Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Khai mạc phiên họp 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV diễn ra từ 10 - 12/12.

Sáng 10/12, phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV khai mạc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét nhiều vấn đề quan trọng, như xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Về thực hiện một số quy định của luật về chế độ, chính sách đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Tổng kết kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

 Khai mạc Phiên họp thứ 29 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đây là phiên họp cuối cùng của năm 2018, trong một lượng thời gian ngắn với khá nhiều nội dung quan trọng. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ tài liệu, đóng góp ý kiến sâu sắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có liên quan tiếp thu, hoàn thiện các văn bản.

Trong sáng nay, cho ý kiến về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, đại diện Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội kiến nghị bổ sung vào Chương trình năm 2019 đối với 6 dự án Luật.

Cụ thể, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 đối với 3 dự án luật là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 đối với 02 dự án là: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với chương trình bổ sung vào Chương trình năm 2019 đối với 6 dự án Luật.

Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nhiều địa phương băn khoăn về việc hợp nhất 3 Văn phòng: Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân.

Lấy ví dụ như tại Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh khi hợp nhất có 300 người trong diện điều chuyển, hợp nhất, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cần có thời gian tổng kết đánh giá mô hình thí điểm, sau đó sửa cho phù hợp, chú ý lùi lại từ kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong đến số lượng đại biểu.

Các ý kiến cũng cho rằng, dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã bổ sung lĩnh vực đầu tư PPP. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đây là dự án Luật khó liên quan đến vốn, đất đai và cơ chế. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm tính khả thi của Chương trình và có thêm thời gian tiếp tục đánh giá, kiểm nghiệm các chính sách mới được quy định tại Nghị định 63 trong thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu băn khoăn về việc không đưa vào chương trình Luật về Sở hữu trí tuệ; An toàn thực phẩm và Kinh doanh bảo hiểm. Bởi đây là 3 luật quan trọng khi Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cần cố gắng rà soát để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật phù hợp với những cam kết quốc tế mà chúng ta đã tham gia, trước mắt là liên quan đến CPTPP.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bám sát Nghị quyết Trung ương và kế hoạch của Quốc hội để xây dựng chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh phù hợp. Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội cần chú ý những định hướng lớn của Bộ Chính trị vì đây là bộ máy cơ quan hành pháp và lập pháp. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội rà soát lại đảm bảo tinh gọn, chú ý cơ sở pháp lý và tránh sai sót.