Những nước nào bị ông Trump dọa tấn công năm 2018?
- 08:43 21-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trang Business Insider liệt kê 9 lần Tổng thống Trump hoặc các thành viên trong chính quyền của ông cảnh báo sẽ sử dụng sức mạnh quân sự chống lại các nước khác trong năm 2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters) |
Nhà lãnh đạo Mỹ khởi động đầu năm mới bằng sự so nút hạt nhân với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Sự kiện này được đông đảo dư luận đánh giá là lời đe dọa thực sự.
Sau khi ông Kim Jong Un khơi mào, ông Donald Trump đã phản ứng: "tôi cũng có một nút hạt nhân, nhưng nó lớn hơn và uy lực hơn nhiều so với nút của ông ấy, và nút của tôi hoạt động!".
Những kiểu đe dọa này được coi là vi phạm Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc. Một tổ chức giám sát hạt nhân báo cáo hồi tháng 10 rằng, Triều Tiên, Nga và Mỹ là 3 nước duy nhất trên thế giới liên tục đe dọa sử dụng sức mạnh hạt nhân. Báo cáo dẫn thông điệp trên Twitter của ông Trump làm ví dụ.
Cũng trên Twitter, ông Trump cảnh báo Tổng thống Putin, Nga và Iran phải chịu trách nhiệm vì ủng hộ lãnh đạo Syria Assad. "Giá đắt... phải trả", ông viết vào ngày 8/4 sau một vụ tấn công hóa học tình nghi nhằm vào dân thường ở Douma, Syria.
Ít ngày sau, Mỹ nã hơn 118 tên lửa để đáp trả.
Về kế hoạch phi hạt nhân hóa Triều Tiên, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói hồi cuối tháng 4: "Tôi nghĩ chúng tôi đang nghiên cứu mô hình Libya 2003, 2004". Bình Nhưỡng không bỏ qua tuyên bố này và ông Trump đã hủy một cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên.
Nhiều người coi đây thực sự là lời đe dọa trực tiếp của Mỹ đối với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, cuối cùng ông Trump và ông Kim Jong Un đã ngồi lại với nhau tại hội nghị lịch sử ở Singapore hồi tháng 6 và xuống thang căng thẳng song phương.
Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, Phó Tổng thống Mike Pence nhắc lại "mô hình Libya", thổi bùng lo ngại về mối quan hệ Mỹ - Triều. "Như Tổng thống đã nói rõ, điều này sẽ chỉ kết thúc như kiểu Libya nếu ông Kim Jong Un không thỏa thuận", Pence nói với Fox News.
Ông Trump dường như còn đưa ra đe dọa hạt nhân trong một thông điệp nhắm đến Tổng thống Iran Hassan Rouhani. "Gửi tới Tổng thống Iran Rouhani: Đừng bao giờ, đừng bao giờ dọa Mỹ một lần nữa, nếu không ông sẽ phải nhận hậu quả như một số người trong lịch sử từng phải hứng chịu", Tổng thống My viết trên Twitter hồi tháng 7.
Thông điệp này nằm trong cuộc khẩu chiến với ông Rouhani, người nhắn nhủ Tổng thống Mỹ: "Ông Trump, đừng đùa với đuôi sư tử, vì sẽ chỉ dẫn đến hối tiếc mà thôi". Nhà lãnh đạo Iran cũng tuyên bố "chiến tranh với Iran sẽ là mẹ của mọi cuộc chiến tranh".
Hồi tháng 9, ông John Bolton cảnh báo một cuộc tấn công hóa học nữa ở Syria sẽ dẫn đến "phản ứng mạnh mẽ hơn nhiều" từ các lực lượng Mỹ. Vị cố vấn an ninh này ám chỉ hai vụ oanh kích của Mỹ trước đó nhằm vào chính quyền Assad.
Phó Tổng thống Mỹ Pence nhắc đến Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, sau khi có tin nhà lãnh đạo này đã đưa quân lính tới biên giới Colombia. "Tin tức hôm nay cho biết chính quyền ông Maduro đã điều quân tới biên giới Colombia - một nỗ lực đe dọa rất rõ ràng. Hãy để tôi nói rõ: Mỹ sẽ luôn sát cánh với các đồng minh của mình. Chính quyền ông Maduro đừng nên thách thức Tổng thống hoặc người dân Mỹ".
Ngày hôm sau, ông Trump nói với các phóng viên: "Những gì đang xảy ra ở Venezuela là một sự hổ thẹn. Mọi lựa chọn đang trên bàn làm việc". Trò chuyện với báo chí tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Trum nói sẽ vẫn cân nhắc "mọi lựa chọn" đối với Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. "Và các bạn hiểu ý tôi là gì rồi đấy", ông nói.
Đây không phải lần đầu đe dọa vũ lực nhằm vào ông Madrudo được đưa ra. Một năm trước, ông Trump tuyên bố "chiến dịch quân sự chắc chắn là điều gì đó chúng tôi có thể theo đuổi".
Đại sứ Mỹ Nikki Haley thì sử dụng năng lực hùng biện và khó đoán của ông Trump như công cụ để thúc ép Liên Hợp Quốc phải có lập trường cứng rắn hơn với Triều Tiên. Khi nhắc đến các đe dọa của Tổng thống Mỹ, nhà ngoại giao này nói với NBC News rằng bà sẽ sử dụng chúng làm đòn bẩy trong các cuộc thảo luận.