Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cạo rêu lăng mộ kiếm chục triệu mỗi tháng

Làm nghề dọn nhà cho người chết, 5 năm qua, gia đình ông Hồng (Huế) từ bữa đói, bữa no nay đã có dư để tiết kiệm.

"Trước lái xe ôm hơn 20 năm, ngày trung bình tôi chỉ nhận được 100 nghìn. Từ khi chuyển hẳn qua nghề rửa mộ, mỗi ngày tôi có thể kiếm được ít nhất 500 nghìn đồng", ông Nguyễn Xuân Hồng (60 tuổi, xã Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc) tâm sự.

Ông là một trong những người đầu tiên nghĩ ra công việc rửa mộ ở xã Mỹ Lợi. Bắt nguồn từ việc nhiều lần đi thăm mộ người nhà, thấy người dân khổ sở mưa nắng đi chà những vết bám trên mộ, ông lân la hỏi thăm và đề nghị cọ thuê.

cạo mộ

Những ngôi mộ sáng bóng với nhiều chi tiết nhỏ, phức tạp là thành quả sau 2 ngày một mình ông Hồng chùi rửa. Ảnh: Trọng Nghĩa. 

Thường đó là các khu mộ rộng lớn hàng chục mét vuông, được chạm trổ tỉ mỉ, kỳ công, xuất hiện nhiều trong vài năm gần đây dọc theo quốc lộ 1A hoặc những vùng ven.

"Quan niệm của các nhà vua triều Nguyễn rằng 'cuộc sống trần gian là tạm bợ, qua thế giới bên kia mới là vĩnh hằng', cho nên khi điều kiện kinh tế đi lên, người ta đầu tư hàng tỷ đồng cho lăng mộ của ông bà, cha mẹ", ông Hồng nói.

Nhiều ngôi mộ gia cố bằng đá, đắp chi tiết trang trí bằng sành sứ đắt tiền. "Những vật liệu này dễ bị bám rêu hơn so với gạch thông thường, thế nên nhu cầu vệ sinh mộ, cạo rêu càng ngày càng nhiều", anh Trần Đình Phong (32 tuổi), một thợ xây cùng xã Mỹ lợi, chia sẻ.

Rửa một khu mộ trên dưới 20 m2, ông Hồng nhận 1,2 triệu đồng, nếu vị trí gần nguồn điện để bơm nước. Nếu xa nguồn điện, phải kéo máy nổ, ông lấy 2 triệu đồng. Thường ông mất 2 ngày để dọn một khu như vậy.

"Ngày mới đi làm, kinh hãi nhất là những khu lăng có rắn làm tổ. Sợ chuyện tâm linh nên tôi không dám làm nữa, bỏ ngang. Người nhà lại qua năn nỉ, tôi không nỡ từ chối", ông Hồng tâm sự.

Sau khi xịt nước với áp suất lớn, ông dùng nước rửa kính để lau các mảnh gốm, rồi dùng nước lau sàn để lau những bề mặt bằng đá. "Tỉ mỉ nhất là việc cạo rêu, có vệt rêu chìm trong những khe gốm, phải làm rất nhẹ tay, nếu không mảnh gốm rơi ra, rất mất công để gắn lại", ông kể. Những mộ bị phai màu sơn sẽ được "bảo dưỡng" lại.

 ngôi mộ

Những ngôi mộ được xây dựng với kinh phí lớn, nhưng thiếu người dọn rửa nên gia chủ phải thuê người dọn định kỳ. Ảnh: Trọng Nghĩa. 

Tháng cao điểm mùa Tết, ông Hồng có thể lau 15 khu lăng mộ và nhận được hơn 40 triệu đồng. Còn thường thì ông có khoảng 2-3 khách mỗi tuần, thu nhập khoảng 10 triệu/tháng, gấp 3 lần công việc chạy xe ôm. Riêng từ tháng 10 đến tháng 12 hầu như không có khách.

Với "mức lương" ổn định, gia đình ông từ hộ nghèo đã có thể sắm sửa đầy đủ hơn trong 5 năm gần đây và cho con đi học đại học. Hiện tại ở xã Mỹ Lợi, ông Hồng có khoảng trên dưới 30 "đồng nghiệp", họ đều là những nông dân và ngư dân đau ốm, không thể đi làm nặng hoặc tuổi cao.

"Chúng tôi luôn bảo nhau rằng người chết đang cho mình công ăn việc làm, nên phải biết trân trọng, có trách nhiệm, không phải cầm cọ ra quẹt quẹt vài cái rồi lấy tiền", anh Nguyễn Văn Linh (30 tuổi, "đồng nghiệp" của ông Hồng) nghiêm nghị nói.

Gia đình chị Trần Thị Hoa (43 tuổi, xã Mỹ Lợi, Phú Lộc) có 2 khu lăng mộ rộng hơn 100m2. "Dù con cháu cũng đến quét dọn thường xuyên nhưng những mảng bám vẫn rất khó rửa trôi, làm xấu đi ngôi nhà của ông bà. Thế nên một năm 4 lần, tôi phải thuê người đến đây vệ sinh kỹ", chị chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thông, (trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phú Lộc) cho biết không chỉ ở xã Mỹ Lợi mà nhiều địa phương khác ở Huế cũng có dịch vụ dọn rửa mộ.