Lý do nhiều người Hàn Quốc sẵn sàng trả tiền để… "vào tù"
- 07:36 15-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Park Hye-ri đi đến một phòng giam của “Prison Inside Me” |
Thực hiện một cách tự nguyện
Theo hãng Reuters, tại nhà tù này, “các tù nhân” sẽ bị tịch thu điện thoại di động, được cấp “quần áo tù” màu xanh, thảm yoga, bộ ấm trà, bút và sổ ghi chép. Họ không được phép nói chuyện với nhau và nhận các bữa ăn cơ bản gồm một món cháo cho bữa sáng và khoai lang luộc cho bữa tối. Tất cả việc này đều được thực hiện một cách tự nguyện, và một số lượng lớn khách hàng của cơ sở này là các nhân viên văn phòng và sinh viên muốn tìm kiếm một ngày cuối tuần thư giãn để thoát khỏi văn hóa làm việc cường độ cao ở Hàn Quốc. Ở một đất nước mà thời gian làm việc kéo dài và tỷ lệ tự tử cao, nó có thể giúp cứu sống hàng nghìn người.
Một nhân viên ở Hàn Quốc trung bình làm việc tổng cộng 2.027 giờ trong năm 2017, theo một cuộc khảo sát từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Qua đó đưa Hàn Quốc trở thành nước có công dân làm việc với thời gian nhiều thứ ba sau người Mexico và Costa Rica. Các chuyên gia tin rằng, chính văn hóa học tập và cạnh tranh cao đã góp phần gây ra căng thẳng và tự tử cao ở Hàn Quốc. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao thứ hai trên thế giới, với mức trung bình 28,3/100.000 người tự kết liễu đời mình vào năm 2015.
Chính vì văn hóa học tập và làm việc giống như “nồi áp suất” như vậy, trại giam “Prison Inside Me” đã ra đời. Người đồng sáng lập Noh Ji-Hyang nói rằng, ý tưởng về việc thành lập nhà tù giả được khơi gợi từ chồng bà, một công tố viên thường xuyên bị buộc phải làm việc 100 giờ một tuần. “Ông ấy nói rằng ông ấy thà đi giam cầm trong một tuần để nghỉ ngơi và cảm thấy tốt hơn. Đó là sự khởi đầu” bà Noh Ji-Hyang nói. “Tôi đã kiệt sức về thể chất và tinh thần nhưng tôi không đủ can đảm để từ bỏ công việc của mình”, ông Kwon Yong-seok, chồng của bà Noh, nói với Al Jazeera, “Tôi không biết phải làm gì với cuộc sống của mình. Sau đó, tôi nghĩ về việc bị biệt giam trong một tuần. Nơi tôi cần đến sẽ không có thuốc lá, rượu bia, mối quan hệ giữa con người với con người, ông chủ và sự căng thẳng công việc”.
Dừng lại để tận hưởng cuộc sống tốt hơn
Hiện nay, nhiều người Hàn Quốc đang tự giam mình trong những xà lim có diện tích chỉ 6m2 trong khoảng thời gian 24 giờ, đôi khi lên tới 48 giờ. Không có đồng hồ, không có gương và chỉ có một buồng vệ sinh nhỏ. “Nhà tù này cho tôi cảm giác tự do”, Park Hye-ri, một nhân viên văn phòng 28 tuổi, nói với Reuters, “Tôi bận tối mắt tối mũi với công việc. Nhưng tôi quyết định tạm dừng và nhìn lại bản thân mình để có một cuộc sống tốt hơn”.
Park đã trả số tiền tương đương 120 đôla Australia để dành 24 giờ bên trong nhà tù này và cô chỉ là một trong số nhiều người đang lựa chọn hình thức mới được xem như một liệu pháp cho sức khỏe tâm thần này. Theo bà Noh, việc bị giam cầm một mình không là gì khi so sánh với áp lực từ cuộc sống bên ngoài. Đối với một số người, nó thậm chí có thể là một cách để giải thoát. “Những người tham gia chương trình nói rằng họ cảm thấy hạnh phúc và tự do ở đây. Hầu hết trong số họ ban đầu kháng cự vì họ được nói đó là nhà tù. Nhưng sau khi ở bên trong, họ nói rằng đó không phải buồng giam nhỏ mà là thế giới bên ngoài”, bà Noh giải thích.