Hành trình tìm cha mẹ xuyên lục địa của người đàn ông gốc Việt bại liệt
- 13:07 12-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nguyễn Quốc Túy trong chuyến trở về Việt Nam lần đầu tiên năm 1991. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Tháng 8/1991, chuyến bay từ Mỹ đáp xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội. Một chàng trai da ngăm với mái tóc dài chống nạng tập tễnh bước đi giữa những hành khách vội vã tiến vào nhà ga. Được nửa đường, anh bất ngờ dừng lại, quỳ xuống và hôn lên mặt đất.
"Trông có vẻ ngớ ngẩn nhưng tôi cảm thấy mình cần phải làm điều đó", Nguyễn Quốc Túy chia sẻ với VnExpress. "Vừa đặt chân xuống Việt Nam, những cảm xúc tinh khôi trong tôi đã trào dâng mãnh liệt".
Đó là lần đầu tiên Túy quay về đất mẹ sau 20 năm ở Mỹ. Khi đó, bà Kristin Buckner, mẹ nuôi của anh, hỗ trợ tổ chức sự kiện "Đi bộ Vì Hòa bình" nhằm phản đối Mỹ cấm vận thương mại Việt Nam và muốn con trai tham gia cùng. Túy đã gật đầu đồng ý khi đang ở trong khoảng thời gian mất phương hướng của tuổi 20 mà không ngờ chuyến đi đó khởi đầu cho nhiều điều kỳ diệu thay đổi cả cuộc đời anh.
'Việt Nam chỉ là một cái tên'
Năm 1974, khi cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn đang tiếp diễn ác liệt, gia đình bà Buckner tại Mỹ quyết định nhận một bé trai người Việt làm con nuôi. Họ lựa chọn Robin nhưng các thủ tục bị trì hoãn do cậu bé bị thiểu năng. Đó là khi tên Túy được đưa vào thay thế và nhà Buckner đã đồng ý bởi hoàn cảnh của cậu bé rất đặc biệt: được đưa vào cô nhi viện khi mới 7 ngày tuổi và bại liệt chân khi lên 1 tuổi.
Nguyễn Quốc Túy năm khoảng 3-4 tuổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Từ đó, Túy trở thành thành viên mới trong đại gia đình đa văn hóa có 7 anh chị em, gồm một con ruột của ông bà Buckner và 5 người con nuôi khác. "Lúc ấy tôi mới 3 - 4 tuổi nên không nhớ gì nhiều. Mẹ chỉ kể rằng tôi rất sợ ra ngoài, bà ấy phải bế tôi suốt ngày để trấn an", Túy kể về những ngày mới chuyển đến Berkeley, bang California.
Ngay năm đầu ở Mỹ, Túy trải qua cuộc phẫu thuật chân để giúp xương phát triển và dùng nẹp toàn thân suốt 6 tháng, trước khi tình trạng ổn định và làm quen với các thiết bị hỗ trợ di chuyển.
"Gia đình tôi có một nửa anh chị em khuyết tật và một nửa bình thường, vì thế bố mẹ chưa bao giờ nói rằng chúng tôi không thể làm được điều gì đó", Túy kể. "Khi cả nhà đi trượt tuyết, tôi cũng học cách dùng gậy trượt tuyết. Khi cả nhà đi leo núi, tôi cũng phải học cách đi lại bằng nạng và nẹp chân. Giữa tôi và các anh chị em không có gì khác biệt. Chúng tôi chỉ là phải làm thêm một số bước khi muốn hoàn thành một nhiệm vụ nào đó được giao".
Trái với sự tích cực khi học cách vận động, Túy lại gặp khó khăn với việc học các môn ở trường và hòa nhập với bạn bè. Túy bước vào những năm tháng thanh niên không định hướng và thậm chí phải rời gia đình đến Hawaii để tìm một môi trường mới.
Bước ngoặt thay đổi tâm hồn của chàng trai gốc Việt chỉ diễn ra vào năm 1991. Sau khi đồng ý cùng mẹ về Việt Nam để "Đi bộ Vì Hòa bình" với hy vọng sự kiện sẽ tác động tích cực đến cuộc sống của mình. Nỗi tò mò được khơi dậy về nơi gọi là nguồn cội khiến Túy lao vào đọc sách và xem các bộ phim về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.
"Chân thành mà nói, trước thời điểm đó, Việt Nam chỉ là một cái tên. Tôi biết tôi đến từ đó nhưng không biết gì nhiều về văn hóa hay con người nơi này", Túy nói. "Thời thơ ấu, quanh tôi không có người Việt nào ngoài anh trai nhưng anh ấy bị thiểu năng nên tôi cũng không thể trò chuyện gì nhiều về quê hương".
Nguyễn Quốc Túy (ngồi thứ hai từ phải sang) và 6 anh chị em trong gia đình Buckner. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Việt Nam, Túy đã thực hiện nhiều cuộc tuần hành cùng các cựu binh Mỹ, các tình nguyện viên và nhiều Việt kiều. Túy cảm thấy một thế giới mới vừa mở ra trước mắt mình. Tuy nhiên, có một dự định mà anh và mẹ không thực hiện được đó là về thăm thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, nơi Túy chào đời, bởi khi đó, người nước ngoài vẫn bị hạn chế đi lại ở Việt Nam.
"Tôi chỉ có trong tay một tờ giấy khai sinh ghi tên người xơ đã ký giấy tờ tiếp nhận tôi", Túy nói. "Tôi không mong gì nhiều, tôi chỉ muốn được ngắm Sa Đéc và thăm cô nhi viện nơi tôi đã sống".
Trở về Mỹ, anh lại vùi đầu vào học tiếng Việt và mọi thứ có thể về Việt Nam. Anh cũng kết bạn với những người Việt trong cộng đồng ở California. Anh luôn khao khát một ngày nào đó được quay lại Việt Nam, đặt chân đến Sa Đéc. Tuy nhiên, phải đến 2 năm sau, qua nhiều trì hoãn và trở ngại, ước mơ đó mới thành hiện thực.
Cuộc đoàn tụ bất ngờ
Mùa hè năm 1993, một người bạn Việt kiều tổ chức đám cưới tại Đà Nẵng và Túy xem đây là cơ hội tuyệt vời để thực hiện dự định dang dở tại Việt Nam. Cùng những bạn đồng hành từ Mỹ và ông bà chủ nhà nghỉ mà anh lưu lại tại TP HCM, Túy thuê xe về Sa Đéc. Không may, cơn lũ vừa quét qua đồng bằng sông Cửu Long khiến đường sá bị phá hủy, cầu bè bị cuốn trôi khiến chuyến đi bất thành.
Suốt hai tháng rưỡi ở lại Đà Nẵng sau đó, Túy vẫn không nguôi nghĩ về Sa Đéc. Khi chỉ còn ở lại Việt Nam 3 ngày, cùng những người bạn và ông bà chủ nhà nghỉ, anh quyết tâm lên đường một lần nữa. Sau 5 giờ lái xe qua những con đường đầy ổ gà, họ cuối cùng cũng đến được nơi muốn đến.
Trước cổng cô nhi viện, rất đông người dân địa phương hiếu kỳ tụ tập khi thấy một nhóm người Mỹ gốc Việt khuyết tật xuất hiện. Các xơ đưa ra một cuốn sổ ghi lại danh sách tất cả những đứa trẻ mồ côi từng sống ở đây và anh kinh ngạc khi nhìn thấy cái tên "Nguyễn Quốc Túy" nằm ở mục 313, y hệt thông tin trên giấy khai sinh, kèm một bức ảnh. Ở dưới là dòng chữ: "Cha/mẹ: không rõ".
Nguyễn Quốc Túy (áo trắng, đội mũ) đứng cạnh mẹ Nguyễn Thị Bé (áo đỏ) cùng những người bạn và các xơ tại cô nhi viện ở Sa Đéc năm 1993. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Một lúc sau, một người phụ nữ bước vào, chào các xơ. Cô tự giới thiệu mình là Phiên, một đứa trẻ mồ côi từng sống tại cô nhi viện này và được các xơ giao nhiệm vụ chăm sóc Túy lúc bé. Điều trùng hợp là đúng hôm đó, Phiên đang đến thị trấn này để thăm một người ốm và chỉ định ghé qua cô nhi viện chào các xơ. Phiên nói chuyện với các xơ rất sôi nổi. Túy tất nhiên không hiểu gì. Một người bạn bắt đầu dịch cho anh nghe và rồi đầu anh như sôi lên.
"Hóa ra Phiên có thông tin về mẹ tôi. Bà ấy vẫn còn sống", Túy kể. "Bà ấy sống khá xa nhưng Phiên có thể đưa bà ấy đến đây. Tôi trở nên đờ đẫn. Tôi không biết mình đã phải chờ đợi bao lâu. Tôi vừa hạnh phúc, vừa sợ hãi và buồn rầu".
Liệu đây có phải là một cú lừa và nếu là thật thì anh phải làm gì? Những câu hỏi cứ xoay vòng trong đầu anh suốt buổi trưa hôm ấy cho đến khi cánh cổng của cô nhi viện đột ngột mở ra.
"Một phụ nữ nhỏ nhắn đeo kính tiến đến trước mặt tôi. Vội vã, tôi buột ra một câu tiếng Việt được bạn bè dạy cho: 'Con trai của mẹ đã xa nhà 20 năm nhưng bây giờ con ấy đã trở về' ", Túy kể. Có một khoảng lặng trước khi đám đông bắt đầu chỉ trỏ tôi". Hóa ra anh nhận nhầm. Mọi người chỉ vào một phụ nữ thứ hai bước ra từ phía sau người đầu tiên.
Người này bước về phía Túy, bất ngờ túm lấy gáy anh kéo đầu xuống thấp. Bà vạch tóc anh tìm gì đó một lúc. Khi nhìn thấy cái bớt trên đầu, bà thả anh ra và đập vào tay anh nói: "Đây là con trai tôi!".
Sau khoảnh khắc đó, mọi người ồ lên còn anh vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra cho đến khi được bạn dịch cho.
"Tôi có một cái bớt bẩm sinh trên đầu, một trong những lý do tại sao tôi nuôi tóc dài là để giấu nó", Túy giải thích. "Không nghi ngờ gì nữa, người phụ nữ ấy đã chứng minh được bà ấy là mẹ tôi và tôi là con trai bà ấy. Đó là điều mà chỉ một người mẹ mới biết".
Cuộc hội ngộ bất ngờ diễn ra trong nước mắt và Túy gần như chỉ lắng nghe dù có rất nhiều điều muốn nói, bởi anh không biết tiếng Việt và phải chờ mọi người phiên dịch. "Tôi thực sự thấy xấu hổ và lạc lõng về văn hóa", Túy nói.
Mẹ anh, Nguyễn Thị Bé, kể rằng khi sinh Túy xong, bà bị bệnh nặng nên đành gửi anh vào nhà thờ nhờ chăm sóc hộ. Tuy nhiên, khi quay lại đón con trai, các xơ cho hay theo quy định, một đứa trẻ đã cho đi thì không thể nhận lại. Chiến tranh qua đi, bà Bé cũng mất hết hy vọng gặp lại con bởi Túy đã được đưa sang Mỹ.
Túy và mẹ xem hồ sơ của anh mà cô nhi viện lưu giữ. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Qua dòng nước mắt, Túy hỏi mẹ rằng cha anh là ai và liệu ông còn sống hay không. "Bà nói với tôi rằng ông ấy là người Philippines. Điều đó như một cú tát vào mặt tôi. Khi ở Hawaii, người dân địa phương luôn nói rằng trông tôi giống người Philippines, cứ như họ đang trêu tôi vậy. Hóa ra họ đã đúng", Túy kể.
Hai ngày cuối cùng ở Việt Nam, Túy dành thời gian ở bên mẹ. Anh quyết định cắt phăng mái tóc dài, bện nó lại và tặng cho bà. "Tôi nói với mẹ rằng số tóc này tượng trưng cho tất cả nỗi đau xa cách mà hai người đã trải qua. Nó cũng là lời hứa rằng tôi sẽ làm mọi thứ có thể trong khả năng của mình để ở cạnh bà trong tương lai sắp tới", Túy nói.
Tìm cha giữa 200.000 người
Ngày gặp lại, bà Bé trao cho Túy tên và tấm ảnh của cha anh: Fantaleon Sanchez ở thành phố Calamba, Philippines. Trùng hợp thay, 6 tháng sau đó, cha nuôi người Mỹ của anh, một nghệ sĩ opera, được mời đến Philippines biểu diễn và Túy đã đi cùng ông.
Calamba khi đó có khoảng 200.000 dân và họ cũng chưa hình dung được mình sẽ tìm người bằng cách nào. Túy đến văn phòng tìm kiếm người mất tích của thành phố và đưa cho một quan chức tên là Benito bức ảnh của bà Bé và cô con gái ruột tên Phương. Benito nói rằng ông sẽ trao đổi với quan chức các quận và gọi lại khi có câu trả lời.
Khi cũng chỉ còn 3 ngày ở Manila, Túy bất ngờ nhận được điện thoại từ Benito thông báo rằng ông đã tìm ra cha đẻ của anh! Mồ hôi Túy một lần nữa túa ra khắp người lạnh toát, y hệt cảm giác 6 tháng trước ở Sa Đéc.
"Benito nói với tôi rằng người đàn ông đó đã có mặt ở Việt Nam thời chiến tranh, năm nay 65 tuổi và có tên chính xác là Pantaleon Mance - nghe na ná như cái tên Fantaleon Sanchez mà mẹ tôi nhớ được", Túy kể.
Sau một đêm thức trắng, Túy mặc lên người chiếc áo truyền thống của Philippines và kiên nhẫn chờ đợi. Đúng hẹn, 8h sáng ở Manila, hai người gặp nhau và sau những câu hỏi, Túy xác nhận Pantaleon Mance chính là người mà mình tìm kiếm.
"Chỉ có hai chúng tôi, hai người đàn ông trò chuyện với nhau. Điều đó rất khác khi ở cùng mẹ bởi hai mẹ con chỉ nói chuyện bằng vài từ tiếng Anh bập bõm và cử chỉ", Túy nói. "Cuộc đời tôi đã hoàn toàn biến đổi".
Việt Nam là quê hương
Túy trong lần đoàn tụ cùng bà Bé, chị gái cùng cha khác mẹ người Philippines, chị ruột Phương và người cha Phililippines Pantaleon Mance (từ trái sang). Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Từ cậu bé bơ vơ ở cô nhi viện ngày xưa, Túy bây giờ có tới 3 quê hương và 3 gia đình lớn để yêu thương nhưng anh chọn Việt Nam để gắn bó. Túy có một ngôi nhà đầm ấm ở TP HCM với người vợ Việt Nam và bà Bé. Túy cũng đang phát triển công ty thiết kế trang sức riêng để có thể ở lại Việt Nam hoàn toàn.
Thành công lớn nhất của anh phải kể đến việc hoàn thành một trong những mục tiêu của cuộc đời, đó là tụ họp đầy đủ các thành viên từ 3 gia đình ở Mỹ, Philippines và Việt Nam vào đám cưới năm 2016. Ngoài mẹ Bé và chị ruột là Phương, Túy có 5 người em cùng mẹ khác cha ở Việt Nam. Tại Philippines, anh cũng có ba chị em cùng cha khác mẹ.
Túy rất muốn kể lại câu chuyện kỳ diệu của cuộc đời mình với nhiều người nên anh và bạn là Dave Lemke đang cùng viết một cuốn tự truyện và sản xuất một bộ phim tài liệu. Họ đã nhận được nhiều sự ủng hộ và đồng cảm từ những người xa lạ trên khắp toàn cầu.
"Một trong những lý do khiến tôi muốn mang câu chuyện đến với thế giới là vì tôi cảm thấy cuộc sống hiện nay bị bao trùm bởi quá nhiều thông tin tiêu cực", Túy nói. "Chúng ta cần thêm nhiều câu chuyện về tình yêu thương và nghị lực vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Mọi người cần được truyền cảm hứng và nhắc nhở rằng luôn có những điều kỳ diệu xảy ra quanh ta".
Tuy nhiên, với những người gốc Việt đang đi tìm cha mẹ, ngoài nỗ lực tự thân, anh cho rằng họ cũng cần phải chuẩn bị tinh thần cho những thay đổi lớn lao trong cuộc sống và những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ với người thân.
"Có thể họ là một gia đình, nhưng trước hết, họ vẫn là những người hoàn toàn xa lạ", Túy nói. "Bạn cần thời gian, sự kiên nhẫn và nhiều nỗ lực để hoàn thiện gia đình cùng họ. Tôi đã mất tới 25 năm và vẫn sẽ nhiều năm tới nữa để tiếp tục gây dựng cuộc sống với người mẹ Việt Nam của mình. Điều đó không hề dễ dàng nhưng cuộc sống vốn như thế", Túy chia sẻ khi đang trong những ngày chu du cùng bà Bé trên đất Mỹ.