Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trung Quốc không sử dụng an cung phòng đột quỵ, người Việt lại coi như thần dược

Tại Trung Quốc - “quê hương” của an cung cũng không dùng loại thuốc này để ngừa đột quỵ, chưa kể trong thuốc có thạch tín, thủy ngân, bệnh nhân không nên dùng.

Suýt mất mạng vì thần dược an cung

Sau khi thoát khỏi cơn đột quỵ cách đây 2 năm, ông Đ.M.V. (78 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) lúc nào cũng lo lắng bệnh tái phát lần 2. Nghe hàng xóm mách dùng an cung ngưu hoàng hoàn để dự phòng và chữa đột quỵ, ông tức tốc đặt mua 10 viên từ Trung Quốc với giá gần 3 triệu đồng/viên.

Theo “hướng dẫn” của người bán, khi có dấu hiệu đột quỵ, chỉ cần uống 3 viên an cung trong 3 ngày liên tiếp sẽ hết bệnh, những trường hợp có nguy cơ bị tai biến cao như mắc tiểu đường, mỡ máu, tăng huyết áp... chỉ cần uống định kỳ 1 viên/6 tháng để dự phòng đột quỵ.

 Không ít bệnh nhân đột quỵ coi an cung ngưu hoàng hoàn là "thần dược"

Cách đây 1 tháng, ông V. tăng huyết áp đột ngột, thấy vậy, con gái ông V. liền cho bố uống 1 viên an cung. Tuy nhiên sau uống hơn 7 giờ, tình trạng không đỡ mà nặng lên, ông V. thấy đau đầu dữ dội, nói khó, tê bì tay chân được gia đình chuyển vào BV cấp cứu.

Bác sĩ kết luận, ông V. bị đột quỵ tái phát, dù đã được can thiệp giữ tính mạng song do đến viện trễ nên toàn bộ nửa người trái đã bị liệt.

Tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cũng từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đột quỵ không qua khỏi hoặc để lại di chứng nặng nề do uống an cung ngưu hoàng hoàn.

GS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực cho biết, hầu hết các trường hợp gặp tai biến nặng là những bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não.

Như trường hợp bệnh nhân nam 74 tuổi ở Hà Nội có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, bị đột quỵ. Người nhà cho biết đã mua vài hộp an cung ngưu hoàng hoàn cho bệnh nhân sử dụng để ngừa tai biến, nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, sau nửa tháng uống thuốc, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng chảy máu mũi, miệng, chân răng ồ ạt, giãn đồng tử, phải mở khí quản để thở.

BV Bệnh nhiệt đới TƯ cũng từng tiếp nhận nam bệnh nhân 65 tuổi ở Vĩnh Phúc bị chảy máu toàn thân do uống an cung ngưu hoàng hoàn dự phòng đột quỵ.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, khả năng đông máu của bệnh nhân giảm, chức năng gan suy giảm, chảy máu trong cơ, chảy máu dạ dày.

An cung không có tác dụng phòng đột quỵ

Sản phẩm an cung ngưu hoàng hoàng xuất hiện trên thị trường Việt Nam khoảng 10 năm nay, nhưng chỉ thực sự được nhiều người biết đến, tin dùng vì cho rằng có khả năng ngừa đột quỵ trong khoảng 6-7 năm trở lại đây.

Nắm bắt được tâm lý người dùng, hiện có rất nhiều sản phẩm an cung từ 300 nghìn đồng/viên đến vài triệu đồng mỗi viên với nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên...

 GS Nguyễn Văn Thông khẳng định, an cung ngưu hoàng hoàn không có tác dụng dự phòng đột quỵ

Tuy nhiên GS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, ông đã từng trực tiếp sang Trung Quốc từ 10 năm trước, đến các bệnh viện cũng như cơ sở Đồng Nhân Đường nhưng tuyệt nhiên không thấy nơi nào sử dụng an cung ngưu hoàng hoàn để phòng đột quỵ.

GS chia sẻ, trực tiếp đến “quê hương” của an cung ngưu hoàng hoàn mới thấy đây là sản phẩm siêu lợi nhuận, các viên thuốc chỉ có giá 100-150 tệ (350 - 500 nghìn đồng) nhưng về Việt Nam bán đội giá lên tới 1-2,5 triệu đồng.

“Thành phần sừng tê giác trong an cung không có tác dụng ngừa đột quỵ. Trong viên thuốc cũng chứa thạch tín, thủy ngân, vì vậy bệnh nhân không nên dùng, đặc biệt chống chỉ định với những bệnh nhân đột quỵ chảy máu não”, GS Thông nhấn mạnh.

GS Thông cũng khuyên người tiêu dùng nên tỉnh táo trước lời quảng cáo thổi phồng về tác dụng ngừa đột quỵ.

“Thuốc bất kỳ nào khi vào cơ thể, tác dụng dược lý cũng chỉ có trong vài giờ, sau đó được bài tiết, làm sao có tác dụng dự phòng thời gian dài được. Nếu muốn thuốc tồn tại trong vòng 7 ngày thì cần phải được chế tạo bằng công nghệ cao hoặc viên thuốc phải được bao bọc bằng chất liệu đặc biệt để có thể giữ lại trong dạ dày”, GS Thông chia sẻ.

Trong quá trình điều trị, GS Thông cho biết ông đã gặp rất nhiều bệnh nhân đột quỵ nôn dịch màu xanh, là đặc trưng của người bệnh dùng an cung, tuy nhiên khi hỏi, gia đình nào cũng chối.

BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, đột quỵ (tai biến mạch máu não) gồm thể chảy máu não (xuất huyết não), nhồi máu não (thiếu máu não, chiếm 85%).

Theo đó, an cung ngưu hoàng hoàn chỉ có tác dụng nhỏ với các trường hợp bị tai biến thiếu máu não, khi đó có thể giúp giảm đông máu, tuy nhiên bệnh nhân vẫn có nguy cơ chảy máu trong vùng nhồi máu.

Ngược lại, nếu bị xuất huyết não, uống an ngưu hoàng hoàn càng nguy hiểm vì gia tăng chảy máu do máu không thể đông lại.

Trong khi đó, để xác định tai biến thiếu máu não hay xuất huyết não, các bác sĩ phải chụp chiếu, xét nghiệm. Do đó người dân không nên tuỳ tiện dùng thuốc.

Trong các tài liệu đông y của Trung Quốc, an cung ngưu hoàng hoàn cũng chỉ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc trị sốt cao, co giật, khu đờm, các triệu chứng của nhiệt nhập tâm bào, nói sảng, lưỡi đỏ, trẻ em sốt cao, co giật.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ không ngừng tăng từ 1,7% lên 2,5%, tỉ lệ nam giới mắc gấp 4 lần nữ, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới đột quỵ mỗi năm, trong đó gần 50% số ca đột quỵ sẽ tử vong.