Buồn vui ôn thi học sinh giỏi
- 07:42 03-12-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Áp lực có, thất vọng có, thị phi cũng nhiều nhưng rồi những vất vả, gian nan sẽ qua đi khi thấy học sinh của mình đỗ đạt, nhìn thấy học trò của mình vui tươi, hạnh phúc. Niềm vui của người thầy trực tiếp bồi dưỡng dù chỉ âm thầm nhưng những dư âm hạnh phúc có thể còn được kéo dài nhiều tháng năm sau nữa. Và, quan trọng hơn cả là có thêm động lực để tiếp tục ôn luyện ở các năm học tiếp theo.
Ái ngại, thoái thác
Hiện nay, nhiều giáo viên ở các trường phổ thông khi được phân công bồi dưỡng phong trào học sinh giỏi thì thường ái ngại và tìm cách thoái thác nhiệm vụ này.
Nghĩ đến cùng, họ thoái thác cũng hoàn toàn có lý do của họ bởi ôn thi học sinh giỏi thì đa phần các thầy cô ở các địa phương hiện nay không có quyền lợi gì.
Dù nhiều văn bản hiện hành đều nêu ra quy định bồi dưỡng cho giáo viên nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì chỉ có những trường chuyên, trường trung học phổ thông lớn mới chú trọng phần này.
Số đông còn lại, nhất là các trường trung học cơ sở thì chủ yếu là thầy cô ôn “từ thiện” cho nhà trường, lấy sự trưởng thành của học sinh làm niềm vui cho mình. Vì không có quyền lợi nên giáo viên họ đều tìm lý do để từ chối, thành ra công việc ôn thi học sinh giỏi hiện nay của các trường thường vẫn là các tổ trưởng chuyên môn đảm trách. Và, những cung bậc cảm xúc, những được mất trong quá trình ôn luyện cho học trò của người thầy luôn đan cài nhau…
Những thua thiệt khi mà thầy cô trực tiếp ôn thi học sinh giỏi thì kể không hết. Bởi, ngoài những tiết dạy chính khóa theo quy định được Ban giám hiệu nhà trường phân công thì các thầy cô ôn thi học sinh giỏi phải bố trí thời gian để ôn thi cho các em trong đội tuyển của trường. Trong khi, thời gian ôn thi thường kéo dài ít nhất là 1 học kì nên mỗi năm giáo viên phải dành hàng trăm tiết ôn tập cho các em.
Nếu quy ra tiền theo số tiết chính khóa thì chắc chắn sẽ rất nhiều. Ngoài việc đầu tư thời gian ôn trên lớp, thì người thầy phải bố trí thời gian để thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, kiến thức nâng cao nhằm trang bị cho học trò của mình.
Hàng tuần, các thầy cô còn phải thường xuyên chấm, sửa bài cho học trò để kịp thời uốn nắn những thiếu sót, hạn chế mà các em còn mắc phải. Nếu học sinh không đậu, cũng là lúc người thầy ôn thi học sinh giỏi sẽ bị đem ra mổ xẻ nhiều nhất. Lãnh đạo nhà trường mổ xẻ, góp ý trong các cuộc họp của nhà trường, anh em trong tổ, trong trường đem ra bàn luận, bình phẩm. Người có học sinh đậu thì được khen, ca ngợi hết lời và ở chiều ngược lại, những người không có học sinh đậu cũng bị chê bai hết ý.
Tuy nhiên, ranh giới mong manh giữa đậu và rớt chỉ cách nhau với điểm số nhiều khi rất nhỏ.
Nhiều khi thiếu 0,25 điểm so với điểm chuẩn cũng là rớt, là dở…
Và, dĩ nhiên là nỗi buồn sẽ đeo bám, ám ảnh những thầy cô mãi về sau.
Hàng ngày, thầy- trò gặp nhau cũng ngại, nhiều khi xót xa cho trò và cho cả thân phận mình.
Nơi chúng tôi đang công tác, mỗi năm thi học sinh giỏi, ngành giáo dục chỉ chọn lấy tỉ lệ đậu từ 15-20% thí sinh tham dự. Nói thật, đây là một con số rất nhỏ và cơ hội cho các trường loại 2-3 cũng rất ít. Vì thế, việc học sinh rớt cũng …bình thường nhưng giáo viên luôn phải đối mặt với những thị phi không bình thường từ dư luận xung quanh.
Cơ hội để thầy cô "cháy hết mình"
Nhưng, bên cạnh cái mất thì cái được nhiều nhất của các thầy cô ôn thi học sinh giỏi là kinh nghiệm giảng dạy và tri thức cho mình.
Phải công nhận một điều là tiết dạy học sinh giỏi tốn nhiều công sức nhất nhưng cũng sung sướng nhất, thầy cô được cháy hết mình trước học trò.
Khác với tiết dạy đại trà trên lớp với rất nhiều hoạt động, thủ tục hành chính thì tiết dạy học sinh giỏi là những tiết không phải tuân theo bất kỳ quy tắc hành chính nào.
Mỗi thầy cô chỉ có một vài học trò theo học nên vào lớp là giảng dạy, bồi dưỡng, trao đổi, hướng dẫn không bị bất kỳ ràng buộc nào chi phối.
Điều vui nhất là những em theo lớp học sinh giỏi là những em yêu thích môn học đó nên các em cũng học hết mình.
Các em chăm chú lắng nghe, trao đổi sôi nổi và chủ động trong học tập. Người thầy không cần nhắc nhở, không cần phải mặt nặng mày nhẹ bởi ý thức học tập của các em đều rất tốt.
Những yếu tố cần đó đã giúp cho người thầy cháy hết mình trước học trò. Ngày trò đi thi, những thầy cô cũng theo chân các em đến trường thi, cũng lo lắng, hồi hộp khi đứng chờ ngoài cổng trường. Rồi chờ đợi khi cấp trên công bố kết quả của kỳ thi.
Hạnh phúc sẽ được thăng hoa khi học trò của mình đỗ, được tham dự tiếp ở các kỳ thi cao hơn.
Điều vui nhất là mình không trở thành đề tài bàn tán của nhiều người, được nhìn thấy khuôn mặt rạng ngời của học trò mình ôn, không phải an ủi, động viên khi thấy học trò buồn.
Hiện nay, kì thi học sinh giỏi văn hóa cấp tiểu học đã bỏ, chỉ còn cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Thời gian qua, dư luận cũng đã bàn luận khá nhiều về phong trào thi học sinh giỏi cuối cấp và cũng có nhiều ý kiến mong muốn bỏ kì thi học sinh giỏi.
Tuy nhiên, trong lúc ngành giáo dục vẫn đang duy trì thì có lẽ cũng đã đến lúc lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo ở một số địa phương cần có những quan tâm hơn đến đội ngũ thầy cô giáo đang trực tiếp ôn thi học sinh giỏi ở địa phương mình.
Bởi, một khi mà thầy cô tham gia ôn thi cho học trò không được chi trả chế độ mà nếu học sinh không đậu còn bị tạo áp lực, chịu nhiều điều tiếng thì giáo viên rất khó toàn tâm khi nhận nhiệm vụ này.