Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phút hoảng loạn, quý bà xúc động được tài xế xe ôm 'giải cứu'

Suốt ngày rong ruổi trên phố, ông Dũng (SN 1965, tài xế xe ôm) vừa mưu sinh vừa để mắt canh chừng những tên cướp, bảo vệ tài sản cho người dân.

Trong đó, ông nhớ nhất là lần ông giúp hai người phụ nữ Hà Nội giành lại ví từ bọn trộm cướp khi họ đang đi dạo trên phố tại TP.HCM.

Được thành lập năm 2007, Nghiệp đoàn xe ôm phường Tân Định (quận 1, TP.HCM) nhằm đưa nghề xe ôm đi vào hoạt động nền nếp, quy củ; vận động những người làng nghề xe ôm tham gia giữ gìn trật tự phố phường. Đến nay, Nghiệp đoàn có tuổi đời hơn 10 năm.

Cũng ngót nghét từng ấy thời gian tham gia, ông Võ Anh Dũng đã có không ít lần bắt cướp thành công và thường xuyên giúp đỡ những người xung quanh. Vì vậy, ông được người dân khu vực chợ Tân Định trìu mến gọi là “hiệp sĩ xe ôm”.

Hơn 10 năm, ông Dũng không đếm xuể đã bao nhiêu lần bắt cướp. Ông luôn xem đó là cơ hội để góp sức tạo nên sự bình yên của cộng đồng.

 Ông Võ Anh Dũng (1965) được mọi người trìu mến gọi là "hiệp sĩ xe ôm".

Thành thói quen, mỗi lần ra đường, ông luôn tinh mắt để ý. Chỉ cần nghi ngờ đối tượng nào, ông luôn chuẩn bị sẵn sàng lên ga rượt đuổi.

Ông kể, một lần tại chợ Tân Định, ông ra sức đá xe của tên cướp thì bị hắn tấn công ngược lại. Lần đó, ông bị gãy xương bả vai, phải nhập viện để băng bó lại vết thương.

Không ít lần gặp tai nạn, người đàn ông này vẫn thật thà cười bảo, có những tên trộm cướp dữ tợn, dùng dao chống cự nhưng không vì thế mà ông sợ.

“Mình biết chúng nó dữ thì mình phải tấn công chúng trước chứ không được để chúng chủ động tấn công mình. Nhờ những kinh nghiệm rút ra sau nhiều năm bắt cướp, giờ tôi không còn sợ nữa", ông phân tích.

Ngoài ra, ông bảo, thực ra, nếu chú ý quan sát thì bọn cướp rất dễ bị nhận ra. Theo ông, bọn cướp giật thường ánh mắt lờ đờ, lúc nào cũng ngó nghiêng, chúng đã nhắm con mồi rồi là đảo tới, đảo lui vài lần. Vì vậy, những tên trộm cướp ít khi qua được mắt ông.

Chính nhờ biệt tài quan sát này, ông Dũng đã bắt được hai tên cướp có lệnh truy nã năm 2011. Vào thời điểm trên, hai gã thanh niên liên tiếp thực hiện nhiều vụ trộm cắp xung quanh khu vực chợ Tân Định.

Thông qua miêu tả của người dân, ông biết chắc chắn về khuôn mặt và các hoạt động của chúng. Vì vậy, sau đó ông phối hợp với một chiến sĩ công an phường Tân Định bắt giữ hai tên xấu khi chúng đang cướp túi xách của một cô gái ngay cạnh khu chợ Tân Định.

 Ông Dũng làm nghề tài xế xe ôm vừa mưu sinh vừa để mắt canh chừng những tên cướp, bảo vệ tài sản cho người dân.

Tham gia hàng chục vụ bắt cướp, người đàn ông này cho biết, đối tượng chính mà bọn cướp thường nhắm tới là phụ nữ, những người ở tỉnh xa lên TP.HCM. Theo đó, những kẻ xấu này thường giật những đồ như túi xách, điện thoại, ví... khi mọi người chủ quan không đề phòng.

Ông nhớ lại, cách đây không lâu, cầm ví trên tay, hai người phụ nữ thong thả sải bước trên phố nằm ngay khu vực chợ Tân Định. Thấy vậy, bọn cướp nhanh chóng phi xe máy lướt qua, giật mạnh khiến chiếc ví bay lên trời.

May mắn, lúc đó, ông Dũng kịp thời phát hiện và phóng xe đến thì chúng lập tức bỏ chạy. Chiếc ví rơi xuống đất và ông nhặt lên đưa lại cho hai người phụ nữ kia.

Khi ông hỏi thì họ vẫn chưa kịp hoàn hồn vì sợ hãi trước cú giật đột ngột của hai tên cướp. Giọng run run, họ cho biết họ ở Hà Nội vào TP.HCM du lịch. Vì chủ quan nên họ đi thong dong mà không hề đề phòng có trộm cướp.

Sau đó, hai quý bà cảm ơn ông Dũng rối rít. Tuy vậy, ông cũng không quên dặn dò hai người phụ nữ rằng, trong quá trình lưu lại ở TP.HCM, họ cần hết sức cẩn thận khi đi ra đường. Đặc biệt, không nên mang tài sản có giá trị lớn mà để hớ hênh như vậy khi đi trên phố.

Với ông Dũng, niềm vui trong nghề “bao đồng” này là chỉ cần thấy người dân được sống yên bình, khi tìm được lại một món đồ cho ai đó, rồi nhận một cái gật đầu cảm ơn.

Bắt cướp gặp đủ tai nạn như vậy, gia đình ông Dũng nhìn và không khỏi cảm thấy xót xa và nhiều lần ngăn cản ông. Thế nhưng, thấy sự bất bình không chịu được, ông Dũng lại tiếp tục hành nghề. Qua thời gian, giờ đây vợ con ông cũng hiểu và chấp nhận. Tuy vậy, mỗi khi ông ra đường, vợ ông vẫn lo lắng bảo ra đường phải cẩn thận vì cướp giật giờ manh động.

Dù năm nay đã ngoài 50, nhưng nói nghỉ nghề, "hiệp sĩ xe ôm" này chỉ tặc lưỡi cười trừ: "Chừng nào đi hổng được nữa rồi nghỉ".