Để thi giáo viên giỏi không chỉ là … diễn
- 14:54 25-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Việc thi đua dạy và học trong giáo dục là hết sức cần thiết. Hội thi giáo viên (GV) giúp GV có dịp tự nhìn lại, tự kiểm tra lại công việc của mình đã thực hiện tới đâu và thực hiện đạt hiệu quả đến mức độ nào để từ đó có thể chỉnh sửa, bổ sung và thực hiện tốt hơn, đạt hiệu quả hơn.
GV cũng nhận được nhiều điều thông qua những lần xây dựng tiết dạy cho đồng nghiệp. Sự bổ trợ này sẽ thúc đẩy việc dạy và học nâng chất hơn.
Các cấp quản lí: từ Tổ trưởng, Ban giám hiệu, các chuyên viên, lãnh đạo phòng, sở cũng nhận được đâu là cách làm hay, tiết dạy tốt, dạy như thế nào là hiệu quả, phát huy sự sáng tạo của học học sinh, … từ đó có sự định hướng, chỉ đạo,… nhằm giúp ngành giáo dục đạt được mục đích mong muốn.
Khi đã được rèn luyện, bồi dưỡng, đạt được tiết dạy tốt, danh hiệu GV dạy giỏi người giáo viên cũng tự tin thể hiện bản lĩnh, năng khiếu, sở trường của mình. Từ đó có thể hưng phấn, nảy sinh nhiều ý tưởng mới, cách làm hay hơn, năng động, sáng tạo hơn.
Để danh hiệu GV dạy giỏi được ghi nhận xứng đáng, người giáo viên dạy giỏi phát huy được khả năng của mình và đóng góp tích cực vào quá trình dạy và học của bản thân và là “hình mẫu” cho ngành, tôi xin đóng góp và chia sẻ một số ý tưởng như sau:
Nội dung cần được ghi nhận trong Hội thi
Về nội dung cần được ghi nhận trong Hội thi:
Dựa vào những quy định, điều lệ, nội dung chỉ đạo của ngành như: nội quy giáo viên được quy định trong điều lệ trường học, chuẩn nghề nghiệp,… cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá GV dạy giỏi. Tôi thiết nghĩ đây là nội dung hàng đầu cần được xem xét và ghi nhận trong quá trình đánh giá ghi nhận tay nghề một GV dạy giỏi.
Một hay hai tiết dạy giỏi chưa đủ, sáng kiến kinh nghiệm hay chưa tốt mà một người giáo viên được gọi là dạy giỏi, hay giáo viên giỏi nhất thiết phải được toàn diện về đức trí thể mĩ ở mức độ cao. Bộ tiêu chí cần có nội dung cụ thể và bám sát vào các tiêu chuẩn sau:
Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: Đối với Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục; đối với nhân dân; đối với học sinh; đối với đồng nghiệp.
Kiến thức: Kiến thức cơ bản; kiến thức về tâm lí học sư phạm và tâm lí học lứa tuổi, giáo dục học tiểu học; Kiến thức về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.
Yêu cầu về lĩnh vực kĩ năng sư phạm: Lập được kế hoạch dạy học; biết cách soạn giáo án theo hướng đổi mới; tổ chức và thực hiện các hoạt động dạy học trên lớp phát huy được tính năng động sáng tạo của học sinh; Công tác chủ nhiệm lớp; công tác giảng dạy; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; Thực hiện thông tin hai chiều trong quản lí chất lượng giáo dục; hành vi trong giao tiếp, ứng xử có văn hoá và mang tính giáo dục; Năng lực đặc thù.
Hiệu quả giảng dạy, đào tạo. Tiết dạy của giáo viên: Chỉ cần một tiết dạy của giáo viên.
Bài thi lý thuyết: Không nên đặt nặng việc soạn thảo văn bản, nghiên cứu văn bản hay ghi nhớ văn bản mà cần tập trung đánh giá vào năng lực xử lí tình huống, chia sẻ năng lực vận dụng những biện pháp, phương pháp giảng dạy hiệu quả mà bản thân được thực hiện (Nội dung này cần được thực hiện tại chỗ thay thế cho sáng kiến kinh nghiệm)
Không thông báo trước nội dung dự thi
GV dự thi được thông báo thời gian cụ thể rõ ràng, không thông báo trước nội dung dự thi nhất là phần thi thực hành (1 tiết dạy). Mỗi cấp: Trường, cấp huyện, thị, thành phố hay cấp tỉnh đều tiến hành tương tự.
Phần xét chọn các tiêu chí có thể được xem là vòng 1. Nhà trường (BGH, Công đoàn, Chi đoàn, TPT, tổ trưởng) cùng Hội đồng trường tiến hành lập Hội đồng xét chọn theo Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá. Sau đó công bố kết quả dự thi thực hành trước 1 tháng.
Phần thi lí thuyết thông báo trước 1 tháng (không giới hạn nội dung thi).
Phần thi thực hành có thể thông báo trước một tuần và không thông báo ngày hay môn dự thi, chỉ thông báo tuần được dự thi. GV dự thi sẽ bốc thăm ngay ngày thi và thời gian chuẩn bị cho tiết dạy 20 phút.
Nội dung đánh giá tiết dạy
GV đảm bảo được chuẩn kiến thức kĩ năng bài dạy. Đảm bảo được mục tiêu, nội dung, chương trình môn học.
Giáo viên có xử lí tình huống trong tiết dạy một cách hài hòa, nhẹ nhàng, thông minh.
GV thể hiện được bản lĩnh, điêu luyện trong việc thực hiện các hoạt động trên lớp.
Vận dụng các phương pháp dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo, kính thích được sự tìm tòi hứng thú học tập của học sinh. Học sinh học tập tích cực, lớp học sinh động.
Kích thích và tạo điều kiện cho học sinh được thể hiện bản lĩnh, tự tin của mình nhưng biết khiêm nhường, từ tốn, lễ độ.
Học sinh hiểu được vấn đề giáo viên cần truyền đạt, thực hành vận dụng tốt, biết liên hệ nội dung được học vào thực tiễn cuộc sống.
Một người được mệnh danh là giỏi thì chắc chắn rằng họ không thể để mình dở. Vì vậy, khi GV đã được ghi danh vào bảng vàng “GV dạy giỏi” các cấp quản lí không nên dừng lại ở hội thi mà cần phải tăng cường năng lực, phát huy sức mạnh Hội thi có như thế Hội thi GV dạy giỏi mới thực sự hiệu quả và đi vào thực tiễn cuộc sống mới kích hoạt đồng bộ và phát huy được thế mạnh của ngành giáo dục chúng ta. Từ cách thực hiện, và những khả năng sẵn có của những giáo viên giỏi, cần nhân rộng những cách làm, tiết dạy như thế để kích cầu, khơi dậy và phát huy nội lực của bản thân GV giỏi, đặc biệt sức lan tỏa ấy sẽ ảnh hưởng rất tích cực đến xung quanh, nhất là đồng nghiệp. Khuyến khích, động viên, tạo điều kiện, là điều rất cần thiết trong giáo dục. Đấy mới thật là nguồn lực, sức mạnh mang đến thành công cho cộng đồng, cho ngành và xã hội. Một lãnh đạo giỏi sẽ có nhiều nhân viên giỏi, nhân viên giỏi sẽ tạo ra nhiều sản phẩm tốt cho xã hội. Và ngành giáo dục có nhiều giáo viên giỏi sẽ tạo ra nhiều thế hệ giỏi, xã hội sẽ được cho ra đời nhiều sản phẩm phong phú, tốt đẹp. |