Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hồ sơ về trùm giang hồ Khánh "trắng" (Kỳ 5)

24 bị cáo được đưa ra xét xử lần này với 11 tội danh: giết người, cướp của, trốn thuế, hiếp dâm, tàng trữ vũ khí trái phép, che giấu tội phạm, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản riêng công dân, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, làm sai lệch hồ sơ, nhận hối lộ. Riêng Khánh “trắng” bị xét xử 4 tội: giết người, cướp tài sản của công dân, trốn thuế và che giấu tội phạm.

Kỳ 5 - Từ ngày 5/9 đến ngày 20/9 phiên tòa "5 nhất" xử vụ án Khánh "Trắng"

1- Đông bị cáo nhất (24 bị cáo)

2- Thời gian xử lâu nhất (15 ngày)

3- Nhiều nhân chứng nhất (70 người)

4- Xử nhiều tội nhất (11 tội danh của 24 bị cáo”

5- Bảo vệ nghiêm ngặt nhất…

Nhiều cán bộ Tòa án Hà Nội, Viện Kiểm sát, Công an Hà Nội và Bộ Nội vụ chưa “phục hồi sức khỏe” sau phiên tòa xét xử vụ án ma túy Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường, thì nay lại phải lao vào một phiên tòa mà xem ra nhiều thứ còn ghê gớm hơn cả vụ trước. Có cán bộ tòa án nói với tôi rằng, đây là phiên tòa “5 nhất”. Kéo dài nhất, đông bị cáo nhất, lắm nhân chứng nhất, bảo vệ nghiêm ngặt nhất và xét xử nhiều tội nhất. Viện Kiểm sát Tối cao ủy quyền cho Viện Kiểm sát Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

 Quang cảnh phiên toà xử Khánh "trắng"

Theo dự kiến của Hội đồng xét xử, phiên tòa sẽ kéo dài trong 15 ngày, có nghỉ 2 ngày và 1 ngày nghị án. Như vậy, nếu không có gì xảy ra đột biến, số phận Khánh “trắng” và đồng bọn sẽ được định đoạt vào chiều ngày 20/9. Thực ra, ngay sau khi được tống đạt cáo trạng, các bị cáo đã “lờ mờ” hiểu được số phận của mình. Và khác với thái độ “vui vẻ” trước đó, Khánh “trắng” đã lo lắng ra mặt. Đào Ngọc Triệu (tức Triệu “con”), Thắng “trố” cũng đã toan tính cách “vắng mặt tại tòa” bằng cách tự sát, nhưng chưa kịp thì đã bị ngăn chặn và bị Ban Giám thị cảnh cáo nghiêm khắc.

24 bị cáo được đưa ra xét xử lần này với 11 tội danh: giết người, cướp của, trốn thuế, hiếp dâm, tàng trữ vũ khí trái phép, che giấu tội phạm, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản riêng công dân, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, làm sai lệch hồ sơ, nhận hối lộ. Riêng Khánh “trắng” bị xét xử 4 tội: giết người, cướp tài sản của công dân, trốn thuế và che giấu tội phạm.

Và điều thật đau lòng là đứng trước vành móng ngựa với đám lưu manh côn đồ, du thủ du thực này còn có 4 cán bộ, chiến sĩ công an. Trong đó có 2 người phạm vào tội đồng phạm với bọn Khánh “trắng”: Cướp! Đây quả là một điều đau lòng cho lực lượng bảo vệ luật pháp.

Sau vụ Trường “hói” đến vụ này, việc nhân viên công an phạm tội đã chứng tỏ một điều rằng: Lực lượng Công an cũng như mọi tầng lớp xã hội khác không phải là “miễn dịch” với tất cả những căn bệnh tội và sa đọa. Trong cuộc đấu tranh với bọn tội phạm có những kẻ sa ngã và cần phải loại bỏ chúng ra khỏi độ ngũ. Vũ án Vũ Xuân Trường đã chứng minh quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an là phải “đào tận gốc, trốc tận rễ” những kẻ tha hóa, biến chất trong lực lượng Công an. Vụ án Khánh “trắng” lần này cũng chứng minh ý chí kiên quyết của lãnh đạo Công an Hà Nội trong việc làm trong sạch đội ngũ của mình.

Bảo vệ phiên tòa lần này là công tác quan trọng bậc nhất. Theo sự phân công của lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội, Phòng Cảnh sát Hình sự sẽ đảm nhiệm những khâu then chốt nhất trong công tác bảo vệ. Phiên tòa cũng không truyền thanh ra ngoài và công an sẽ nghiêm trị những kẻ dùng máy photocopy để “sản xuất” những bản tin “dỏm” và những kẻ bán bản tin đó. Do số lượng bị cáo đông lại giam rải rác nhiều nơi nên việc dẫn giải chúng đến tòa đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các Cục nghiệp vụ của Bộ và Công an Hà Nội; giữa các lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát hình sự… và công an một số phường.

Rút kinh nghiệm về công tác dẫn giải trong vụ án Trường “hói” nên lần này, các bị cáo không phải đi về trại buổi trưa nữa mà ăn nghỉ tại tòa. Chính vì vậy, việc bảo vệ càng phải nghiêm ngặt hơn và dĩ nhiên là cũng rất mệt mỏi cho cán bộ, chiến sĩ công an.

Bảo vệ ở phiên tòa là việc tuy vất vả nhưng xem ra còn dễ hơn là công tác bảo vệ nhân chứng. Trong phiên tòa, các nhân chứng đóng vai trò đặc biệt quan trọng và góp phần không nhỏ vào kết quả phiên tòa. Lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, phường quan tâm chu đáo đến các nhân chứng, nhằm tránh tất cả những gì có thể gây ảnh hưởng đến tư tưởng của họ.

Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, theo tin chúng tôi biết được, sẽ không có nhân chứng nào vắng mặt tại tòa với lý do sợ liên lụy, bị trả thù. Điều đáng nói là các nhân chứng đã thấy rõ trách nhiệm của mình trước pháp luật và xa hơn nữa là góp phần diệt trừ những tên tội phạm nguy hiểm. Nhiều bà con tuy không được mời làm nhân chứng nhưng vì chứng kiến các hành vi tội ác của Khánh “trắng” và đồng bọn đã gửi thư đến tòa án, Cơ quan CSĐT xin ra tòa làm chứng.

Sau khi băng Khánh “trắng” bị xóa sổ, trật tự trị an ở khu vực chợ Đồng Xuân, Long Biên đã trở nên tốt hơn bởi các đội dịch vụ bốc vác, xích lô… đã được củng cố lại. Các cấp chính quyền địa phương đã có sự quan tâm đúng mức đến các đội dịch vụ và quản lý họ chặt chẽ. Điều đó chứng minh một cách rõ ràng là, những gì về cái gọi là “sức mạnh” của Khánh “trắng” chỉ là sự thêu dệt không có căn cứ.

(Xem tiếp kỳ sau)