'Nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ bảo kê tín dụng đen sẽ xử lý nghiêm'
- 16:18 13-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 13/12, kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hóa diễn ra phần chất vấn về hoạt động tín dụng đen, cầm đồ trá hình dưới hình thức công ty tài chính có sự tham gia của nhiều thành phần xã hội đen.
Theo thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, tỉnh đang này có 132 công ty dịch vụ tài chính (hoạt động với 142 cơ sở ở 23/27 huyện) và có 786 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Phương thức của các tổ chức tội phạm này hết sức tinh vi, thủ đoạn tàn bạo. Đứng sau các tổ chức này là những người có tiền án, tiền sự. Đặc biệt, tại huyện Hậu Lộc còn có hẳn công ty cổ phần dịch vụ đòi nợ, hoạt động với khẩu hiệu: “Đã nợ là phải đòi, đã đòi là phải trả”.
Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Ông Trung cho hay có nhiều nguyên dân dẫn đến việc người dân “mắc bẫy” tín dụng đen. Cụ thể, một bộ phận người dân do không biết được phương thức, thủ đoạn hoạt động của các hình thức vay tín dụng trái pháp luật; Do những khó khăn trong hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp và cá nhân, các ngân hàng siết chặt các điều kiện cho vay...
Nhiều thanh thiếu niên thua cờ bạc nên đã đi vay nợ với lãi suất cao để tiếp tục đánh bạc, lô đề, cá độ; Quy định của pháp luật chưa đủ nghiêm, mạnh để xử lý liên quan đến phát sinh từ hoạt động cho vay lãi suất cao và công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tín dụng, ngân hàng còn có những bất cập.
Nhiều đại biểu cơ bản tán thành với báo cáo của thiếu tướng Nguyễn Hải Trung. Các đại biểu HĐND còn gửi lời khen vì mới đây, công an tỉnh này đã lập chiến công khi triệt phá băng nhóm tín dụng Nam Long, hoạt động tại 63 tỉnh, thành.
Chiều 13/12, Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, sẽ kết thúc. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn một số vấn đề. Cụ thể, đại biểu Lê Thị Hương (Thọ Xuân) đặt câu hỏi: "Hoạt động tín dụng đen đã diễn ra trong một thời gian dài. Vấn đề này do nhiều nguyên nhân. Vậy nguyên nhân nào của ngành công an chịu trách nhiệm?".
Thiếu tướng Trung trả lời, có nhiều nguyên nhân phát sinh tội phạm này. Để giải quyết thì cần có sự vào cuộc của nhiều lực lượng. "Về trách nhiệm của ngành công an khi để loại tội phạm này phát triển như bây giờ thì có thể do công an chưa thực sự quyết liệt", tướng Trung thừa nhận.
Đại biểu Cầm Bá Chái nêu vấn đề, hoạt động tín dụng đen diễn ra từ lâu và hiện nay lan rộng ra nhiều địa phương. Song, việc đấu tranh, phòng chống, phát hiện tội phạm này còn rất hạn chế. Chỉ khi nào có tranh chấp, có vụ án xảy ra thì công an mới vào cuộc điều tra. Trong khi đó, lực lượng ngành không an không hề ít.
"Đề nghị giám đốc công an tỉnh cho biết có tình trạng công an bảo kê không?", ông Chái đặt câu hỏi.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn cũng đề nghị giám đốc công an tỉnh kiên quyết xử lý nếu phát hiện có những cán bộ, chiến sĩ công an đứng ra bảo kê cho tín dụng đen.
Về vấn đề này, thiếu tướng Trung khẳng định có dư luận. Nhưng theo ông, để chứng minh đối với thời điểm hiện nay là "khó khăn". Tuy nhiên, ông Trung hứa trong thời gian tới sẽ cố gắng siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong ngành.
"Nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ có dấu hiệu bảo kê thì sẽ dứt khoát xử lý nghiêm theo đúng quy định", tướng Trung cam kết.
Cũng trong buổi chất vấn, một số đại biểu đặt câu hỏi về tình trạng vỡ hụi ở vùng nông thôn, nhưng thiếu tướng Trung "xin phép" chỉ trả lời các câu hỏi liên quan đến tín dụng đen. Các câu hỏi khác, ông xin ghi nhận để trả lời sau.
Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII diễn ra từ ngày 11 đến 13/12. Chiều nay, kỳ họp sẽ bế mạc.