Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Liệu có “nước đến chân mới nhảy”?
- 10:38 25-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quốc hội yêu cầu Dự án cao tốc Bắc - Nam hoàn thành trong năm 2021. (Ảnh minh họa) |
Ngổn ngang công việc dự án đang chờ, thế nhưng nhiều thủ tục chưa xong tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT); nhiều địa phương có dự án đi qua cũng chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) được mét đất nào. Thực trạng này khiến Dự án chưa được triển khai đã lại lo chậm tiến độ.
Chưa đấu thầu, chưa GPMB
Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông bao gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án được thực hiện 100% từ nguồn ngân sách nhà nước, 8 dự án còn lại được thực hiện theo hình thức công – tư. Từ hồi cuối tháng 8/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã “mắng” nhiều đơn vị thực hiện dự án do chậm tiến độ; nguyên nhân do việc thực hiện hồ sơ của các Ban quản lý dự án còn kém. Ngoài ra, nhiều thủ tục dự án cũng đang vướng ở Vụ Đối tác công tư, Vụ Kế hoạch đầu tư.
Theo tìm hiểu của PLVN, báo cáo nghiên cứu khả thi của 11 dự án thành phần đã được phê duyệt. Tuy nhiên, tại 3 dự án đầu tư công, việc lựa chọn đơn vị tư vấn chưa thực hiện xong. Về công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật, Bộ GTVT mới phê duyệt nhiệm vụ cho 4 dự án (Cao Bồ-Mai Sơn, quốc lộ 45-Nghi Sơn, Cam Lộ-La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2). 5 dự án khác Bộ GTVT vẫn đang trong quá trình thẩm định nhiệm vụ công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật; 2 dự án khác chưa được nhắc đến. Đặc biệt, tại 8 dự án đầu tư công – tư, việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chưa được thực hiện.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan đến Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông tích cực triển khai Dự án, phấn đấu đúng tiến độ. Bộ GTVT cũng mới tổ chức họp về Dự án này và cho biết Bộ đã có văn bản gửi các tỉnh có Dự án đi qua về dự kiến diện tích sử dụng đất và giao nhiệm vụ cho các Ban quản lý Dự án (QLDA) làm việc với địa phương để GPMB.
Nguy cơ chậm tiến độ, đội vốn
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PLVN, những điều hành trên của Bộ GTVT vẫn đang ở trên giấy tờ. Tại nhiều địa phương có Dự án đi qua, chưa mét vuông nào được GPMB. Ông Lê Đức Tiến, Giám đốc Sở GTVT Quảng Trị cho biết, địa phương đã sẵn sàng cho Dự án cũng như công tác GPMB, tuy nhiên chưa thấy chủ đầu tư nói đến việc GPMB. “Chúng tôi đã chủ động trong việc lập dự án, kiểm đếm khối lượng, chờ chủ đầu tư yêu cầu mặt bằng”, lãnh đạo Sở GTVT Quảng Trị nói.
Ông Võ Đức Triều, Giám đốc Sở GTVT Ninh Thuận cho biết, tỉnh này cũng đã họp về vấn đề GPMB cho Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, nhưng có thể phải sang năm 2019 mới bắt đầu triển khai cụ thể. “Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì việc này nên tôi cũng không rõ lắm”, lãnh đạo Sở GTVT Ninh Thuận nói về việc GPMB cho Dự án trọng điểm quốc gia.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Nghệ An, Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ đi qua 39 xã thuộc 6 huyện của tỉnh này với tổng chiều dài 88km. Để phục vụ Dự án, sẽ có khoảng 697 nhà dân phải di dời. Tuy nhiên, theo đại diện chủ đầu tư (Ban QLDA 6 – Bộ GTVT), phải đến khoảng tháng 3/2019 mới bắt đầu bàn giao cọc GPMB cho các địa phương thuộc tỉnh Nghệ An.
“Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo phải tập chung GPMB cho Dự án. Tuy nhiên, với khối lượng hộ dân phải di dời lớn mà đến tháng 3/2019 chủ đầu tư mới bàn giao cọc GPMB thì sẽ gây khó khăn. Chủ đầu tư nên bàn giao cọc sớm thì chúng tôi mới sớm GPMB được vì công tác tái định cư cho các hộ dân chắc chắn sẽ phức tạp, kéo dài”, một lãnh đạo Sở GTVT Nghệ An cho biết.
Với tổng chiều dài toàn Dự án hơn 600km, thời gian thực hiện theo cam kết chỉ còn hơn 2 năm, nhưng việc GPMB chưa được động đến thì rõ ràng để Dự án trọng điểm quốc gia này về đích đúng tiến độ, cần sự quyết liệt hơn từ các đơn vị liên quan thuộc Bộ GTVT, cũng như các địa phương có Dự án đi qua, tránh cho dự án “rơi vào danh sách” những dự án giao thông lớn chậm tiến độ, đội vốn.