Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những ngày đặc biệt, đột phá bất ngờ của tỷ phú Trịnh Văn Quyết

Cú bứt phá nước rút cuối năm giúp ông Trịnh Văn Quyết vượt tỷ phú USD Trần Đình Long và lọt vào top 3 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

Giống như năm trước, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros của ông Trịnh Văn Quyết tăng mạnh vào thời điểm cuối năm. Bốn phiên tăng mạnh, trong đó có 1 phiên tăng trần hôm 24/12, đã giúp khối tài sản của ông Quyết tăng thêm nhiều ngàn tỷ đồng và hiện đã vượt tỷ phú USD Trần Đình Long.

Trong 4 phiên vừa qua, cổ phiếu ROS tăng từ ngưỡng 35.000 đồng/cp lên gần 42.000 đồng/cp như hiện tại.

Ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ hơn 380 triệu cổ phiếu ROS, hơn 150 triệu cổ phiếu FLC và gần 3,2 triệu cổ phiếu ART, trị giá tổng cộng gần 17 ngàn tỷ đồng.

Trước đó, có thời điểm cổ phiếu ROS lên 180.000 đồng (giá điều chỉnh) giúp ông Trịnh Văn Quyết có khối tài sản trị giá vài tỷ USD. Tuy nhiên, cổ phiếu ROS đã sụt giảm liên tục trong năm 2018 và về vùng 40 ngàn đồng từ hồi tháng 6.

Ông Quyết là chủ tịch Tập đoàn FLC và là người đã thâu tóm và đưa ROS từ một doanh nghiệp không mấy người biết đến trở thành một tên tuổi thu hút sự chú ý giới đầu tư chứng khoán. FLC Faros là một doanh nghiệp xây dựng và bất động sản có số dự án thi công rất nhiều như Ngọc Vừng (Quảng Ninh), Cù Lao Xanh (Bình Định),...

Mới đây nhất, ông Quyết đã khai trương khu du lịch FLC Ha Long Bay Golf Club & Luxury Resort (FLC Hạ Long). Sau FLC như FLC Sầm Sơn, FLC Vĩnh Phúc, FLC Quy Nhơn đến FLC Hạ Long và sắp tới là FLC Quảng Bình cho thấy ông Quyết và FLC đang đầu tư mạnh mẽ với số tiền hàng tỷ USD vào lĩnh vực du lịch cao cấp.

 Ông Trịnh Văn Quyết, chủ hãng hàng không thứ 6 tại Việt Nam.

Trong năm 2018, tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết dồn sức vào một giấc mơ đột phá: đưa hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vào vận hành. Trước đó, giữa tháng 12, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airway.

FLC dự kiến sẽ có chuyến bay đầu tiên vào cuối tháng 12, song nhiều khả năng sẽ bị lùi lại vì doanh nghiệp của ông Quyết còn phải giải quyết thêm một số thủ tục.

Giấc mơ bay của ông Trịnh Văn Quyết gần như đã trở thành hiện thực và Bamboo Airways sẽ trở thành hãng hàng không thứ 5 tại Việt Nam, sau hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VASCO và VietJet của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo.

Thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá vẫn còn khá hấp dẫn do dân số đông và du lịch phát triển. Một số đánh giá cho rằng, với 100 triệu dân, ngành vận tải hàng không Việt Nam còn dư địa để phát triển. Bamboo Airways có cửa phát triển khá sáng nếu giải quyết được các bài toán mà VietJet đã từng gặp: vấn đề nhân lực, nguồn vốn và sự an toàn.

Trước đó, trả lời Nikkei, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho rằng, công nghiệp du lịch Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn. FLC đã công bố những kế hoạch đầy tham vọng về việc mở rộng hoạt động kinh doanh, tập trung vào mảng khu nghỉ dưỡng, rồi casino, sân golf và ngành dịch vụ hàng không.

Gần đây, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group, cho hay tập đoàn của ông sẽ đơn vị hợp tác với AirAsia để lập một liên doanh hàng không giá rẻ tại Việt Nam, có thể cất cánh trong năm 2019.

Trên thị trường chứng khoán, áp lực bán vẫn còn lớn, thanh khoản ở mức thấp. VN-Index tiếp tục tụt sâu xuống dưới ngưỡng 910 điểm. Khối ngoại bán ròng mạnh, tổng giá trị 800 tỷ đồng.

Đầu phiên giao dịch 25/12, Vn-Index giảm hơn 18 điểm và xuyên thủng mốc 900 điểm do ảnh hưởng của phiên giảm mạnh trên TTCK Mỹ.

Một số công ty chứng khoáncó những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

SHS cho rằng, thanh khoản khớp lệnh tiếp tục suy giảm cho thấy tâm lý có phần thận trọng và chán nản của nhà đầu tư tại vùng giá này trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2018. VN-Index có thể tiếp tục đà giảm nhằm kiểm định lại lực cầu quanh ngưỡng hỗ trợ tâm lý gần nhất tại 900 điểm.

Chứng khoán Rồng Việt (VDS) nhận định, thị trường tiếp tục giảm điểm khi những nỗ lực của bên mua là chưa đủ mạnh. Các nhóm cổ phiếu chủ chốt như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán,... tiếp tục gây thất vọng. Mặc dù các chỉ số đang khá gần các ngưỡng hỗ trợ mạnh, các tín hiệu đảo chiều vẫn chưa xuất hiện. Nhà đầu tư tiếp tục hạn chế giao dịch trong ngắn hạn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/12, Vn-Index giảm 3,7 điểm xuống 908,56 điểm; HNX-Index giảm 1,1 điểm xuống 103,34 điểm. Upcom-Index giảm 0,29 điểm xuống 52,46 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 200 triệu đơn vị, trị giá 4,4 ngàn tỷ đồng.