Nghệ An sẽ bố trí đủ kinh phí để giải quyết nhà ở cho người có công
- 20:14 07-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều 7/12, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc để nghe báo cáo tình hình thực hiện và chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến triển khai thực hiện hỗ trợ cho người có công với cách mạng về nhà ở.
Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Minh Thông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Cùng dự có đại diện Sở Xây dựng, Sở LĐ-TB & XH cùng các sở, ban, ngành liên quan và đại diện các địa phương có đối tượng được hưởng chính sách. Ảnh: Thanh Nga |
Đã hoàn thành hơn 18.844 ngôi nhà ở hỗ trợ người có công
Ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ - TTg hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Đây là chủ trương chính sách lớn, thiết thực của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo cải thiện chất lượng nhà ở, ổn định cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng.
Hộ gia đình được hỗ trợ phải là hộ người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, đang sinh sống và có đăng ký hộ khẩu thường trú trước ngày 15/6/2013.
Theo đề án được phê duyệt theo QĐ 22, tổng số hộ người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần được hỗ trợ về nhà ở là 26.846 hộ. Trong đó có 13.748 hộ xây dựng mới nhà ở và 13.098 hộ sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí ngân sách cần có để hỗ trợ là 815.939,4 triệu đồng.
Đoàn khảo sát ĐBQH tỉnh thăm gia đình ông Nguyễn Cảnh Tường, khối 13 thị trấn Dùng (Thanh Chương) là bệnh binh 2/3 được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Ảnh: Tư liệu |
Đến nay có 18.844/26.846 căn nhà đã được hoàn thành (đạt tỷ lệ 70,19 %), trong đó có 9.249 căn xây mới; 9.595 căn được sửa chữa, cải tạo. Có 2.265/26.846 căn đang xây dựng, đạt tỷ lệ 8,43%. Trong đó 1.085 căn xây mới, 1.179 căn sửa chữa cải tạo. Số tiền đã giải ngân hỗ trợ cho các đối tượng: 545.154 triệu đồng/773.190,1 triệu đồng đạt tỷ lệ 70,51%.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay đang có đến 5.737 căn đã được phê duyệt, chiếm 21,37 %, chưa triển khai xây dựng. Trong đó có 1.201 hộ được đưa ra khỏi đề án, do phê duyệt sai đối tượng, xin rút, trùng lặp danh sách; 824 hộ không được hỗ trợ bằng nguồn vốn của trung ương đã cấp mà phải dùng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ do người có công là vợ hoặc chồng đều đã chết theo Quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 63/ NQ - CP ngày 25/7/2017 (về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công cách mạng theo Quyết định số 22).
Việc giải ngân gặp khó
Xung quanh những khó khăn vướng mắc trong tiến độ giải ngân quỹ xây dựng nhà ở cho người có công theo QĐ 22, đại diện các địa phương cho rằng, đa số những đối tượng xin rút khỏi danh sách hỗ trợ là những đối tượng không có nhu cầu sửa chữa xây mới; đối tượng đã mất, đã chuyển chỗ ở khác; nhu cầu về nhà ở thay đổi (chuyển từ nhu cầu xây mới sang sửa chữa, từ sửa chữa sang xây mới); đã tự ứng kinh phí để xây dựng nhà rồi cho tặng, chuyển nhượng. Những vướng mắc này khiến quá trình tổng hợp rà soát hồ sơ để giải ngân theo tiến độ gặp nhiều khó khăn.
Đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Nga |
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn, có nhiều hộ thuộc diện được phê duyệt hỗ trợ nhưng trong thời gian chờ kinh phí của Trung ương đã được địa phương vận động kinh phí từ các nguồn khác như Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, tổ chức doanh nghiệp, cá nhân hoặc các nguồn vốn khác để xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà ở nhưng nguồn hỗ trợ này thấp hơn nguồn hỗ trợ nhà ở theo QĐ 22 thì có được giải ngân tiếp hay không? Nhiều hộ ban đầu được phê duyệt sửa chữa nhưng nay qua thời gian chờ đợi kinh phí của Trung ương, nhà ở đã quá xuống cấp nên muốn được chuyển đổi hình thức sang xây mới, có đủ điều kiện không?
Trao tiền hỗ trợ nhà ở cho người có công tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Tư liệu |
Hoặc, có nhiều hộ trong quá trình rà soát ban đầu không nằm trong đối tượng được phê duyệt nhưng nay có hồ sơ xin được sửa chữa, làm mới liệu có được điều chỉnh không? Về điều này đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng: “Những người đã được hưởng các nguồn hỗ trợ khác thường thấp hơn số tiền của QĐ 22 nên cần bố trí giải ngân cho họ. Những đối tượng phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án nhà ở cho người có công cần được rà soát lại để có kiến nghị đề xuất Trung ương hỗ trợ giai đoạn 3”.
Đồng chí Thái Thanh Quý kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Nga |
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Thái Thanh Quý - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Dù tiến độ hỗ trợ nhà ở cho người có công của tỉnh chưa đạt theo yêu cầu của Bộ LĐ-TB & XH nhưng đã giải quyết chế độ chính sách là phải đúng đối tượng theo hướng dẫn tại Quyết định 22.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đối với các địa phương có các đối tượng phát sinh trong quá trình thực hiện đề án cần rà soát lại để có những đề xuất với Bộ điều chỉnh giai đoạn 3. Bên cạnh đó, các đối tượng đã di chuyển nhà ở và không còn nhu cầu thì cần có bản cam kết, tránh kiện tụng về sau.
Về kinh phí, nếu trung ương chưa chuyển nguồn đối ứng thì tỉnh sẽ bố trí kinh phí để giải quyết đủ cho đối tượng đã được phê duyệt.
Đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo số 22/2013/QĐ - TTg là hộ gia đình có người có công với cách mạng, bao gồm 12 nhóm đối tượng, cụ thể: - Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 - Bà mẹ Việt Nam anh hùng - Anh hùng LLVT nhân dân - Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến - Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh - Bệnh binh - Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học - Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày - Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế - Người có công giúp đỡ cách mạng |