Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đà Nẵng muốn chi ngàn tỷ chuộc sân Chi Lăng: Có trái luật?

Số tiền 1.251 tỷ đồng mà Đà Nẵng dự tính chuộc sân Chi Lăng được cho là không phù hợp với pháp luật hiện hành.

TP Đà Nẵng vừa có công văn xin Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện nghĩa vụ tài chính để mua lại sân vận động Chi Lăng với số tiền 1.251 tỷ đồng.

Đây là tiền sử dụng đất các DN thực nộp vào ngân sách khi chuyển giao sân Chi Lăng vào năm 2010.

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Cao, Giám đốc công ty luật FDVN (Đoàn luật sư Đà Nẵng) cho rằng, mức giá 1.251 tỷ đồng để mua lại sân Chi Lăng là không hợp lý. Bản án đã có hiệu lực thì phải được thi hành để bảo đảm quyền lợi cho bên được thi hành án, tức các ngân hàng đã nhận thế chấp tài sản.

 'Thánh địa' Chi Lăng, niềm tự hào một thời của người dân Đà Nẵng đang mắc kẹt trong đại án Phạm Công Danh

Theo ông, Đà Nẵng đề nghị mua lại sân Chi Lăng với giá 1.251 tỷ động dựa trên số tiền đóng ngân sách trong 8 năm của DN là chưa phù hợp với quy định tại các điều 98, 101 luật Thi hành án dân sự. Giá trị nộp ngân sách nhà nước trong 8 năm không thể là căn cứ để phản ánh giá trị thực tế của các quyền sử dụng đất.

Phải đấu giá

Luật sư Lê Cao phân tích, quyền sử dụng đất thuộc sân vận động Chi Lăng là tài sản các công ty thuộc tập đoàn Thiên Thanh đã thế chấp để vay vốn tại các ngân hàng.

Theo bản án đã tuyên thì các quyền sử dụng đất thuộc sân vận động Chi Lăng là đối tượng thi hành án để thanh toán các khoản vay theo hợp đồng tín dụng.

Nếu người có điều kiện thi hành án mà không thi hành thì bị cưỡng chế theo quy định. Cơ quan thi hành án phải kê biên tài sản để đảm bảo thu hồi các khoản vay theo các hợp đồng tín dụng cho ngân hàng.

Ngay khi kê biên tài sản cơ quan thi hành án phải làm thủ tục để định giá tài sản kê biên. Đây chính là mức giá khởi điểm để bán đấu giá theo quy định.

 Sân Chi Lăng đã xuống cấp nghiêm trọng, trở thành điểm nhếch nhác ở trung tâm Đà Nẵng

Tài sản sau khi kê biên phải được bán theo hình thức thông qua đấu giá hoặc không thông qua đấu giá. Tuy nhiên, trong trường hợp này tài sản kê biên là bất động sản nên buộc phải bán đấu giá theo quy định tại khoản 2, điều 101 luật Thi hành án dân sự.

Ngay sau khi kê biên tài sản, việc xác định giá khởi điểm để đấu giá cũng đã phải dựa trên kết quả định giá theo giá trị thị trường của tổ chức định giá có thẩm quyền (trừ trường hợp các bên thỏa thuận được giá khởi điểm).

“Việc xử lý tài sản kê biên cũng phải thực hiện qua hình thức đấu giá theo nguyên tắc trung thực, công khai, minh bạch, khách quan, đảm bảo tài sản sẽ được bán với đúng giá trị thực tế, đảm bảo công bằng cho các bên tham gia liên quan”, luật sư Lê Cao nói.

Từ các phân tích trên, ông nhận định, mức giá để mua lại sân Chi Lăng được đưa ra là 1.251 tỷ đồng là không hợp lý, cần xem xét thêm đến mức giá thực tế theo thị trường của các quyền sử dụng đất.

Nếu Đà Nẵng có đưa ra một mức giá khác phù hợp với giá thị trường đi nữa thì cũng phải thực hiện tham gia đấu giá theo quy định như những chủ thể khác để đảm bảo đúng nguyên tắc pháp luật. Tài sản phải được bán đấu giá, bên trúng đấu giá để được quyền mua tài sản phải là bên trả giá cao nhất so với giá khởi điểm.

"Việc áp dụng các nguyên tắc của pháp luật hành chính mang tính mệnh lệnh – thi hành để định một mức giá cố định vô hình trung phá vỡ các nguyên tắc vốn có của pháp luật dân sự, ảnh hưởng đến tính độc lập của các cơ quan tư pháp và đương nhiên, quyền lợi của các cá nhân, tổ chức sẽ có thể bị ảnh hưởng”, luật sư Lê Cao.