Người Việt ở Little Saigon biểu tình phản đối lệnh trục xuất của Trump
- 11:11 17-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người biểu tình giơ cao biểu ngữ "Bảo vệ cộng đồng Việt" trong cuộc biểu tình ngày 15/12 trên phố Westminster, quận Cam, bang California, Mỹ. Ảnh: LAT. |
Nét mặt đanh lại, đồng thanh cất tiếng nói, người Mỹ gốc Việt ở khu Little Saigon, quận Cam, bang California, Mỹ ngày 15/12 xuống đường biểu tình phản đối chính quyền Tổng thống Donald Trump ra lệnh trục xuất hàng nghìn người gốc Việt, theo Los Angeles Times.
Người biểu tình hô khẩu hiệu "Chúng ta đoàn kết", giương cao biểu ngữ đầy sắc màu vẽ bằng tay, hình ảnh và tin tức nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội. Ban đầu, chỉ có khoảng 100 người tập trung ở Westminster nhưng nhờ hiệu ứng mạng xã hội và những lời kêu gọi qua tin nhắn, đến khoảng 10h sáng, hàng chục người nữa đến tham gia.
Xuyen Dong-Matsuda, một bác sĩ tâm lý đồng thời là một nhà hoạt động tích cực trong cộng đồng, bước vào giữa đám đông, kêu gọi mọi người "đấu tranh cho những người đang cần sự giúp đỡ và nhiệt huyết của chúng ta". Đám đông hô vang hưởng ứng. "Bảo vệ gia đình. Bảo vệ gia đình" được lặp đi lặp lại với âm lượng lớn dần. Họ lo sợ cho những gia đình gốc Việt rơi vào cảnh ly tán nếu chính quyền thực hiện lệnh trục xuất. Hiện có hơn 300.000 người Mỹ gốc Việt đang sống ở quận Cam.
Hơn 8.000 người Việt ở Mỹ có tiền án tiền sự, dù phạm những tội không nghiệm trọng và đã lĩnh hình phạt thích đáng, đang có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam nếu chính quyền Trump thương lượng lại thành công thỏa thuận ký năm 2008 với phía Hà Nội. Washington và Hà Nội đã ký một thỏa thuận theo đó những người Việt đến Mỹ trước thời điểm bình thường hóa quan hệ năm 1995 sẽ không bị trả về nước.
Theo những người tổ chức cuộc biểu tình, quan chức đại diện cho chính quyền Mỹ và Việt Nam đã họp tại Washington tuần trước để bàn bạc về những thay đổi trong bản thỏa thuận ký năm 2008. Kể từ năm 1998, hơn 9.000 người nhập cư gốc Việt đã được liệt vào danh sách bị trục xuất, theo Southeast Asia Resource Action Center. Và nếu thỏa thuận năm 2008 thay đổi, phần lớn những người có tên trong danh sách này sẽ ngay lập tức đối mặt với nguy cơ bị đưa trả về Việt Nam. Ít nhất 7.000 người trong số này "không phải là công dân Mỹ từng bị bắt, kết tội nên được yêu cầu gửi trả về theo lệnh của thẩm phán nhập cư liên bang".
"Ưu tiên hàng đầu của chính quyền (Trump) là gửi trả những cá nhân ngoại quốc từng phạm tội về quê hương của họ", người phát ngôn của Bộ An ninh Nội Địa Mỹ nói.
"Trục xuất người Việt Nam tị nạn là hành động đáng xấu hổ, vô đạo đức và vô nhân tính", ông Lan Hoang, 85 tuổi, một người tham gia cuộc biểu tình ngày 15/12 trên phố Westminster, quận Cam, bang California, Mỹ. Ảnh: LAT. |
Tuy nhiên các nhà hoạt động cho rằng chính quyền Mỹ nên cho những người này cơ hội thứ hai. "Hầu hết những người nhập cư này đến Mỹ ngay sau chiến tranh và chịu nhiều chấn thương tâm lý. Họ đã xây dựng cuộc sống mới ở đây. Và giờ thì thế này?", Tung Nguyen, người sáng lập tổ chức Asians & Pacific Islander Re-Entry và nhà hoạt động giúp những người từng phạm tội tái hòa nhập xã hội, nói.
"Chúng ta cần mở rộng trái tim và lý trí để cho những người khác cơ hội thứ hai", Lan Nguyen, một nhà làm phim và đang nghiên cứu thạc sĩ về cộng đồng người Mỹ gốc Việt, bày tỏ ý kiến. Cô cũng hòa mình vào dòng người biểu tình hôm cuối tuần bảo vệ không chỉ cộng đồng người Việt mà người Campuchia. Từ năm ngoái, Washington bắt đầu bắt giữ và đe dọa trục xuất nhiều người nhập cư lâu năm từ Việt Nam, Campuchia và các nước khác mà chính quyền cáo buộc là "các tội phạm bạo lực nước ngoài".
"Sự sợ hãi và hoảng loạn khiến tôi cảm thấy đau lòng", Lan Ngo, một sinh viên ngành kết toán sống ở Los Angeles, nói. "Chúng tôi không thể đứng ngoài lề. Những người trẻ chúng tôi có học thức và nhiệt huyết để cùng gánh vác và giữ cho cộng đồng của mình an toàn".
Nhiều người cho biết đây là lần đầu tiên có một cuộc biểu tình để phản kháng chính quyền đe dọa trục xuất những người trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ.
Tracy La, thành viên của tổ chức dân sự VietRISE, cho biết những người biểu tình chỉ có hai ngày để tổ chức. "Chúng tôi quen biết nhiều người ở mọi lứa tuổi vô cùng giận dữ vì những gì đang diễn ra. Khi biết một số lượng lớn những người gốc Việt có thể bị trục xuất, chúng tôi buộc phải hành động và chia sẻ trách nhiệm của mình. Không ai biết nếu bạn không lên tiếng".
Quận Cam vốn được biết tới là "thành trì" của đảng Cộng hòa. Làn sóng người Việt Nam di cư tới Mỹ bắt đầu sau khi Đạo luật trợ giúp người tỵ nạn và di dân Đông Dương do cố tổng thống Gerald Ford ký vào năm 1975. Bất chấp nhiều ý kiến phản đối, vị tổng thống thuộc đảng Cộng hòa đã cho phép hàng trăm nghìn người Việt Nam đến Mỹ theo một quy chế đặc biệt, đạo luật cũng quy định việc phân bổ ngân sách nhằm hỗ trợ tài chính và tái định cư người tị nạn.
Chính nhờ mối liên hệ lịch sử này, người Việt Nam tại Mỹ có xu hướng ủng hộ các chính trị gia đảng Cộng hòa hơn Dân chủ. "Suốt một thời gian dài, trong nhóm những cử tri gốc Á, cộng đồng người Mỹ gốc Việt là những cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa mạnh mẽ nhất", theo ông Taeku Lee, giáo sư khoa học chính trị và luật tại đại học University California kiêm thành viên thực hiện báo cáo quốc gia về người Mỹ gốc châu Á năm 2016 nói.
Báo cáo thực hiện sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cho thấy trong khi người Mỹ gốc Hàn và Ấn nghiêng về quan điểm cấp tiến, người Mỹ gốc Việt và Hoa giữ quan điểm bảo thủ. Số lượng các cử tri Cộng hòa gốc Á ở quận Cam đăng ký đi bầu cũng vượt trội so với số lượng cử tri đảng Dân chủ. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11, đảng Dân chủ đã lật ngược tình thế, giành được 4 ghế trong Hạ viện từ tay Cộng hòa.
"Trump đổ thêm đất lên ngôi mộ của đảng Cộng hòa ở bang California", một nhà hoạt động đang muốn cải thiện hình ảnh của đảng Cộng hòa, bình luận.