Chuyện động trời tại làng bệnh nhân phong Quỳnh Lập
- 07:52 24-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện Phong Da liễu Trung ương Quỳnh Lập (Nghệ An) đều khó khăn, phần lớn phải dựa vào nguồn trợ cấp của Nhà nước để duy trì sự sống. Với người bệnh sự bao bọc của cộng đồng là liều thuốc tinh thần vô giá. Vậy mà vẫn có người sẵn sàng đẩy họ xuống tận hố sâu tuyệt vọng.
Bệnh nhân phong tố cáo hành vi lừa đảo của bà Lê Thị Lựu |
Làng phong Quỳnh Lập (xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai) là nơi tập trung những mảnh đời bất hạnh, các bệnh nhân gần như phải cách li hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Nhiều trường hợp già cả neo đơn, không người thân thiết, chỉ biết duy trì nguồn sống nhờ sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng.
Thấu hiểu hơn ai hết hoàn cảnh bi đát của chính mình, người bệnh tự ý thức tích trữ từng gói mì tôm, từng chai nước mắm, tằn tiện tích góp từng đồng được hỗ trợ phòng những lúc ốm đau, bệnh tật.
Nhưng đời chẳng ai nói trước được sự ngờ, không hiểu “ma xui quỷ khiến” thế nào mọi người lại đồng loạt xiêu lòng trước những lời hứa hẹn ngon ngọt của Lê Thị Lựu, là giáo viên giảng dạy tại trường Quỳnh Vinh A, TX Hoàng Mai. Để rồi khi đối tượng hiện nguyên hình là một “siêu lừa” có hạng, tất cả mới ngớ người ra.
Ông Trần Quốc Đạt (75 tuổi), một nạn nhân bức xúc lên tiếng: “Bệnh nhân phong cùi chúng tôi thuộc tầng đáy của xã hội rồi, ấy thế mà một người ngày ngày đứng trên bục giảng như cô Lựu lại có thể đang tâm chà đạp lên thì còn gì là đạo lý nữa. Mác là giáo viên, mẹ chồng cũng là bệnh nhân phong nên khi cô Lựu đặt vấn đề vay tiền kèm mức lãi suất cao thì chẳng ai mảy may nghi ngờ gì”.
Được biết, ông Đạt cho bà Lựu vay 140 triệu đồng từ đầu năm 2016, đôi bên thỏa thuận mức lãi suất 2,0%/tháng. Cam kết là vậy nhưng từ tháng 4/2017 âm lịch về sau bà Lựu không hề đả động gì đến, đã vậy mỗi lần ông Đạt đề cập đến là bà Lựu tỏ thái độ ngông nghênh, thách thức ra mặt.
Nạn nhân phần lớn là người già neo đơn, bệnh tật đầy mình |
Thời gian đầu Lê Thị Lựu luôn thực hiện đúng như cam kết, lãi suất hàng tháng chi trả rất sòng phẳng, thậm chí ai có nhu cầu lấy lại tiền gốc chỉ cần thông báo trước 15 - 30 ngày sẽ được sắp xếp ổn thỏa. Thế nhưng khi nhận thấy niềm tin đã đủ lớn, đối tượng này lập tức thể hiện rõ bộ mặt thật, tiền thu về càng nhiều thì những lời hứa hẹn cũng tăng theo tỷ lệ thuận.
Giao dịch giữa bà Lựu và các nạn nhân diễn ra rất kín kẽ, nhà nào biết nhà đó, thành thử dù hoang mang, lo sợ nhưng chẳng một ai dám lên tiếng. Phải đến khi sự việc vỡ lở ra, mọi người mới đứng ra đòi quyền lợi.
Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị, phía Công an TX Hoàng Mai đã phản hồi như sau: “Từ năm 2008 đến cuối năm 2017, cô Lê Thị Lựu (SN 1983, trú tại xóm Đồng Mý, xã Quỳnh Lập - có chồng là Lê Minh Đạt, nay đã ly hôn) đứng ra vay mượn tiền của 19 cá nhân tại xóm Đồng Mý và Đồng Thanh với số tiền 1.553.000.000đ nhưng không trả mà cố tình chiếm đoạt. Ngày 1/2/2018 cô Lựu tẩu tán tài sản và định bỏ đi khỏi nơi cư trú”.
Công an xác nhận hình thức vay mượn của đối tượng Lê Thị Lựu đơn thuần là quan hệ dân sự về kinh tế. Kết quả xác minh chỉ ra Lê Thị Lựu lừa đảo, chiếm đoạt trên 1,5 tỷ đồng, thế nhưng những người liên quan khẳng định lớn hơn nhiều. Ngạc nhiên hơn, nạn nhân của “siêu lừa” Lê Thị Lựu không chỉ gói gọn là bệnh nhân của trại phong mà thực chất còn dài dằng dặc.
Cuộc sống thường ngày của họ rất kham khổ |
Điển hình là trường hợp của bà Trần Thị Ánh Tuyết (trú tại xóm Tam Hợp, xã Quỳnh Lập). Quá trình tìm hiểu được biết, ngày 25/7/2017 bà Tuyết cho vợ chồng Lê Thị Lựu - Lê Minh Đạt (là Hiệu phó Trường THCS Quỳnh Phương) vay 600 trăm triệu. Lúc đầu 2 vợ chồng hứa hẹn sẽ thanh toán cả gốc và lãi vào ngày 20/12/2017. Thế nhưng sau đó chỉ cam kết trả trước 1/3 số tiền, phần còn lại sẽ chuyển đầy đủ vào dịp tết Âm lịch, nếu không thực hiện sẽ phải cắt một phần diện tích đất để bù vào.
Thỏa thuận là vậy nhưng bà Lựu năm lần bảy lượt thất hứa, cộng với việc cặp đôi đã chính thức đường ai nấy bước càng khiến bà Tuyết càng thêm phần bất an, tâm trạng hệt như ngồi trên đống lửa…
Làm việc với NNVN, bà Lương Thị Hồng Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Vinh A xác nhận đã nắm bắt thông tin giáo viên Lê Thị Lựu vay nợ nần khá lớn. Khi làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường, bước đầu bà Lựu phủ nhận, mãi về sau mới thừa nhận hành vi nhưng không nói rõ số tiền còn thiếu. Xâu chuỗi các tình tiết, hành vi của bà Lê Thị Lựu rõ ràng có dấu hiệu lừa đảo, hơn nữa với tư cách một nhà giáo thì việc chà đạp lên mồ hôi nước mắt của người bệnh là sự băng hoại trầm trọng về mặt đạo đức. |
“Của đau con xót”, bỗng dưng mất trắng toàn bộ số tiền nhọc công tích cóp khiến tâm lý của ông Trần Quốc Đạt xáo trộn nặng nề, ngày đêm lẩn thẩn như người mất hồn. Tâm trạng của ông Đạt cũng chính là nỗi lòng chung của bà Phạm Thị Nuôi, Phạm Thị Tuyết, Vũ Thị Lập, Nguyễn Thị Hường…, những bệnh nhân thuộc trại phong Quỳnh Lập. Tính toán sơ bộ người mất ít thì dăm chục triệu, người nhiều gấp vài lần con số trên. |