Đại diện VKS: 'Phan Văn Anh Vũ vu khống cơ quan điều tra'
- 13:45 13-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 13/12, phiên xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, Chủ tịch HĐQT Công ty Bắc Nam 79), ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á - DAB) và 24 bị cáo tiếp tục với phần đối đáp của VKS trước quan điểm của các bị cáo và luật sư.
Vũ Nhôm được dẫn vào phòng xét xử. Ảnh: Hữu Khoa. |
Tự bào chữa trước đó, Vũ cho rằng cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng, bị cáo nhiều lần đề nghị đối chất với ông Bình nhưng bị từ chối. Sau khi làm đơn gửi Bộ Công an, Vũ được đối chất nhưng không được đọc biên bản mà bị bắt ký tên vào.
Theo VKS, cơ quan điều tra đã làm đúng pháp luật. Quá trình đối chất, ngoài điều tra viên, kiểm sát viên, còn có sự tham gia của luật sư Trần Viết Hùng (bảo vệ cho Vũ). Nội dung đối chất, các bên đặt câu hỏi trả lời đúng sai, được hỏi ý kiến. Ông Bình xác nhận đã đọc biên bản lời khai của Vũ. Vũ đã ký tên và ghi nội dung "đề nghị cơ quan điều tra, kiểm sát viên không khủng bố tinh thần" vào biên bản lấy lời khai, chứ không nói có sự vi phạm tố tụng.
Về việc Vũ nói cơ quan điều tra trích xuất bị cáo khỏi trại giam khi vụ án có lịch xét xử là "vi phạm pháp luật" cũng không có căn cứ. Bởi cựu Chủ tịch Công ty Bắc Nam 79 liên quan đến nhiều vụ án, bị khởi tố về các tội danh khác nên việc trích xuất là bình thường.
"Vũ cho rằng cơ quan điều tra thóa mạ làm oan sai cho bị cáo. HĐXX cần xem xét thái độ của Vũ. Bị cáo ngoan cố, không thành khẩn mà còn vu khống. Đây là tình tiết cần lưu ý để xác định hình phạt đối với bị cáo", VKS nêu quan điểm.
Vũ nói số tiền 200 tỷ đồng "là quan hệ dân sự với ông Bình" là không có căn cứ. Bởi ông Bình khai không có ý định cho Vũ mượn tiền mà chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng ngân quỹ Hội sở DAB) thu khống.
"Vay mượn bình thường có thể thông qua hợp đồng giao dịch, hoặc nói miệng, không ai mượn tiền lại ký giấy nộp khống. Vũ có thể không tham gia bàn bạc, không nghe Bình chỉ đạo Vinh nhưng việc ký tên hoàn toàn là ý thức của Vũ", công tố viên nói.
Ông Trần Phương Bình. Ảnh: Hữu Khoa. |
Với quan điểm của luật sư ông Trần Phương Bình cho rằng "không xem 1.160 tỷ đồng xuất quỹ chi sai nguyên tắc là thiệt hại của vụ án, bởi vẫn nằm ở DAB dạng cổ phần", VKS khẳng định "là thiệt hại". Ông Bình đã thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội để mua cổ phần của DAB. Việc này khiến DAB thiệt hại 1.160 tỷ đồng còn bị cáo và người thân vẫn được hưởng cổ tức hằng năm.
Về 497 tỷ đồng mua 13,9 triệu USD, VKS đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo đã được cấu thành khi Vũ nhận tiền. Việc Vũ tự nguyện nộp lại số tiền này chỉ được xem là tình tiết khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, ông Bình không thể lấy lý do "ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng sụp đổ" để biện minh cho chủ trương chi lãi ngoài. Tuy nhiên, cơ quan công tố đồng ý với yêu cầu của luật sư về việc các tổ chức, cá nhân tham gia chi lãi ngoài phải trả lại tiền cho DAB. "Trong giai đoạn hai, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục thu hồi nhằm khắc phục hậu quả cho vụ án", VKS nói.
Tranh luận trước đó, ngoài Vũ, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận sai phạm và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Hôm qua, thông qua luật sư, Vũ tiếp tục yêu cầu tòa cung cấp giấy viết để trình bày thêm kiến nghị; được đặt câu hỏi cho các bị cáo khác. Tuy nhiên, HĐXX cho biết sẽ xem xét theo quy định của pháp luật.
Về phần mình, DAB yêu cầu ông Bình bồi thường hơn 3.000 tỷ đồng cùng 70.000 lượng vàng; liên đới trách nhiệm với Nguyễn Hồng Ánh (cựu cán bộ công an) bồi thường 1.200 lượng vàng và lãi phát sinh.
Ngoài ra, DAB cũng buộc các bị cáo khác phải trả lại tiền chiếm đoạt. Trong đó, phía nhà băng yêu cầu Vũ trực tiếp bồi thường 292 tỷ đồng gồm gốc lẫn lãi.
Sai phạm của ông Bình và đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng của DAB. Trong đó, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới lập hàng loạt chứng từ thu khống, chiếm đoạt của DAB tổng cộng 2.057 tỷ đồng. Hiện, ông Bình khắc phục 4 tỷ đồng, Vũ Nhôm khắc phục 203 tỷ... Nhà chức trách cũng kê biên hơn 125 triệu cổ phần DAB (24,88% vốn điều lệ) của ông Bình, bà Xuyến, Phan Văn Anh Vũ, Công ty Bắc Nam 79 và 18 cá nhân. Ông Bình bị đề nghị mức án chung thân về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tổng mức hình phạt là chung thân. Vũ Nhôm bị đề nghị 15-17 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tổng hợp với mức án 8 năm tù của TAND Cấp cao tại Hà Nội là 23-25 năm. Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc DAB), các bị cáo còn lại án 2 năm tù treo đến 18 năm tù. |