Tốn tiền vẫn băn khoăn chuyện đề thi
- 11:26 16-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đề thi làm rõ tỷ lệ kiến thức
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đề thi tham khảo vừa công bố là cơ sở giúp học sinh và thầy cô giáo có thể thấy được cấu trúc đề thi như thế nào, nội dung kiến thức cụ thể từng môn ra sao... để định hướng ôn thi.
Theo đánh giá của các giáo viên, đề minh họa năm nay nhẹ nhàng, độ khó giảm rõ rệt so với đề thi chính thức tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Thầy Nguyễn Công Chính (Công ty CP Công nghệ giáo dục Thành Phát) nhận xét với đề thi Toán, các câu hỏi đều có nội dung kiến thức nằm trong chương trình Toán THPT, bao gồm kiến thức lớp 12+11, 1 câu sử dụng kiến thức Elip lớp 10 còn chủ yếu là lớp 12. Số câu mức độ dễ, vừa đến vận dụng thấp khoảng 60-70% số câu hỏi. Số câu mức nâng cao phân hóa rõ rệt chiếm khoảng 30-40% số câu hỏi.
Nhiều HS, GV vẫn còn băn khoăn, lo lắng về đề minh họa thi THPT quốc gia năm nay. |
Còn với môn Văn, theo đánh giá của TS văn học Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, đề thi minh họa chỉ gói gọn trong kiến thức lớp 12. Nội dung các câu hỏi trong phần 1 và 2 khá quen thuộc, không làm khó học sinh.
Một giáo viên dạy Lịch sử ở Hệ thống giáo dục Học Mãi (Hà Nội) cũng nhận xét: Đề thi Lịch sử có xu hướng “an toàn” hơn đề thi THPT Quốc gia năm 2018. Cụ thể, đề thi có tỉ lệ câu hỏi cực khó giảm hẳn (chỉ có 6 câu, chiếm 15%). Tỉ lệ câu hỏi thuộc chương trình Lịch sử lớp 11 là 12,5%, còn lại 87,5% là các câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, không có câu hỏi thuộc chương trình lớp 10.
Tuy nhiên, hiện không ít giáo viên và học sinh có chung băn khoăn về đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT công bố, bởi trước đó Bộ từng thông báo đề thi bao gồm cả kiến thức lớp 10, trong khi đề thi tham khảo vừa công bố, kiến thức lại nằm chủ yếu ở lớp 12, hầu như không có lớp 10. Đây thực sự là một câu hỏi lớn cần được làm rõ. Bởi nếu dựa vào đề tham khảo để tiến hành ôn tập kiến thức thì liệu học sinh có thực sự làm tốt được trong kỳ thi sắp tới hay không?
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT cần làm rõ hơn đề thi THPT Quốc gia 2019 sẽ có bao nhiêu phần trăm thuộc kiến thức lớp 10, lớp 11 và lớp 12, để học sinh giảm áp lực trong việc ôn tập, đồng thời giáo viên cũng có thể định hướng rõ ràng hơn trong việc ôn luyện cho học sinh.
Chuẩn hóa đề thi, tránh năm dễ, năm khó
Thực tế đã cho thấy, một đề thi phục vụ cho 2 mục tiêu đã tạo ra nhiều bất cập, bởi nếu phù hợp mục tiêu này thì quá khó hoặc quá dễ với mục tiêu kia. Kết quả đã thể hiện trong hai kỳ thi năm 2017 và 2018.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV sau khảo sát kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 cũng cho rằng: Cách thức xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi của Bộ chưa đảm bảo các tiêu chí về chuẩn hóa (quy trình triển khai thực tế chưa được thẩm định, giám sát và đánh giá độc lập về tính khách quan, khoa học khi đây là những yêu cầu với việc ra đề thi cấp Quốc gia). Phần lớn ngân hàng câu hỏi dựa trên nguồn là mẫu đề thi của các trường THPT trên cả nước, vì vậy khó đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đây chưa phải là ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa.
Để tránh “vết xe đổ” như những năm trước, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GD-ĐT) cho rằng, cần phải cải tổ đầu tiên là việc làm đề thi. Ông Khuyến nhấn mạnh, ngân hàng câu hỏi phải được xây dựng từ câu hỏi được thử nghiệm trên chính người học để phân biệt độ khó - dễ khác nhau, sau đó ma trận câu hỏi sẽ chọn đưa vào bài thi. Ngân hàng câu hỏi càng nhiều thì mới có đề thi phân bố chuẩn. Đề thi được làm ít hoặc một số làm vội vàng thì khó có sự phân bố chuẩn.
Theo phương án thi THPT Quốc gia 2019 của Bộ GD-ĐT, nội dung đề thi sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, bảo đảm phù hợp với năng lực học sinh phổ thông, có độ phân hóa phù hợp. Bộ này cũng cho biết, quá trình xây dựng đề thi sẽ tăng cường công tác thử nghiệm để từng bước chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi thi, huy động câu hỏi từ nhiều nguồn, nhất là từ các giáo viên, giảng viên, chuyên gia.
Tuy nhiên, một câu hỏi được nhiều chuyên gia giáo dục đặt ra là: Tại sao Bộ GD-ĐT không dùng những câu hỏi đã được chuẩn hóa trong ngân hàng đề thi được xây dựng nhiều năm qua? Câu hỏi này không phải không có lý do bởi việc biên soạn ngân hàng câu hỏi, ra đề thi THPT Quốc gia của Bộ Giáo dục-Đào tạo tiêu tốn rất nhiều tiền.
Năm 2016, bộ đã tiêu tới 15 tỷ đồng cho việc này. Theo đề án đổi mới thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018 - 2020 (đã thu hồi), việc xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ đề thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Bộ GD-ĐT chi phí đến 84,7 tỷ đồng. Chỉ riêng chi phí ra đề thi là 31 tỷ đồng.
Một chuyên gia về khảo thí phân tích: Kỳ thi THPT Quốc gia chỉ kéo dài đến hết năm 2020, sau đó, khi có chương trình phổ thông mới, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được tổ chức như thế nào cũng chưa rõ. Việc bỏ ra hàng chục tỷ đồng cho việc biên soạn câu hỏi thi THPT Quốc gia chỉ sử dung cho 2 năm nữa là quá lãng phí./.