Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


"Người cha" của hàng ngàn hài nhi vô danh

Những nấm mộ nhỏ bé nép mình bên nhau giữa ngút ngàn đá núi và mây trời dội vào tâm can của người đến thăm một sự xót đau không thể diễn tả. Nơi đây, hàng ngàn hài nhi an nghỉ. "Người cha" đặt tên cho "ngôi nhà" chung ấy là "Nghĩa trang Đồng Nhi".

Những cuộc đời chưa kịp bắt đầu

Ở phía ngoài nghĩa trang có một bức phù điêu khắc hình ba chú chim non bơ vơ tìm mẹ. Bất kỳ ai đặt chân đến đây đều không khỏi xót xa, lặng mình. Nghĩa trang nằm trên một trảng đất thoai thoải ở dốc Hòn Thơm (TP Nha Trang, Khánh Hòa) được ông Tống Phước Phúc mua với giá 10 triệu từ ngày nó còn hoàng vu, không có lối đi.

Đây là số tiền ông tích góp từ những ngày đi làm thợ hồ với ý định sẽ khai phá trồng hoa màu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ý định ấy đã phá sản khi ông Phúc bắt đầu "bén duyên" với những hài nhi bị vứt bỏ.

Định mệnh gắn cuộc đời ông Phúc với những đứa trẻ xấu số rất tình cờ. Đó là năm 2001, ông đưa vợ đi sinh thì thấy một thai nhi bị bỏ rơi dưới gốc cây đa. Ông bần thần hết người, nghĩ trong đầu sao người ta lại đối xử với một sinh linh vô tội tàn nhẫn như vậy.

Ông về nhà suy nghĩ rất nhiều, đau xót lẫn trăn trở. Ông muốn làm một điều gì đó để các con có một nấm mồ sau khi đã phải kết thúc kiếp người quá sớm. Từ đó, ông bắt đầu đi tìm kiếm thai nhi bị vứt bỏ, ông nâng niu chúng như những đứa con của mình.

Những ngôi mộ đầu tiên được chôn cất vào tháng 7 năm 2004. Đám tang không vòng hoa, không tiếng kèn, không nước mắt, chỉ có một người đưa tiễn ngậm ngùi, lầm lũi. Công việc của ông Phúc hầu như ngày nào cũng có và bất kể thời gian nào.

Những ngày mưa bão mù trời, gió giật đùng đùng nhưng có hài nhi bị bỏ rơi ông vẫn đội nón, quàng áo mưa mang ra nghĩa trang. Vào những đêm tối mù mịt, có tiếng gõ cửa bên ngoài, ông mở cửa ra thấy chiếc bọc đen treo bung biêng là biết ngay hài nhi. Ông tức tốc lên đường, dò dẫm soi đèn pin lên dốc Hòn Thơm.

Ông cho biết: "Có hài nhi là phải mang đi chôn ngay, bởi mùi tử khí sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người. Hơn nữa, tôi không muốn các con phải chịu thêm một phút giây nào lạnh giá, đơn độc trên dương thế này nữa". Những hài nhi nào đã thành hình, ông Phúc đặt tên theo họ của mình. Hài nhi nào mới chỉ là "hòn máu", ông ghi Vô Danh.

 Ngày nào ông Phúc cũng ra nghĩa trang thăm các “con”.

Tiếng tăm của ông Phúc lan khắp tỉnh Khánh Hòa nên hễ có thai nhi là người ta mang tới "tặng ông". Ở bệnh viện có bé nào bị bỏ rơi cũng gọi cho ông đến nhận. Từ 2004 đến 2018, ông Phúc đã chôn cất hơn hai mươi ngàn thai nhi, một con số giật mình và đáng báo động về tình trạng nạo phá thai.

Trong ba năm từ 2005 đến 2007, có ngày nhiều nhất ông Phúc tiếp nhận đến 30 thai nhi bị từ bỏ. Những năm sau này đã giảm đi rất nhiều, trung bình mỗi ngày nhận 4 đến 5 thai nhi. Ông Phúc nở nụ cười đôn hậu: "Cho tới ngày hôm nay, trên bàn thờ chỉ có một thai nhi mỗi ngày. Điều đó làm tôi rất mãn nguyện".

14 năm là khoảng thời gian đủ để ông Tống Phước Phúc lặn ngấm tất cả cung bậc cảm xúc vào lòng. Ngần ấy thời gian, ông luôn ở hai trạng thái đau đớn và hạnh phúc.

Ông hạnh phúc vì thỉnh thoảng được đón nhận một đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời lành lặn, vuông tròn, được ngậm bầu sữa ngọt ngào từ mẹ. Nhưng nỗi đau thì gấp vạn lần, dù có vui sướng bao nhiêu cũng không lấn át được con số hài nhi bị bỏ rơi quá lớn.

Mỗi lần tiếp nhận "cục thịt" chưa hoài thai, ông đau cắt ruột, tim thắt lại. Có những đứa không còn nguyên vẹn, rồi có đứa bị tác động của dụng cụ y tế "nạo vét, cắt chặt" không còn nhận ra hình hài.

Có lẽ, bao nhiêu năm làm công việc như thế, lòng ông Phúc đã mềm đi, không khóc được nữa.

 Những đứa trẻ được ông nuôi đều gọi "ba Phúc" đầy yêu thương.

"Cảm ơn vì đã sinh ra đứa trẻ"

Ông Phúc không chỉ sống đúng với cái tên của mình mà còn làm nó đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Ông tâm sự, ước ao lớn nhất của ông là bảo vệ được người mẹ sau khi họ lầm lỡ để họ không dại dột đi phá thai, đó cũng là cách cứu sống đứa trẻ vô tội. Vì vậy, ông đã giang tay cưu mang hơn 200 bà mẹ mang thai bị người thân kỳ thị, xa lánh và nhận nuôi hơn 50 em bé bị cha mẹ bỏ rơi khi vừa lọt lòng.

Lê Thị Thu H. (20 tuổi) khi biết tin có thai đã rất sốc. H. chỉ dám tâm sự với một người bạn thân và nhận được lời khuyên đi bỏ thai. H. rối bời tâm trí, nghe lời bạn đến thẳng bệnh viện. Khi vừa bước chân vào cửa phòng, H. chợt khựng lại, đặt tay lên bụng và òa khóc. H. chạy thật nhanh ra khỏi bệnh viện và ngồi một mình bên vệ đường khóc vì quá thương đứa con bé bỏng vô tội.

H. quay về nhà, vẫn giấu tất cả mọi người. Những lúc buồn, cô lại vào bệnh viện nhưng vẫn không đủ can đảm làm điều tội lỗi. Tổng cộng H. đã vào bệnh viện 5 lần mới đi đến quyết định giữ lại đứa con. H. tìm đến "ba Phúc" nhờ cưu mang.

Trường hợp H.M (23 tuổi) lại khác, khi biết mang thai đã nói thẳng với mẹ mong được sự tha thứ và đón nhận nhưng mẹ đã không chấp nhận. Sau đó cả gia đình xúm vào chửi bới, lăng mạ đứa con tội đồ. H.M quyết định giữ con và ra khỏi nhà. Sống trong ngôi nhà của "ba Phúc", H.M cùng những cô gái lầm lỡ khác đã có cuộc đời mới, bình đẳng và được tôn trọng.

Đến kỳ sinh nở, cô nào không có tiền, ông Phúc lại chạy vạy lo chi phí bệnh viện, chăm sóc, ăn uống cho cả hai mẹ con. Biết sự mặc cảm, thiệt thòi của những người mẹ đơn thân, ông Phúc lúc nào cũng động viên: "Hãy xem đây là nhà, cô chú là ba mẹ".

Mỗi đứa trẻ chào đời, ông Phúc sung sướng đến nghẹn lời, câu đầu tiên ông nói với người mẹ là: "Chú cảm ơn con vì đã giữ và sinh ra đứa trẻ khỏe mạnh như thế này". Sau khi sinh con, nhiều bà mẹ đã đi tìm cho mình một bến đỗ mới, thỉnh thoảng lại ôm con về thăm "ba Phúc".

Ông Phúc cảm nhận, những bà mẹ một thời lầm lỡ này đã biết trân trọng cuộc sống gia đình, gìn giữ hạnh phúc vợ chồng. Điều đặc biệt là họ luôn quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi ở mái ấm.

 Nhiều bà mẹ trẻ lặng lẽ đến “thăm” con.

Hai đứa con ruột của ông Phúc sống cùng hơn 50 đứa trẻ mồ côi trong một nhà. Chúng hòa đồng, sẻ chia, yêu thương nhau nên không có ranh giới phân biệt. Vợ ông cũng là cánh tay đắc lực giúp chồng và không bao giờ nề hà chuyện gì.

Để cáng đáng chuyện cơm áo trong ngôi nhà "khổng lồ" này, vợ chồng ông Phúc đã phải gồng mình lên, bán những gì có thể bán trong nhà nhưng vẫn không đủ. Ông đành đi vay, đi xin, đi kêu gọi khắp nơi. Những năm trở lại đây, nhiều tổ chức thiện nguyện đã chung tay cùng ông nên cuộc sống "dễ thở" rất nhiều.

Ông Phúc cho biết, Sở Tư pháp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa đã nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện để ông tìm kiếm các gia đình có nhu cầu nhận con nuôi. Đến giờ, 4 cháu đã có gia đình bên Mỹ nhận nuôi và có cuộc sống tốt đẹp.

Nhiều người biết tiếng đã tìm đến ông Phúc hỏi thăm và tìm hiểu công việc của ông Phúc. Một thời gian sau, ở những nơi họ đến tìm hiểu cũng xuất hiện nghĩa trang hài nhi và cơ sở cưu mang bà mẹ, trẻ em. Ông Phúc rất vui vì việc làm của mình đã lan tỏa và nhân rộng khắp nơi, như thế sẽ giảm thiểu được rất nhiều câu chuyện buồn.

Năm 2006, ông Phúc được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư khen. Năm 2016, ông được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Được ghi nhận công đức, ông Phúc vui lắm, nhưng ông ngậm ngùi nói: "Ngày nào tôi cũng ra nghĩa trang thắp hương cho các con. Và ngày nào tôi cũng cầu khấn linh hồn các con phù hộ cho ba...thất nghiệp".

51 tuổi nhưng có 14 năm ông Phúc sống thay cho những nỗi đau hài nhi xấu số. Nhìn dáng hao gầy của ông mỗi ngày đổ bóng nơi nghĩa trang hài nhi, người ta thấy ông già hơn tuổi đời của mình rất nhiều. Tóc ông bạc gần hết, mắt sâu hoắm, hai má hóp vào đủ để cảm nhận, ông luôn thẫn thờ, đau khổ và xót thương không nguôi.

Ông Phúc đúc rút một câu triết lý của đời mình: "Hãy học cách ươm mầm tình yêu thương để sưởi ấm cho những vết thương lòng bớt nhức nhối. Học cách nuôi dưỡng và trân trọng những gì mình đang có..."

Rời nghĩa trang hài nhi, chúng tôi vẫn không khỏi ám ảnh bởi những câu thơ thấm đẫm khổ đau, ân hận, giằng xé của người mẹ mang tội với con:

"Con à con ơi! bay bay về trời

Về thênh thang ấy, nắng rủ đi chơi

Con à con ơi! trôi trôi về trời

Về mênh mang ấy, gió nhẹ đưa nôi

Con về tinh khôi, nằm trong tim mẹ

Mẹ khóc lạnh môi, mà đau thật khẽ".