Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những bí mật của Hồ Việt Sử trong vụ án Năm Cam (Kỳ 2)

Những câu chuyện của Hồ Việt Sử kể cuốn suy nghĩ của tôi như đang được xem một bộ phim. Mà bộ phim đó rất nhiều mùi…

 Hồ Việt Sử thời trẻ

Đêm trước trở thành… giang hồ?

Những câu chuyện của Hồ Việt Sử kể cuốn suy nghĩ của tôi như đang được xem một bộ phim. Mà bộ phim đó rất nhiều mùi… Mùi của những cánh đồng thơm hương lúa mới. Mùi của những đám khói đốt đồng ở vùng miền Tây. Mùi của thuốc súng trong những năm chiến tranh biên giới Tây Nam. Mùi của dao kiếm, của bia rượu, thuốc lá; mùi ngột ngạt của nhà giam, mùi tiền bạc và không thể thiếu là mùi… son phấn.

Hồ Việt Sử có một tuổi thơ thiếu thốn và bất hạnh. Sinh năm 1959, tuổi Kỷ Hợi, mệnh Mộc, nhưng Hồ Việt Sử không nhớ mặt cha mẹ. Bởi lẽ ông bà bỏ nhau khi Sử còn bé tí và gửi Sử cho ông bà ngoại tại xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, sát biên giới với Campuchia nuôi. Ngày ấy, bà con người Việt và người Khmer vùng biên giới Việt Nam – Campuchia sống như trong một vùng. Khái niệm đường biên hầu như không tồn tại trong suy nghĩ của người dân. Vì thế, việc người Việt gửi con cái vào các chùa Khmer học cả chữ viết lẫn học kinh Phật và rèn luyện tu tâm dưỡng tính là chuyện bình thường.

Năm lên 8 tuổi, Hồ Việt Sử được đưa vào chùa Khmer và học gần 2 năm tại đây. Tuổi thơ hiếu động, lại vào tuổi ăn, tuổi ngủ mà phải ở chùa thì quả là khổ cực hết chỗ nói. Phải ăn chay, phải dậy sớm để tụng kinh gõ mõ, phải học ăn, học nói, học đi đứng, cư xử theo Phật pháp… Những cái đó, đối với con trẻ quả là cực hình. Nhưng bù lại, cuộc sống và giáo lý nhà chùa tạo cho người ta một nếp sống và suy nghĩ giản dị, điềm tĩnh, biết kiềm chế…

Sau này, khi mắc vào vòng lao lý, Sử mới “ngộ” ra điều đó. Một may mắn nữa đối với Sử là trong những ngày tháng ở chùa, Sử học được tiếng Khmer. Thứ “ngoại ngữ” đó, sau này đã giúp Sử rất nhiều trong những năm tháng quân ngũ ở chiến trường Campuchia. Và cũng chính cách sống, cách cư xử “phảng phất chất Thiền” trong con người của Sử đã tạo cho anh một cá tính rất riêng, vì vậy lời nói của Sử có sức thuyết phục, đặc biệt là về sau này, khi Sử có nhiều đàn em. Đám đàn em đặc biệt trung thành và thậm chí tôn thờ Sử.

Dù nhà nghèo nhưng ông bà ngoại vẫn lo cho Sử ăn học đến nơi đến chốn. Sử đi học muộn mất 2 năm. Cuối năm 1978, khi đang học dở năm cuối cấp III thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Quân Pol Pot tràn sang và vùng Tịnh Biên ngày ấy trở thành lò lửa. Sử phải bỏ học đi sơ tán ở Kiên Giang và để có thêm tiền phụ giúp ông bà, chàng thanh niên Hồ Việt Sử đi dạy… học. Nhưng không chỉ dạy học, Sử làm đủ thứ nghề để kiếm tiền và anh không nề hà bất cứ việc gì.

Thời trai trẻ, Hồ Việt Sử khá đẹp trai, với nước da rám nắng, gương mặt đượm nét phong trần, và toát lên sự rắn rỏi của một người bản lĩnh, phảng phất chất lãng tử.

Đầu năm 1981, Hồ Việt Sử bắt đầu biết “phải lòng” một cô gái người Khmer gốc Hoa nhưng lại có cái tên thuần Việt: Kim Sen. Cô gái Kim Sen thuở đó được coi là xinh nhất vùng và con thứ 9 trong một gia đình khá giả bởi có nghề buôn bán vàng bạc và chế tác đồ trang sức. Và mối tình của hai người đã từng được một nhà báo viết như sau:

“Lần đầu tiên chạm mặt, bỗng dưng Hồ Việt Sử gan lỳ ngày nào lại trở nên nhút nhát hơn trước mặt một cô gái. Mỗi lần đêm về, Sử chỉ biết nằm trằn trọc, nghĩ miên man đến gương mặt thanh tú và nét duyên thầm của một cô gái miền sông nước. Từ đó trở đi, Sử cứ cố tình đi ngang nhà cô gái và ghé mắt trông vào rồi đi ngay.

Đều đặn, Hồ Việt Sử mong muốn được nhìn cô gái ấy vào ngày cuối tuần. Chỉ bằng ánh mắt nhìn nhau, Sử có cảm nhận đã thương người con gái ấy thực sự. Nỗi nhớ da diết về một bóng hình như cuốn hút Sử đi ngang nhà cô gái nhiều hơn. Rồi có những tháng, ngày nào Hồ Việt Sử cũng phải tìm cách được nhìn thấy nàng dù chỉ một lần rồi lẳng lặng bỏ đi. Người mà Sử tơ tưởng để ý, không ít những gã trai vây quanh tán tỉnh và tìm mọi cách để cưa đổ. Nhiều người có hoàn cảnh, có địa vị hơn cả Sử rất nhiều cũng tình nguyện "làm đuôi” cho nàng. Để trở thành người chiến thắng, người lay động được trái tim một cô gái, đối với Sử đó là một niềm hãnh diện vô bờ bến”.

Nhưng khi vừa bén hơi nhau thì Sử lên đường nhập ngũ vào cuối năm 1981 và chiến đấu ở chiến trường các tỉnh Bat Tam Bang; Xiêm Riệp… “Uýnh” nhau với lính Pol Pot không lâu, Hồ Việt Sử được điều lên Phòng An ninh của Mặt trận 979. Sở dĩ Sử được điều về đây là vì anh giỏi tiếng Khmer, lại biết cả tiếng Anh.

Năm 1983, Sử cưới Kim Sen và đưa vợ sang Phnôm Pênh sinh sống. Cuộc “vượt biên” của hai người cũng rất vất vả bởi gia đình nhà vợ không đồng ý. Cũng phải thôi, có ai lại muốn con gái mình đi theo một anh bộ đội sang tận nước ngoài sinh sống. Đời lính nay đây, mai đó, rồi cái sống, cái chết, ranh giới cực kỳ mỏng manh… Không thuyết phục được gia đình cho đi “hợp pháp” thì “trốn”. Vậy là hai vợ chồng trẻ chuồn sang Campuchia.

Sen vốn có nghề thợ may, lại là người Khmer gốc Hoa cho nên cô nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng người Việt tại khu Chợ Mới ở Phnôm Pênh. Sử lúc này vẫn là bộ đội nhưng đóng quân ngay trong thành phố và hai vợ chồng thuê nhà để ở.

Năm 1987, Sử được ra quân và thế là anh lại dắt vợ về quê. Với số tiền gom góp được khi làm ăn bên Campuchia, Sử bắt đầu lao vào con đường buôn bán xe máy. Vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, buôn xe máy “giấy giun” trở thành một phong trào ở khắp các tỉnh có đường biên với Campuchia. Gọi là xe “giấy giun” là bởi vì xe mua từ Campuchia về, có tờ giấy đăng ký của Campuchia mà chữ ngoằn ngoèo, nên gọi là xe “giấy giun”. Buôn xe “giấy giun” kiếm lắm. Mỗi chiếc xe bán trót lọt, lời một chỉ vàng là chuyện thường. Mà ngày ấy, một chỉ vàng có giá trị vô cùng.

Nói chuyện xe “giấy giun”, tôi nhớ lại chuyện mình từng phải nhờ vả anh em cảnh sát giao thông biên giới mới mua được xe Honda “giấy giun”. Khỏi phải nói niềm vui đến như thế nào khi mua được chiếc xe “cánh cụp, cánh xòe” hay “kim vàng, giọt lệ”. Và rồi khi mang về, chẳng sang tên, đăng ký mới gì cả, cứ thế mà chạy cho đến lúc tàn xe thì bán như đồ đồng nát. Rồi từ buôn xe máy, Sử nhảy sang buôn ôtô và năm 1993, salon xe hơi đầu tiên của Sử khai trương trên đường Trần Hưng Đạo. Năm sau đó, Sử mở tiếp một salon trên đường Lê Hồng Phong…

Từ khi buôn bán ôtô, rủng rẻng có tiền, Hồ Việt Sử bắt đầu đổ đốn, ấy là dính vào con đường cờ bạc, mà chủ yếu là cá độ bóng đá. Và cũng từ đây, Sử quen biết nhiều giới giang hồ ở đất Sài Gòn.

Có tiền, cộng với cách sống hơi ẩn dật, cách nói năng khiêm nhường, sẵn sàng giúp đỡ chiến hữu lúc khó khăn, hoạn nạn và lại lắm mưu… những cái đó đã tạo cho Sử uy tín lớn trong giới buôn bán ôtô và cả đám giang hồ.

Những năm tháng ở Campuchia cũng là những năm tháng thử thách tình yêu của đôi vợ chồng trẻ. Nhưng thực ra, những thử thách đó chẳng là gì so với những năm tháng mà Sử mắc vòng lao lý sau này.

Tôi bỗ bã hỏi Hồ Việt Sử: “Tôi trông cái mặt anh, là cái mặt… tốn gái? Vậy mà rất nhiều người nói với tôi rằng anh lại rất chung tình… Liệu có tin được không?”.

Hồ Việt Sử cười: “Cái mặt em, cái tiếng giang hồ của em là thế… Bây giờ nói là “không có gì” thì cũng chẳng ai tin. Thôi thì tùy mọi người nghĩ thế nào cũng được. Còn với vợ em… Em chịu ơn cô ấy suốt đời. Những ngày em đi tù, có đứa “chân dài chân ngắn” nào đi đưa cơm, đi thăm nuôi đâu. Tất cả chỉ có vợ em… Em ở Trại giam Công an Tiền Giang khoảng 3 năm 8 tháng thì vợ em sống ngoài… cửa trại giam chắc cũng 3 năm rưỡi”.

Nghe Sử nói mà tôi không thể hiểu nổi. Đang định hỏi thêm thì từ trên gác, một phụ nữ có vóc người đậm đà đi xuống. Sử mau mắn giới thiệu: “Nhà em đấy, anh”. Chị Sen chào tôi rồi ra chăm sóc mẹ đã gần 100 tuổi. Vừa đấm lưng cho cụ, Sen vừa kể cho tôi nghe những ngày Sử bị bắt.

Là người chỉ biết làm ăn chân chỉ hạt bột, chị hầu như không quan tâm đến công việc của chồng. Thậm chí, việc Sử làm vũ trường Metropolis, chị cũng chẳng biết. Đùng một cái, Sử bị bắt và khi đọc báo, thấy viết về chồng mình, chị tưởng như đất trời sụp đổ. Lúc ấy, Hồ Việt Sử được “phong tặng” cho bao danh hiệu, biệt hiệu mà chị chưa từng nghe thấy. Nào là “trùm cờ bạc đất Sài Gòn”; nào là “đàn em Năm Cam”; nào là “ông trùm thế giới ngầm”…


Rồi khi Sử bị bắt, thì cũng có những người xưng là công an đến dỗ ngon dỗ ngọt chị “nên thành khẩn, nói với Cơ quan Công an để cho Sử được hưởng lượng khoan hồng”. Rồi họ lại còn dọa rằng: “Nếu chị không thành khẩn, thì cũng phải chịu tội là không tố giác tội phạm”. Rồi lại có người hỏi chị rằng: “Ai hay đến ăn cơm”; rằng: “Ngày tết, Sử mang biếu ông Năm Huy thứ gì?”… Nghe kiểu hỏi ấy, dù là người vốn nhút nhát và hầu như chẳng am hiểu gì về xã hội, chị cũng lờ mờ cảm thấy có điều gì không bình thường và đằng sau những câu hỏi ấy là âm mưu gì.

Trong những ngày Sử bị giam ở Công an Tiền Giang, chị bỏ tất cả nhà cửa, con cái để ông bà chăm, còn chị về Tiền Giang, thuê nhà trọ ngay gần cổng trại giam để tiếp tế cho chồng và tìm kiếm thông tin. Nói một cách không ngoa thì những ngày Sử ở tù, hầu như không phải ăn thức ăn của trại giam. Từ ngoài, chị lo cho anh tất cả những món ăn nào mà anh thường ăn ở nhà nhất. Dù đó chỉ là chút mắm cá lóc chưng với thịt mỡ, hoặc mấy củ dưa hành…

Cánh quản giáo và Cảnh sát điều tra Công an Tiền Giang nhẵn mặt chị. Một lần, cảnh sát điều tra gọi chị lên và dọa bắt giam vì chị không khai tội lỗi của Sử. Chỉ trả lời tỉnh queo: “Các ông bắt luôn đi. Tui cũng muốn vô trỏng ở luôn, vợ chồng líu lo cho vui”. Nghe chị nói thế, mấy tay cảnh sát điều tra chán hẳn.

Tôi hỏi chị Sen: “Hồi Sử bị bắt, đọc báo thấy như vậy mà chị không sợ gì ư”. Chị Sen cười hiền lành: “Tui cũng sợ chứ. Nhưng chỉ sợ anh ấy bị ốm trong tù thôi. Lúc ấy tui nghe nói, ai bị bắt vào Trại giam Tiền Giang, bị đòn dữ lắm. Còn bảo tui nghĩ anh ấy xấu như lời báo chí thì tôi không tin. Chồng tui thế nào, tui biết chứ”.

Nghe chị nói, tôi thầm nghĩ: “Anh chàng Sử này may mắn thật. Chắc kiếp trước có đi tu nên nay mới được cô vợ tốt đến thế”.

(Xem tiếp kỳ sau)