống xấu nhất cũng như liên tục hô "brace" (bám chặt - PV.).
Hành khách cầu nguyện khi chuyến bay VJ198 gặp sự cố. Ảnh: NVCC. |
Dữ liệu từ Flightradar24 cũng trùng khớp với miêu tả trên. Theo ghi nhận của đơn vị này, máy bay của Vietjet Air đã đạt tới độ cao 11.000 feet trước khi phát hiện sự cố và phải hạ độ cao về khoảng 5.000 feet để thực hiện bay khoảng 5 vòng lớn trên trời trong khoảng 30 phút.
Rất may tình huống xấu nhất đã không xảy ra, máy bay đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sân Nhất lúc 20h06 phút. Toàn bộ hành khách đã được chuyển sang chuyến bay kế tiếp của hãng. Tuy nhiên nhiều hành khách vẫn hoảng sợ sau chuyến bay, trong đó có người chia sẻ bị "sốc tâm lý" do sự cố.
Nhiều lần 'báo động giả'
Suốt năm 2018, Vietjet Air liên tiếp gặp các lỗi liên quan tới báo động giả. Đáng kể có những chuyến bay như chuyến số hiệu VJ982 từ Hà Nội đi Busan phải hạ cánh khẩn cấp vào rạng sáng 30/10 (giờ Hà Nội) ở sân bay quốc tế Hong Kong sau khi phi hành đoàn phát hiện vấn đề liên quan tới phi cơ.
Chuyến bay của Vietjet dự định hạ cánh xuống sân bay quốc tế Gimhae ở Busan, Hàn Quốc nhưng phải hạ cạnh khẩn cấp xuống Hong Kong sau khoảng 1 giờ 10 phút từ Hà Nội. Phi hành đoàn thông báo với cảng hàng không quốc tế Gimahe rằng chuyến bay gặp phải vấn đề kỹ thuật.
Lỗi này sau đó được Vietjet Air thông tin tới báo chí là báo động giả và máy bay đã có thể hoạt động bình thường trở lại ngay sau sự cố.
Đây cũng chính là nguyên nhân mà hãng đưa ra khi chuyến bay VJ198 khởi hành từ TP.HCM đi Hà Nội lúc 19h30 tối ngày 19/11 phải quay đầu hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Tối muộn ngày 24/12, chuyến bay VJ861 khởi hành từ Incheon (Hàn Quốc) đi TP.HCM, sau khi cất cánh được khoảng 2 tiếng cũng đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Đài Bắc (Đài Loan). Nguyên nhân được hãng đưa ra lại là báo động giả có khói trong khoang hàng.
Trưa ngày 25/12, chuyến bay số hiệu VJ689 của Vietjet Air chặng bay Cam Ranh - TP.HCM gặp sự cố phải quay đầu hạ cánh và hạ nhầm vào đường băng chưa đưa vào khai thác. Sự cố này vẫn xuất phát từ hệ thống cảnh báo và một lần nữa hãng lại nhận định đây chỉ là "báo động giả".
Tới sáng ngày 26/12, chuyến bay VJ513 chuẩn bị cất cánh từ Hà Nội đi Đà Nẵng thì phải dừng lại, quay trở về sân đỗ. Hành khách được mời xuống do có cảnh báo kỹ thuật. Vẫn theo Vietjet Air, đây lại là một sự cố liên quan đến hệ thống cảnh báo.
Liên tiếp các sự cố nghiêm trọng đã khiến Vietjet Air bị đưa vào diện giám sát đặc biệt. Trên ảnh là chiếc máy bay của chuyến bay VJ356 đã mất bánh trước khi hạ cánh. Ảnh: NVCC. |
Liên quan đến một loạt báo động giả này, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết vấn đề này có liên quan đến phần mềm cảnh báo sự cố được cài đặt trên lô máy bay mới nhập của Airbus.
"Có vấn đề trong việc cài đặt phần mềm khiến cho việc cảnh báo 'nhạy' hơn mức bình thường. Cục Hàng không và các hãng có sử dụng lô máy bay mới của Airbus đang phối hợp với hãng này để cài đặt lại phần mềm", đại diện Cục Hàng không cho biết.
Tuy nhiên, trong các chuyến bay được cảnh báo kỹ thuật mà Vietjet Air thông báo là "báo động giả", có máy bay hơn 4 năm tuổi đang được hãng thuê lại khai thác.
Sau những sự cố liên tiếp của Vietjet Air, đặc biệt là sự cố hạ cánh nhầm đường băng tại Cam Ranh, Cục Hàng không quyết định đình chỉ tổ bay VJ689 để phục vụ công tác điều tra, đồng thời đình chỉ công tác đối với người chịu trách nhiệm chính của hãng bay liên quan đến việc khai thác.
Về phía hãng hàng không VietJet, Cục quyết định dừng tăng chuyến để rà soát đánh giá lại vấn đề khai thác sau hàng loạt sự cố hàng không của hãng này trong thời gian qua. Đồng thời thực hiện giám sát đặc biệt với VietJet tại 4 cảng hàng không quốc tế là: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh và Đà Nẵng.