Siêu xe ngập nước: Mất đứt 2 tỷ, khốn khổ vừa đi vừa sửa
- 08:51 12-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tiền sửa ngang 1 chiếc ô tô mới
Cảnh những chiếc xe sang bị chìm nghỉm trong biển nước hầm chung cư ở Đà Nẵng đã khiến anh Trần Khắc Huy, giám đốc Giám đốc kỹ thuật Lamborghini và Bentley Việt Nam nhớ lại câu chuyện trên.
Chia sẻ với PV, anh Huy kể: “Tôi đã từng xử lý một chiếc Bentley GTC 2014 bị ngập nước mất gần 2 tháng cả sửa lẫn chờ đồ thay thế. Mặc dù nội thất xe may mắn chỉ khắc phục chứ không thay thế nhưng tính tổng chi phí chủ xe phải bỏ ra gần 2 tỷ đồng.”
Xe ngập chìm quá nóc |
Có thể nói, mức 2 tỷ đồng dư sức mua được nhiều mẫu xe mới của Nhật, Hàn, nhưng so với giá gốc Bentley GTC chỉ bằng 1/6 và so với giá xe cũ thì bằng khoảng 1/5-1/4. Nếu không cắn răng chi trả sửa chữa thì chiếc xe đắt tới 11-13 tỷ đồng này, sau khi bị ngập nước, chỉ còn là "khung sắt cũ".
Một bộ mạch ECU xe Vios tháo ra vệ sinh sau khi ngập nước |
Và bài toán này có lẽ đang ám ảnh với các vị chủ nhân những chiếc những chiếc Land Rover, Mercedes-Benz, BMW gửi xe hầm chung cư Hoàng Anh Gia Lai, Đà Nẵng. Cơn "đại hồng thủy" xảy ra vào sáng sớm ngày 9/12 thì phải sau 24h, tức ngày 10/12, công ty cứu hộ mới có thể hút nước và đưa xe ra ngoài.
Việc cứu hộ xe và đưa vào gara cũng cũng phải tuân thủ quy trình để giảm thiểu thiệt hại như tháo cực âm ắc quy, không bật thử khóa điện, tháo nút xả nước ở sàn xe, chuyển xe cứu hộ nâng bàn thay vì loại xe kéo… Ngoài ra, có những bộ phận tưởng như không ảnh hưởng nhưng rất nên thay theo khuyến nghị của các nhà kỹ thuật xe như dây đai an toàn, lọc gió, dầu hộp số, vi sai, động cơ.
Tuy nhiên, dù có nỗ lực của cứu hộ thì mức chi phí sửa chữa vẫn khó có thể rẻ như mong đợi.
Nước rỉ sét bên trong động cơ xe ngập nước |
Ông Phạm Vỵ, nguyên giảng viên bộ môn ôtô Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Nếu đã ngập nước vài tiếng thôi đã nặng, còn để đến nguyên một ngày thì nội thất và hệ thống điện rất khó khắc phục, chỉ có thay mới. Khi phải thay mới, xe càng hiện đại thì chi phí khắc phục càng tốn. Có những chiếc xe giá tiền tỷ thì tiền khắc phục đã chiếm 1/3 đến một nửa".
Lý giải cho mức chi phí đắt đỏ này, các chuyên gia về bảo dưỡng, sửa chữa xe đều khẳng định rằng, mức độ xâm nhập của nước vào xe trong trường hợp này đã quá ngưỡng an toàn.
Theo Anh Huy, mối nguy hiểm nhất khi xe ngập nước sâu chính là các hộp điều khiển điện tử dễ hỏng hết. Đây là "bộ não" của xe và nếu muốn sử dụng được, không còn cách nào khác là phải thay bộ não mới.
“Có những xe đâm xuống ao, nước chỉ mấp mé vô-lăng và được kéo sớm về gara nhưng vẫn phải tốn thời gian tháo nhiều cụm chi tiết, kiểm tra thay mới bộ phận hỏng. Thậm chí có bộ phận sau hong sấy vẫn dùng được nhưng theo thời gian khó có thể đảm bảo ổn định như cũ", ông Phạm Vỵ cho biết.
Thầy Phạm Vỵ, nguyên giảng viên bộ môn ôtô, Đại học Bách Khoa Hà Nội |
Ông cũng là vị chuyên gia đã không ít lần trực tiếp tham gia khắc phục sự cố ôtô ngập nước trước đây.
Nhận xét về cảnh những chiếc ôtô bị “chết chìm” trong hầm chung cư ở Đà Nẵng, anh Long Nguyễn, một Việt kiều Mỹ sống tại bang Texas cảm nhận một bức tranh thảm họa của giới chơi xe như những gì anh đã trải qua trong trận bão Harvey tồi tệ vào tháng 8 năm ngoái.
"Ước tính hơn 600.000 chiếc ôtô bị hư hỏng và nhiều đơn vị bảo hiểm đã chấp nhận bán đấu giá những xe này ra nước ngoài, chấp nhận đền mới vì chi phí sửa quá tiền mua xe", anh Long Nguyễn cho hay.
Bảo hiểm sẽ chết mệt vì xe ngập nước
Sau trận đại hồng thủy tại Hà Nội hồi tháng 11/2008, câu chuyện "mua bảo hiểm vật chất xe, trong đó có bảo hiểm xe ô tô trường hợp bị ngập nước, thủy kích... đã trở nên tất yếu đối với giới chơi xe.
Điều này đặc biệt được chú trọng với các chủ nhân chơi xe sang và siêu sang. Năm 2008, lần đầu tiên hàng trăm chiếc ô tô gặp cảnh phải bơi trong đô thị. Nhiều chủ xe không có kinh nghiệm vẫn cho khởi động nổ máy dù nước ngập quá bánh, dẫn tới hàng loạt xe bị vỡ lốc máy và gây ra một cuộc tranh cãi dai dẳng về việc đền bù của bảo hiểm.
Các cụm chi tiết bị ảnh hưởng tương ứng với mức độ ngập |
Khi đó, trao đổi với báo chí, hãng bảo hiểm Bảo Minh đã nhận yêu cầu bồi thường theo hợp đồng tới 230 trường hợp, bảo hiểm PJico cũng nhận khoảng 200 trường hợp, trong đó, không ít các xe trị giá 2 tỷ đồng.
Theo quy định chung của ngành bảo hiểm, loại bảo hiểm vật chất xe cơ giới trong trường hợp do rủi ro khách quan, thiên tai... có 2 loại: ngập nước và thủy kích. “Ngập nước” là trường hợp xe bị hư hỏng khi bị ngập nước khi xe đang đỗ trong bãi đỗ xe hoặc ở garage nhà, đỗ ngoài đường.
“Thủy kích” là trường hợp xe bị hư hỏng khi đi vào vùng ngập nước. Có 2 trường hợp gây ra thủy kích gồm: xe đang nổ máy chạy vào vùng ngập nước và nước xâm nhập khiến động cơ hỏng, hoặc xe chết máy ở vùng ngập nước và người lái cố tình khởi động khiến nước vào buồng đốt động cơ gây hỏng.
Tùy vào từng công ty và điều khoản hợp đồng, bảo hiểm có thể đền bù cả trong trường hợp xe bị ngập nước lẫn thủy kích, hoặc chỉ đền bù xe bị thủy kích.
Theo một chuyên gia về ngành này, dù sau khi tồn cả tỷ đồng sữa chữa rồi bán lại, chiếc xe cũng vẫn không bằng những xe cũ bình thường cùng đời.