Một năm buồn của người đào Bitcoin tại Việt Nam
- 16:21 26-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cuối 2017, Bitcoin lập đỉnh gần 20.000 USD (khoảng 470 triệu đồng) mỗi đồng khiến "cơn sốt" đầu tư tiền ảo tăng mạnh. Không ít người mua tiền kỹ thuật số với kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng, số khác đổ tiền làm xưởng, mua thiết bị chuyên dụng (trâu) để khai thác... nhưng rồi chỉ thấy giá tiền ảo liên tiếp giảm.
Người đào tiền ảo có một năm không thuận lợi. Ảnh: Rigfarms |
Sự đi xuống của tiền ảo được cảnh báo sớm khi Bitcoin sụt một phần ba giá ngay trong những ngày đầu năm. Tuy nhiên, biến động đó dường như không ảnh hưởng đến nhà đầu tư, thậm chí còn khiến giá "trâu" tăng do nhu cầu mua thiết bị khai thác nhiều. Các máy dùng card đồ họa RX 470, 570 có lúc lên 70-80 triệu đồng mỗi trâu, cao gấp 2,5 lần so với bình thường.
Trong "cơn sốt", máy đào tiền ảo chuyên dụng (Asic) nhập về Việt Nam cũng tăng mạnh về số lượng, giá bán biến động theo giá tiền ảo. Dòng thiết bị này chủ yếu được sản xuất bởi Bitman, Baikal, Innosilicon... để khai thác các đồng như Bitcoin, Litecoin... và có nguồn gốc Trung Quốc, thị trường tiền điện tử được đánh giá lớn nhất thế giới.
Khi Bitcoin mất nửa giá, xuống mốc dưới 10.000 USD, lợi nhuận từ việc khai thác tiền ảo giảm sâu. Không ít nhà đầu tư từng kỳ vọng thu hồi vốn ngay trong nửa năm nhưng sau đó, thời gian để lấy lại được số tiền bỏ ra mỗi lúc một kéo dài. Việc thanh lý máy đào đã xuất hiện từ tháng 2/2018 nhưng khi đó chưa tạo thành làn sóng mạnh mẽ.
Đến tháng 3, giá Bitcoin về mốc 8.000 USD và cũng là lúc thị trường thực sự khó khăn. Chi phí đào được một Bitcoin thậm chí cao hơn giá bán, khiến người đầu tư lỗ tiền điện. Máy đào Trung Quốc mất giá "thê thảm", có thiết bị được mua giá 100 triệu đồng nhưng một tuần sau đã giảm 2/3 giá, còn khoảng 35 triệu đồng.
Xu hướng mất giá tiền điện tử kéo dài đến tận cuối năm, có giai đoạn về mốc 3.000 USD một Bitcoin, tức giảm tới bảy lần. Các đồng tiền ảo khác thậm chí còn mất giá hơn, Ethereum từ 1.400 USD còn 80 USD (giảm 17 lần), Litecoin từ 370 USD xuống 20 USD (mất giá 18 lần). Thu nhập của người khai thác cũng tuột dốc tương ứng.
Đào không đủ trả tiền điện, nhà đầu tư phải bán tháo máy. Nhiều "trâu" từng có giá 70-80 triệu đồng được thanh lý ở mức 10-20 triệu đồng, trong đó có thể bán cho người khác tiếp tục đào hoặc gỡ lấy card đồ họa lắp vào máy tính cá nhân, dàn net (điểm kinh doanh dịch vụ Internet).
Một mỏ đào tiền ảo quy mô lớn được xây dựng sát bờ sông ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Odaily. |
Riêng với máy đào Asic từ Trung Quốc, giá trị của thiết bị gần như về 0 khi thị trường "thoi thóp". Do sử dụng linh kiện và thiết kế chuyên dụng, những máy này gần như không thể dùng vào việc khác ngoài đào tiền. Việc nhập máy từ Trung Quốc cũng gần như "đóng băng" từ quý II/2018.
Đầu tư một "trâu", người đào phải bỏ vào vài chục triệu đồng. Với những nhà đầu tư lớn, số tiền có thể lên đến hàng tỷ đồng, gồm thiết bị, chi phí xây dựng nhà xưởng, hệ thống điện, làm mát riêng biệt. "Những người gia nhập thị trường từ sớm có thể lãi hoặc hòa vốn, còn những người đầu tư khoảng 1,5 năm trở lại thì tỷ lệ thua lỗ khá cao", Phạm Quốc Hòa, một chuyên gia trong ngành, đánh giá.
Không riêng Việt Nam, 2018 là năm khó khăn chung của người đào tiền ảo trên toàn thế giới. Theo ZOL, tại Trung Quốc, nơi chiếm tới 70% lượng tiền điện tử được đào trên toàn cầu, rất nhiều nhà đầu tư phải bán tháo máy móc và thiết bị với mong muốn rút chân khỏi "vũng lầy" càng nhanh càng tốt. Một số thậm chí xử lý những máy đào tiền ảo từng có giá nghìn USD như phế liệu.