Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Có nên sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên?

Khoảng một năm qua, cán bộ, giáo viên, người học ở bảy trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) tại tỉnh Nghệ An luôn trong tình trạng thấp thỏm, lo lắng bởi kế hoạch sáp nhập vào trường trung cấp nghề trên địa bàn.

Nhiều tiếng nói không đồng tình

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tỉnh Nghệ An có 19 trung tâm GDTX cấp huyện, từ năm 2015 trở về trước thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nghệ An. Theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTB và XH- BGD và ĐT- BNV, các trung tâm GDTX, dạy nghề, kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp được sáp nhập thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, do UBND cấp huyện quản lý.

Tuy nhiên, việc sáp nhập chỉ được thực hiện ở 12 trung tâm, còn lại 7 trung tâm GDTX (TP Vinh, thị xã Thái Hòa và các huyện: Nghi Lộc, Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Con Cuông) không được thực hiện theo quy định nêu trên. Lý do được đưa ra là tại 7 đơn vị kể trên có trường trung cấp. Cho nên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, ngày 5/9/2017, Sở Nội vụ Nghệ An có công văn gửi các đơn vị đề nghị xây dựng dự thảo đề án sáp nhập 7 trung tâm GDTX vào các trường trung cấp.

Ngay sau chủ trương sáp nhập, 7 trung tâm GDTX kể trên đều có ý kiến không đồng tình vì thiếu căn cứ. Nhiều sở, ngành, địa phương ở Nghệ An cũng cho rằng, triển khai sáp nhập là chưa phù hợp. Ngày 11/6/2018, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Hoàng Danh Lai có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Nội vụ Nghệ An phân tích các căn cứ pháp lý và đề nghị không sáp nhập Trung tâm GDTX Quỳnh Lưu với Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Bắc Nghệ An. UBND huyện Quỳnh Lưu đề nghị chỉ đổi tên Trung tâm GDTX thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) Quỳnh Lưu và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo đúng quy định.

  Một tiết học tại trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Nghệ An

Quá trình góp ý kiến cho dự thảo đề án sáp nhập từng trung tâm GDTX vào các trường trung cấp của 7 huyện, thị xã, thành phố kể trên, Sở Tư pháp Nghệ An cũng chỉ ra hàng loạt những bất hợp lý. Thí dụ, ngày 29/6/2018, trong văn bản góp ý dự thảo đề án sáp nhập Trường trung cấp Kỹ thuật Yên Thành và Trung tâm GDTX huyện Yên Thành để thành lập Trường trung cấp Kỹ thuật GDNN-GDTX trực thuộc UBND huyện Yên Thành, Sở Tư pháp Nghệ An khẳng định, theo Luật không có trường trung cấp công lập thuộc huyện, vì vậy đề án đưa ra không chính xác. Ngày 23/7/2018, trong văn bản góp ý với UBND thành phố Vinh về việc sáp nhập, Sở Tư pháp Nghệ An khẳng định, với lý do sáp nhập loại hình trường trung cấp và trung tâm GDTX để gọi tên chung là “Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật và GDTX Vinh” là chưa hợp lý; xây dựng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy hoạt động… chưa chính xác.

Đáng chú ý, trong văn bản gửi UBND các tỉnh đầu năm 2017, Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định “không sáp nhập trung tâm GDTX với trường trung cấp trên địa bàn”.

Cần thực hiện đúng các quy định

Mặc dù việc sáp nhập là chưa đủ căn cứ và có nhiều ý kiến của các đơn vị từ trung ương đến địa phương cho rằng chưa phù hợp nhưng tại văn bản số 696/TB-UBND ngày 13/11/2018, UBND tỉnh Nghệ An vẫn khẳng định: Thống nhất trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An sáp nhập trung tâm GDTX với trường trung cấp trở thành Trường trung cấp GDNN - GDTX... Trong đó, có 4 đơn vị sáp nhập do Sở LĐ - TB và XH Nghệ An chủ trì; 3 đơn vị sáp nhập do UBND cấp huyện chủ trì.

Trả lời câu hỏi về các căn cứ để sáp nhập trung tâm GDTX vào trường trung cấp, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Đậu Văn Thành cho biết, hiện nay không có văn bản nào quy định nhập trung tâm GDTX và trường trung cấp nghề. Thực hiện tinh thần Nghị quyết 19 - NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, những nhiệm vụ tương đồng cần giảm đầu mối nhỏ lẻ, tinh gọn bộ máy cho nên tỉnh xây dựng đề án sáp nhập. Việc sáp nhập là chuyển toàn bộ chức năng nhiệm vụ, cơ sở vật chất, đội ngũ… của trung tâm GDTX vào trường trung cấp.

Đáng chú ý, theo Luật Giáo dục 2009, Điều 46 quy định trung tâm GDTX được tổ chức tại cấp tỉnh và cấp huyện; Điều 31 quy định học sinh học hết chương trình trung học phổ thông có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng GD - ĐT thì được dự thi, nếu đạt thì được Giám đốc Sở GD - ĐT cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 7 trung tâm GDTX kể trên, năm học 2018 - 2019 có khoảng 2.550 học sinh đang học văn hóa trung học phổ thông. Trong khi trường trung cấp sẽ không có thẩm quyền, chức năng theo quy định của pháp luật để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông bởi theo Luật chỉ có văn bằng chứng chỉ gồm: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Như vậy, nếu sáp nhập trung tâm GDTX vào trường trung cấp theo thông báo kết luận của UBND tỉnh Nghệ An thì đồng nghĩa với việc toàn bộ số người học trên không thể có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông?

Mặt khác, theo các quy định hiện nay, trung tâm GDTX có nhiều chức năng, nhiệm vụ mà trường trung cấp không có hành lang pháp lý để thực hiện như: dạy văn hóa, định hướng nghề nghiệp, phát triển hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập…

Thiết nghĩ, việc tinh giản biên chế, giảm đầu mối, đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, đối với sự việc trên sáp nhập không nên thực hiện một cách cơ học mà cần căn cứ vào các quy định cũng như chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, bảo đảm đồng bộ và tránh nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động hệ thống giáo dục. Tỉnh Nghệ An cần quan tâm nghiên cứu nguyện vọng và phương án đề xuất của các đơn vị.