Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thực hư chuyện bà chúa h.o.a.n.g d.â.m vô độ ở Nghệ An

Tất cả trai tráng đều được bà Chúa chiều lòng nhưng cũng đều lâm vào thảm cảnh “ra đi trai tráng ra về bủng beo”.

Thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, xứ Đàng Ngoài có một bà Quận Chúa “con rơi” của Trịnh Giang, nổi tiếng xinh đẹp và được Chúa hết mực cưng chiều. Thế nhưng người ta biết đến Quận Chúa nhiều không phải vì tài vì mạo, mà lại bởi thói… hoang dâm vô độ của bà, với cái danh đầy hàm tiếu: Bà Chúa Ngựa.

Ám ảnh với câu chuyện kỳ lạ về Bà Chúa Ngựa, chúng tôi tìm về vùng đất cổ Diễn Châu xứ Nghệ. Nắng cuối thu vàng ươm nhưng tiết trời đã bắt đầu se lạnh. Những cánh đồng chiêm dọc theo con sông Bùng trải một màu xám ngoét, trơ gốc rạ xen lẫn những bụi cỏ lác đang thối rữa dần.

Diễn Quảng là một xã nhỏ của huyện Diễn Châu, xưa kia chính là làng Cầu Lửa - Hạnh Kiều thuộc tổng Lý Trai. Đất không rộng, người chẳng đông. Thế nhưng điều kỳ lạ là ruộng đồng của vùng này trải mênh mông bát ngát. Rộng lắm. Tốt lắm. Tương truyền ấy là nhờ ơn của Bà Chúa Ngựa năm xưa.

Chuyện kể rằng vào thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh (1627-1672), Hoan Châu, Diễn Châu chính là vùng hậu phương quan trọng của xứ Đàng Ngoài. Vua tôi Lê - Trịnh thường xuyên thân chinh đến đây để chiêu binh mãi mã, thu thập quân lương, chuẩn bị cho những trận chiến với Đàng Trong.

Chúa Trịnh Giang trong một lần đi thuyền dọc sông Bùng (lúc đó còn là một tuyến thủy lộ quan trọng của triều đình), đến khúc sông gần làng Cầu Lửa Hạnh Kiều thì chợt nghe một giọng ca vút lên trong trẻo: “Một ngày tựa mạn thuyền rồng - Còn hơn tối tối ôm ông hàng dầu”.

Tò mò, Chúa vèn rèm bước ra và kêu thuyền tiến lại gần để xem cho rõ. Ấy là một thôn nữ rất đẹp đang vừa lui cui bắt cáy, vừa hò hát đong đưa ở chỗ mé sông. Người con gái lấm lem kia, chẳng hiểu sao lại khiến Chúa Trịnh không thể nào rời mắt.

Có lẽ chính cái vẻ đẹp khỏe khoắn, xinh tươi và có phần hoang dại của cô đã hớp hồn ông, khác hẳn với thứ mỹ sắc yểu điệu cầu kỳ ở chốn kinh đô mà ông đã chán ngấy. Sau phút giây “đứng hình” ngơ ngẩn, Chúa cho dừng thuyền rồi mời cô gái bước lên.

 Mộ Bà Chúa Ngựa sau khi bị phá hủy đã được tôn tạo lại nhưng khá sơ sài.

Cuộc kỳ ngộ ấy đã khởi đầu cho một chuyện tình. Từ ngày đó, hễ có dịp là Chúa Trịnh Giang lại tìm về làng Cầu Lửa - Hạnh Kiều để vui vầy cùng nàng ái thiếp không chính danh này. Rồi thôn nữ may mắn kia cũng hạ sinh một người con gái, được phong là Quận Chúa, mỹ danh là Trịnh Thị Ngọc Hân.

Ngọc Hân lớn lên, vừa được cha hết mực yêu chiều lại thừa hưởng cái sắc nước hương trời của mẹ, đã nhanh chóng trở thành một vị Quận Chúa danh giá nhất trong vùng, sau đó được gả cho một đại quan họ Trần (có người nói là họ Nguyễn, nhưng hiện nay ở địa phương con cháu họ Trần mới chính là những người đang phụng thờ bà).

Có điều khác với người mẹ đoan chính, Quận Chúa sau một thời gian xuất giá lại bộc phát cái bản tính hoang đàng, hư hỏng của mình, trở thành một người tham dâm vô độ. Bà càng đẹp bao nhiêu thì lại càng đòi hỏi nhục dục mãnh liệt bấy nhiêu. Đến nỗi người chồng cũng trở nên khiếp đảm. Ông đành tìm cách xin đi công cán dài ngày cho khuất mắt.

Từ đó Quận Chúa càng vô tư hưởng lạc. Trong nhà bà cho nuôi rất nhiều đầy tớ nam khỏe mạnh để đêm đêm vào “hầu hạ”. Sau rồi còn gọi cả những tráng đinh nhìn thuận mắt quanh vùng, thậm chí cả những thuộc cấp của chồng cũng chẳng tha.

Quan lại địa phương hóng hớt được sở thích của Quận Chúa bèn cất công tìm kiếm những chàng trai trẻ đẹp, mang đến “bầu bạn” ngày đêm để ton hót, xu nịnh. Rồi những kẻ hám của lạ gần xa, nghe tiếng tăm nên cũng tấp nập đến xin “diện kiến”. Tất cả đều được bà Chúa chiều lòng nhưng cũng đều lâm vào thảm cảnh “ra đi trai tráng ra về bủng beo”.

Chẳng mấy chốc mà tiếng tăm về sắc đẹp và sự dâm đãng của Quận Chúa đã lan ra khắp các vùng quê. Dần dần, người ta không còn gọi bà là Quận Chúa Trịnh Thị Ngọc Hân nữa, mà rúc rích rỉ tai nhau gọi là Bà Chúa Ngựa, với cái ẩn ý là ham hố như loài ngựa.

Rồi những ngày vui của Bà Chúa Ngựa cũng chẳng kéo dài lâu. Chẳng biết có phải vì trác tác vô độ quá hay không mà bà lâm bệnh chết sớm.

Do bà Chúa không có con nên Chúa Trịnh đã giao cho làng Cầu Lửa - Hạnh Kiều phải khói hương thờ phụng, đồng thời ban cho làng này một đặc ân: chờ lúc trời lụt to, nước sông Bùng dâng lên thì đem thóc lép ra đổ trên sông, thóc lép trôi đến đâu thì cho phép cắm sào nhận ruộng đến đó.

Cái ân sủng kỳ quặc này đã khiến người dân các làng kế bên phải một phen hỗn loạn. Họ phải hè nhau đắp bờ ngăn nước, đem gỗ lạt tre nứa ra vây khắp ruộng đồng, ngăn không cho thóc lép của làng Cầu Lửa trôi vào.

Thế nhưng ngăn sao cho xuể. Vậy là cả làng bèn huy già động trẻ lớn bé, gậy gộc giáo mác, quyết sống mái để giữ đất giữ đồng. Xô xát đánh nhau diễn ra khắp nơi, thậm chí có nhiều trường hợp còn trở thành án mạng.

Làng Cầu - Lửa Hạnh Kiều nhờ uy Chúa mà được thêm nhiều đất, nhưng đã vĩnh viễn mất đi mối giao hảo truyền đời với các làng mạc chung quanh. Họ cũng chẳng còn tị hiềm tiếng xấu, xem Bà Chúa Ngựa là ân nhân nên đã dựng đền thờ bà tại Cồn Long.

Ngược lại, người dân các làng khác vốn đã cơ cực vì sưu cao thuế nặng, phu dịch triền miên, nay lại bị cướp ruộng giữa ban ngày nên vô cùng căm giận. Nỗi oán ghét của họ còn tồn tại trong những câu ca dao cho đến tận ngày nay: “Thà rằng chết chém chết đâm – Đừng cho Cầu Lửa Hạnh Lâm vào nhà!”.

Hơn ba trăm năm sau, cái tiếng nhơ của Bà Chúa Ngựa dường như đã được nước của con sông Bùng gột hết. Những người già ở Diễn Quảng vẫn kể chuyện cũ cho con cháu, nhưng lại nhắc nhiều hơn về cái tích “thóc lép trôi đến đâu, cắm sào nhận đất đến đó” chứ hiếm khi lục lại những điều xấu về bà.

Cồn Long xưa nay người ta gọi là Cồn Mả Cấm, nằm ở thôn 2 xã Diễn Quảng. Đền Bà Chúa Ngựa đã bị phá hủy trong chiến tranh, nhưng ngôi mộ của bà thì hiện tại vẫn còn.

Dân địa phương cho biết, khoảng 30 năm trước Cồn Long vẫn còn rất rậm rạp hoang vu với những cây duối (giới) cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cỏ hoang bụi rậm ken dày. Hai ngôi mộ của mẹ con Bà Chúa Ngựa nằm ở giữa cồn, nổi tiếng linh thiêng và đáng sợ.

Đến khoảng năm 2007-2008, Cồn Mả Cấm bị bọn trộm mộ xới tung lên giữa đêm để tìm kiếm “Đồng Đen”, sáng ra người dân còn trông thấy rất nhiều gạch đá cổ bị đập phá nằm vương vãi. Vài năm trước, chính quyền địa phương đã cho phép một hộ dân dùng máy xúc san bằng cả vùng để làm nông nghiệp, mộ của mẹ Bà Chúa Ngựa được di dời đi chỗ khác.

Còn mộ Bà Chúa thì được con cháu họ Trần trong xóm - những người tự nhận là hậu duệ của nhà chồng Bà - góp công góp của, xây bao lên để cho tiện việc khói hương. Hiện dòng họ này cũng đang nỗ lực kêu gọi chính quyền và người dân cùng chung tay để phục dựng lại đền thờ và lăng mộ của Bà Chúa Ngựa.

Những câu chuyện về Bà Chúa lạ lùng thì vẫn chưa kết thúc. Nghe đâu những kẻ đào mộ Bà đều đã gặp tai ương. Còn người đàn ông đã san phẳng Cồn Long thì làm ăn cũng ngày càng lụn bại, mới đầu năm nay còn gặp phải thảm cảnh “bất đắc kỳ tử” trong nhà.