Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Được hỏi đi làm ở VTV nhưng không nhảy việc vì chẳng cần tiền, chỉ cần "oai", câu trả lời của BTV Ngọc Trinh khiến số đông bất ngờ!

Ngọc Trinh VTV cho rằng, bên cạnh từ "oai" mà người hỏi lựa chọn, vẫn còn một từ nữa đó là "áp lực". Tiền thì ai cũng muốn nhưng lấy tiền ra làm mục đích sống và làm việc thì không phải ai cũng lựa chọn. Và cô cũng vậy!

Hiện tượng “nhảy việc” trong giới lao động trẻ đang rất phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là chuyện lương bổng, chính sách đãi ngộ, quan hệ với đồng nghiệp hoặc sếp không tốt đẹp... Nhưng liệu người trẻ đã chuẩn bị kỹ càng về năng lực và thái độ khi nhảy việc chưa?

Nhiều người thú nhận họ từng mắc bệnh "ảo tưởng", chưa xác định được bản thân là ai trên thị trường lao động. Họ đơn thuần nhảy việc theo trào lưu, "đứng núi này trông núi nọ" vì lợi ích trước mắt để rồi vấp ngã mới vỡ mộng. Trong khi đó, một bộ phận người trẻ khi quyết định "rứt áo ra đi" đã lựa chọn thái độ không phù hợp, để lại ấn tượng xấu cho công ty cũ, vì thế vô tình cắt đứt một phần cơ hội khi đến nơi làm việc mới. Đó là sự thiếu kinh nghiệm và kĩ năng sống.

Chia sẻ về câu chuyện nhảy việc của giới trẻ hiện nay, BTV Ngọc Trinh cho biết bản thân chị đã công tác tại đài truyền hình VTV hơn một thập kỷ, từ năm 2007 khi còn là cô bé sinh viên chập chững ra trường. Rất nhiều người từng hỏi Ngọc Trinh vì sao khi đã có danh tiếng và nhận được nhiều lời mời làm việc với mức lương có thể tốt hơn nhưng chị vẫn quyết định ở lại VTV. Có lẽ đối với Ngọc Trinh, quyết định gắn bó với VTV không phải là lựa chọn an toàn mà là sự phù hợp về tính cách và cuộc sống. Cảm giác thân thuộc với những người đồng nghiệp là yếu tố quan trọng giữ chân một BTV danh giá được nhiều công ty truyền thông chào mời. "VTV không chỉ là nơi làm việc mà còn là ngôi nhà thứ hai của tôi. Không thể phủ nhận nhiều thành công của các cá nhân tại VTV cũng đến từ chính thương hiệu và bề dày của VTV. Tiền thì ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng lấy tiền để làm mục đích sống và làm việc, tôi cũng vậy", BTV Ngọc Trinh thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Người trẻ nghỉ việc vô độ, xin nghỉ cũng không văn minh

Khoảng cách về lợi ích và cơ hội với những lời đề nghị hấp dẫn hơn thì quyết định ra đi là điều dễ hiểu. Lựa chọn ra đi trong vui vẻ, ngày quay lại họ cũng vẫn được chào đón như cũ. Sai lầm không nằm ở chỗ bạn quyết định ra đi hay không mà sai lầm ở cách bạn lựa chọn thái độ khi ra đi.

Nếu ra đi chỉ vì sự bồng bột và cảm xúc nhất thời, đến một lúc nào đó sự trưởng thành sẽ khiến bạn nhận ra bản thân đã sai lầm, đánh mất hình ảnh và cơ hội quý giá như thế nào. Nên nhớ rằng trong một tập thể, ai cũng muốn thể hiện cái tôi của bản thân, đặc biệt những người trẻ bắt đầu trên con đường khởi nghiệp. "Bất đồng quan điểm với đồng nghiệp hoặc sếp là điều khó tránh khỏi. Nhưng chỉ vì góc nhìn khác nhau mà nhận xét đồng nghiệp hoặc sếp của mình "tồi" thì liệu có hơi cực đoan? Bởi lãnh đạo là người "cầm cân nảy mực", có sứ mệnh riêng của họ. Đôi khi, chúng ta cần phải đặt mình vào vị trí của họ để nhìn nhận và đánh giá vấn đề. Khi chúng ta lựa chọn thái độ tích cực, lý do chính đáng, thẳng thắn và khách quan thì khi muốn quay trở lại đơn vị - ngành nghề đó, tôi tin mọi người vẫn dang tay chào đón", BTV Ngọc Trinh chia sẻ.

Nếu tất cả những gì bạn yêu cầu ở công ty ứng tuyển là tiền, thì bạn rất có thể sẽ đánh mất cơ hội khi xin việc. Bởi vì nhà tuyển dụng cần những nhân viên có tinh thần tập thể, gắn bó và đam mê công việc, chứ không phải một nhân viên chỉ biết có tiền. Những người này thường có xu hướng nhảy sang công ty có mức lương cao hơn ngay khi có thể.

 

Gắn bó là có "đất" để phát triển và trưởng thành hơn

"Tôi từng nhận được nhiều lời mời hấp dẫn từ các công ty, đơn vị truyền thông uy tín, thậm chí là các ngân hàng. Nhưng tôi có suy nghĩ khác, nơi làm việc là nơi để học hỏi chứ không chỉ là nơi tận dụng để tìm kiếm lợi ích cho riêng mình", BTV Ngọc Trinh cho rằng khi đã gắn bó lâu dài với một đơn vị và đạt được thành quả của riêng mình mà vẫn quyết định rời bỏ công việc đó thì phải suy nghĩ thật kỹ: Đi sẽ được gì và ở thì mất gì?

"Nếu để nói tại sao 11 năm qua tôi không nhảy việc thì đơn giản là vì tôi biết bản thân muốn gì. Tôi nghĩ rằng ở VTV24 tôi được thử sức ở nhiều vai trò khác nhau, tôi có thêm những bài học mới mỗi ngày và cả áp lực nữa. Vậy thì vì lý do gì mà phải rời bỏ một môi trường luôn cho mình có "đất" để phát triển và trưởng thành hơn?"

Không thể phủ nhận, người trẻ hiện nay nhảy việc phần lớn vì lý do không muốn nằm trong vùng an toàn. Họ thích được thách thức bản thân và thể hiện năng lực ở môi trường mà họ đánh giá là tốt hơn. Tuy nhiên, đừng vội vàng quyết định khi chưa kiên nhẫn và nhìn nhận những tiềm năng mà công ty có được để rồi tự đánh mất cơ hội phát triển nhanh chóng trong tương lai. "An toàn không hẳn là xấu. Điều đáng lo ngại nhất là sự mông lung không biết mình đang muốn gì và khả năng của mình là gì. Tôi sợ tư tưởng tạm bợ".

Gắn bó sẽ trì chệ? Không! người năng lực biết cách làm mới mình trong công việc "cũ"

Những nhân viên có thâm niên làm việc tại một đơn vị thường bị đánh giá là không thể thích nghi được với môi trường mới khi xảy ra biến cố hoặc công ty có sự đào thải. Họ dễ rơi vào trạng thái trì trệ bởi vì luôn duy trì sự ổn định và an toàn. Điều này không hoàn toàn đúng. Theo quan điểm của BTV Ngọc Trinh, năng lực làm việc mới là sự ổn định nhất của mỗi cá nhân, những yếu tố khác chỉ là tương đối. Người có năng lực sẽ biết cách làm mới mình trong công việc "cũ".

Từ "nhảy việc" đôi khi khiến nhiều người liên tưởng đến hành động không mấy tích cực tuy nhiên chuyển một công việc phù hợp với cuộc sống và nhu cầu sống vẫn là lý do chính đáng. BTV Ngọc Trinh thẳng thắn gợi ý cách mở rộng đầu tư và thu nhập cho người trẻ: "Thu nhập từ những công việc như truyền thông báo chí không thấp hơn so với các ngành nghề khác, vì vậy tôi cũng muốn các bạn trẻ thay đổi suy nghĩ rằng cứ làm báo là phải nghèo. Tất nhiên tôi tin không chỉ trong lĩnh vực báo chí, rất nhiều người bên cạnh công việc chuyên môn vẫn lựa chọn các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản... và tôi cũng không là ngoại lệ".