Về "vụ án ma túy kinh điển" Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường (Kỳ 6)
- 13:35 05-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kỳ 6- CHUYÊN ÁN M184
Vào những ngày cuối năm 1995, Ban Chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm hết sức lo lắng khi thấy nạn nghiện hút phát triển với tốc độ chóng mặt trên địa bàn quận, và bên cạnh là việc buôn bán chất ma túy xem ra cũng có phần “thoải mái”. Vì lẽ đó, Công an quận quyết tâm tấn công vào bọn buôn bán ma túy và công việc bắt đầu từ cơ sở. Từng cảnh sát khu vực phải lên được danh sách những đối tượng khả nghi trong khu vực mà mình phụ trách. Cảnh sát hình sự (CSHS), Cảnh sát điều tra (CSĐT) tăng cường xuống các phường để cùng anh em lập hồ sơ các đối tượng và xác lập biện pháp đấu tranh. Và việc đấu tranh có kết quả ngay.
Trong một tháng, anh em đã bắt được 5 vụ buôn bán chất ma túy và tìm ra được hàng chục ổ tiêm chích. Nhưng tất cả bọn chúng đều là những kẻ buôn bán cò con, là loại tép riu. Duy chỉ có một trường hợp được coi là nặng ký hơn - đó là Vũ Thị Hường, Hường là cô gái tuổi đời còn trẻ và mới tập tễnh vào nghề. Hường mua hêrôin rồi chia ra thành từng tép nhỏ và lại giao cho bọn khác. Khi bắt Hường và khám nhà, CSĐT chỉ thu được cân tiểu ly và một số dụng cụ hàn túi nilon.. Ròng rã gần một tháng đấu tranh với Hường, cuối cùng thị khai ra những hiểu biết của mình về một số kẻ buôn bán ma túy, trong đó có Vũ Xuân Trường. Nguồn tin này cộng với những tin do trinh sát thu thập được, đã cho các đồng chí trong Ban Chỉ huy CA quận thấy được có một đường dây buôn bán ma túy lớn, thậm chí rất lớn đang hoạt động ở Hà Nội. Và trong đó có một số kẻ đang là cán bộ của lực lượng vũ trang.
Xiêng Phênh trong ngày được đặc xá (năm 2010) |
Để có cơ sở báo cáo Ban Giám đốc Công an Hà Nội, Công an quận Hoàn Kiếm quyết định tập trung nhưng cán bộ điều tra có nghiệp vụ cao vào đầu mối này và đẩy nhanh tốc độ trinh sát. Trong khoảng hai tháng, anh em đã hoàn thành việc thu thập tài liệu về Vũ Xuân Trường cùng các đối tượng như Lại Thị Ngấn, Tạ Thị Hiển, Đỗ Thị Vui, Lại Thị Nguyên, Đào Xuân Xe. Đầu tháng 4-1996, bản báo cáo số 1 được Thiếu tá Hoàng Công Khôi gửi lên Ban Giám đốc Công an Hà Nội và sau đó được gửi báo cáo lãnh đạo Bộ Nội vụ.
Sáng ngày 18-4-1996, Ban Chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm và Đội trưởng Đội CSĐT của CA quận được Ban Giám đốc gọi lên họp. Tại cuộc họp này, Đại tá Phạm Chuyên, Giám đốc Công an thành phố và Đại tá Vũ Đình Hoành, Phó giám đốc Chỉ huy cánh sát đã nghe Công an quận Hoàn Kiếm báo cáo lại toàn bộ tài liệu đã thu được về đường dây buôn bán ma túy và những biện pháp đấu tranh tiếp theo. Các đồng chí lãnh đạo Công an thành phố đã đặt ra cho Công an Hoàn Kiếm nhiều câu hỏi liên quan đến những biện pháp nghiệp vụ và xác định quyết tâm là phải bóc gỡ đường dây. Kết thúc cuộc họp, Đại tá Vũ Đình Hoành thong thả nói:
- Hôm nay, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã chính thức đồng ý để chúng ta mở chuyên án đấu tranh. Có chuyên án thì phải có bí số để dễ gọi. Thôi, chuyên án chống ma túy thì ta cứ lấy chữ M làm đầu và lấy ngày 18-4 làm số.
Chuyên án M184, một chuyên án chắc chắn sau này sẽ đi vào lịch sử của Lực Lượng Cảnh sát Nhân dân trong đấu tranh chống bọn phạm tội hình sự được ra đời như thế.
Ngay sau khi lập chuyên án, Công an quận Hoàn Kiếm đã huy động những cán bộ điều tra, trinh sát hình sự, trinh sát kinh tế loại “cao thủ” nhất của quận tham gia chuyên án. Xác định được một vấn đề hết sức quan trọng là trong đấu tranh chống ma túy thì phải có hai điều kiện không thể tách rời nhau, đó là yếu tố bí mật và đội ngũ những người thực hiện phải có độ tin cậy cao và hết sức trong sạch.
Vì vậy, Ban Chỉ huy Công an quận đã có biện pháp mà có lẽ xưa nay chưa từng thực hiện. Các đồng chí trinh sát được tuyển chọn đều là những người chưa bao giờ làm các vụ án liên quan đến ma túy. Cách làm này là để loại trừ trường hợp anh em có quen biết các đối tượng buôn bán ma túy. Tất cả các văn bản đều đánh máy bằng máy chữ thường, tuyệt đối không dùng máy tính. Giấy than để đánh máy chỉ được sự dụng một lần và khi ra về, không có một tờ giấy nào còn sót lại trong phòng làm việc. Mỗi điều tra viên đều phải làm cam kết với Ban Giám đốc là “Biết không nói, không biết không hỏi”. Và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để lộ tin tức ra ngoài.
(Xem tiếp kỳ sau)