Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Tăng Thành – Chú trọng đầu tư xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới

Về đích sau 3 năm, Tăng Thành không ngừng nâng cao, hoàn thiện và củng cố các tiêu chí nhằm đảm bảo tính bền vững, phát triển có chiều sâu, trong đó phải kể đến công tác đầu tư xây dựng cơ bản đã tạo ra “điểm sáng” trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã nhà.

Nghĩ mới, làm mới

Bước đầu bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều người còn khá bỡ ngỡ; nhiều cán bộ, đảng viên còn nghi ngờ về tính khả thi của chương trình nhất là nghĩ đến việc đưa xã nhà đi đến đích phát triển toàn diện về mọi mặt. Chính vì vậy “nghĩ mới” chính là thay đổi tư duy, nhận thức để có cách “làm mới” phù hợp trong chặng đường cán đích nông thôn mới được cán bộ và nhân dân cùng xác định là mang tính tiên quyết để thực hiện thành công chương trình.

 Ông Đào Văn Khai - Chủ tịch UBND xã Tăng Thành, huyện Yên Thành

Trong điều kiện nguồn lực có hạn, xã đã lựa chọn những tiêu chí mà đa số người dân thấy cần thì tập trung làm trước, khuyến khích triển khai những công việc từng thôn, xóm, từng hộ dân có thể tự làm được, tập trung cao cho nhiệm vụ phát triển sản xuất, dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất gắn với quy hoạch đồng ruộng, cơ giới hóa các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến và đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất.

Một trong những thành công trong xây dựng NTM của Tăng Thành là “chú trọng chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh giá trị và hệ số lần trồng trên đơn vị diện tích. Xây dựng mô hình thâm canh giống lúa hàng hóa, lúa có năng suất, chất lượng cao, nhằm thay thế một số giống có năng suất, chất lượng kém. Giúp bà con nhân dân chọn cơ cấu giống phù hợp với chất đất, điều kiện ở địa phương. Nhờ đó kinh tế có phần phát triển giúp bà con trong xã cải thiện cuộc sống đáng kể. Điều đáng nói nữa là nhờ kinh tế phát triển mà nguồn lực huy động được từ trong sức dân là rất lớn trong quá trình về đích cũng như phấn đầu hướng đến bền vững các tiêu chí của xã nhà” – ông Đào Văn Khai – Chủ tịch UBND xã chia sẻ.

 Một góc xã Tăng Thành

Bên cạnh đó, xã không ngừng quan tâm tới chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng tình làng nghĩa xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh nông thôn. Năm 2018 UBND xã đã triển khai kế hoạch vệ sinh môi trường trên địa bàn xã, cụ thể: Các đoạn đường tự quản giao cho 4 tổ chức hội quản lý và có kế hoạch vệ sinh cụ thể từng tháng; công tác thu gom và xử lý rác thải giao cho các xóm tự làm xử lý và được trích 80% tiền quỹ môi trường, việc xử lý rác thải tại bãi rác xã chịu trách nhiệm ký hợp đồng với người xử lý; Công tác làm vệ sinh các đoạn đường tự quản và xử lý tại bãi rác được trích từ nguồn 20% quỹ môi trường trong năm. Hiện tại công tác thu gom, vận chuyển, vệ sinh đường làng ngõ xóm và công tác xử lý tại bãi rác được tiến hành tốt. Đồng thời, chú trọng phát động và tổ chức rộng khắp phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM”. Chính từ tư duy “Xây dựng NTM là xây dựng môi trường nông thôn đáng sống, mọi người dân hài lòng” nên đã tạo niềm tin, sức lan toả mạnh mẽ, huy động được sự vào cuộc của toàn dân.

 

Đầu tư xây dựng cơ bản được chú trọng hàng đầu

Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, tổ chức điều hành của UBND xã; sự phối hợp của MTTQ và các ban nghành đoàn thể. Cán bộ và nhân dân xã Tăng Thành đã đoàn kết đồng thuận phát huy tối đa mọi nguồn lực, lợi thế, thu hút đầu tư, triển khai xây dựng, nâng cấp đồng bộ các tiêu chí, thực sự dân chủ, hiệu quả. Điều đó đã tạo thêm động lực, niềm tin trong nhân dân.

 Mặt bằng quy hoạch tổng thể chi tiết xây dựng chợ Viện xã Tăng Thành, Yên Thành, Nghệ An

Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, kinh tế phát triển, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, bộ mặt nông thôn được đổi mới, môi trường sinh thái đảm bảo, an sinh xã hội được quan tâm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương kết hợp với việc tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, góp sức người, sức của chung tay xây dựng, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Cụ thể, các tiêu chí đều được nâng cao, đáng kể nhất là về giao thông tăng thêm được 14%, về thuỷ lợi kiên cố hoá thêm 2. 975 m .Về thu nhập bình quân đầu người: tăng từ 32.029.000 đ/người/năm lên 37.593.000đ/người/năm. Về hộ nghèo: giảm từ 4,85% xuống còn 2,62%. Đặc biệt năm 2018, UBND xã đã triển khai mô hình Chăn nuôi bê cái laiSind với mục đích hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế trong lĩnh vực chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, nhất các hộ có điều kiện khó khăn.

 

Việc hoàn thiện bộ tiêu chí để đạt chuẩn NTM là niềm vui nhưng đằng sau đó cũng là không ít lo lắng, trăn trở của cấp uỷ, chính quyền sở tại như nguồn vốn cần phải giải quyết trong xây dựng NTM; làm thế nào để duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM, giữ gìn không gian nông thôn truyền thống; không để xảy ra tình trạng hình thức, xu thế “phong trào hóa” trong xây dựng NTM; hiệu quả thực sự của những công trình như nhà văn hoá, chợ… được xây dựng trong chương trình NTM để tránh lãng phí cũng như việc duy tu, bảo dưỡng … tuy nhiên, bằng những việc làm thiết thực, cái gì cần thiết thì làm trước và sự đồng thuận cao trong nhân dân nên quá trình đó sức dân đã được huy động một cách hiệu quả, giảm thiểu được tối đa nguồn vốn phải bỏ để thuê nhân công.

 

 Một công trình trong hệ thống xây dựng nông thôn mới ở Tăng Thành

Chính vì thế, từ ngày chung tay xây dựng NTM đến nay, xã đã xây dựng mới công trình nhà hiệu bộ trường tiểu học; Sửa chữa nâng cấp các hạng mục phụ trợ trường mầm non; Xây dựng mới nhà làm việc và giao dịch trực một cửa UBND xã; Xây dựng mới mương tiêu, tưới xóm 3A dọc đường quốc lộ 48E; Giải phóng mặt bằng khu vực chợ Viện, tiến tới xây dựng chợ mới.

 

Hiện nay, xã đã tiến hành xây dựng mới chợ Viện với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng, nằm ngay trên trục đường quốc lộ 48E, sát với bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành. Gần khu vực chợ Viện là trung tâm thương mại tổng hợp và làng nghề với tổng diện tích 13,6ha đã được phê duyệt. Với vị trí đó, khu vực chợ Viện sẽ là khu trung tâm kinh tế của xã và là nơi giao thương các đầu mối của các thương lái, của hàng nghìn người dân trong toàn xã và các vùng phụ cận.