Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghị lực 'thép' của cô gái có số phận đầy giông bão

Câu nói của bác sĩ năm 18 tuổi đã khiến cuộc đời Nguyễn Hương Quỳnh (thị trấn Quỳ Hợp, Nghệ An) rẽ sang một con đường khác. Một con đường mà đến nằm mơ thấy ác mộng Quỳnh cũng không thể ngờ.

Những thử thách của số phận

Sinh năm 1987, năm 6 tuổi, sau một trận sốt, Quỳnh bị biến chứng, tay phải của Quỳnh teo lại và nhỏ hơn tai trái. Không chịu khuất phục, từ các sinh hoạt cá nhân đến khi tập viết chữ, Quỳnh dần học cách sử dụng tay trái. Những năm đi học, chữ của Quỳnh đẹp xếp vào tốp nhất nhì của lớp, Quỳnh còn được tín nhiệm giao trọng trách viết báo tường cho lớp.

 Nguyễn Hương Quỳnh 13 năm chống chọi với căn bệnh suy thận độ 3

Những tưởng đó đã là thử thách lớn nhất dành cho Quỳnh, thế nhưng "vận rủi" vẫn bám lấy em. Năm 2005, khi đang là sinh viên Kế toán ngồi trên ghế giảng đường Đại học công nghiệp Hà Nội, Nguyễn Hương Quỳnh đã phải gác lại giấc mơ còn dang dở để chạy thận. Ngày nhận được kết luận từ bác sĩ, Quỳnh không tin nổi vào tai mình, số phận quả thực đã thử thách cô quá nhiều.

Đang ở ngưỡng cửa đẹp nhất của đời người, với bao dự định, ước muốn chưa thực hiện được, Quỳnh đành từ bỏ giảng đường, lớp học để gắn chặt đời mình với bệnh viện. Quỳnh phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống. Cũng từ đây, chuỗi ngày dài đằng đẵng vào Nam ra Bắc để chữa trị của Quỳnh bắt đầu.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, Quỳnh vẫn không nén được xúc động. Hơn 13 năm chiến đấu với bệnh tật, bố mẹ cùng em đã đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Thậm chí, có lần nghe theo lời giới thiệu, hai mẹ con Quỳnh vào Quảng Ngãi trị bệnh bằng thuốc cỏ. Nhưng rồi lần đó, Quỳnh đã phải đối mặt với cái chết cận kề khi cơ thể kháng thuốc, phải cấp cứu tại Bệnh viện TW Huế. Lúc đó, tưởng như sự sống mong manh của Quỳnh sẽ dừng lại, nhưng vì thương con, bố mẹ Quỳnh đưa em ra Hà Nội, quyết níu lấy hi vọng cuối cùng.

Sau 3 giờ trong phòng cấp cứu và nhiều tháng điều trị, Quỳnh trở về từ cõi chết. Những ngày đó, có những tháng dài Quỳnh ăn ngồi, ngủ ngồi, mắt đơ đơ không ngủ được, da bong từng mảng. tay chân không có cảm giác cơ lực, mọi sinh hoạt của bản thân mẹ phải phục vụ. Cuối cùng, bằng nghị lực phi thường, Quỳnh cũng vượt qua được.

Những năm tháng chữa trị, đau nỗi đau thể xác một thì nỗi đau tinh thần của Quỳnh còn lớn hơn nhiều. Quỳnh thương cuộc đời mình lỡ dở, nhìn bạn bè học hành rồi ra trường lập gia đình, còn mình vẫn nằm trong bệnh viện, ngày ngày cần sự chăm sóc của người thân, bất lực mà không làm gì được. Quỳnh thương bố mẹ, việc chữa trị của Quỳnh kéo dài, kinh tế gia đình kiệt quệ, bố mẹ vừa phải mưu sinh vừa phải chăm sóc Quỳnh, chưa kể những kỳ vọng, những ước mong mà ông bà từng đặt vào cô con gái nhỏ, có lẽ giờ đây không còn dám nghĩ đến nữa.

Vượt lên nghịch cảnh, sống có ích

Khi sức khỏe ổn định hơn, sau 3 năm điều trị ở Hà Nội, Quỳnh được chuyển về Vinh điều trị để đỡ tốn kém. Mỗi tuần ba buổi, Quỳnh từ Quỳ Hợp xuống Bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh để chạy thận. Mới đầu, bố mẹ thay nhau đưa đi, đỡ đần, chăm sóc nhưng lâu dần, Quỳnh tự bươn chải kiếm sống và tự lo cho mình. Việc chữa bệnh kéo dài, đã không ít lần chứng kiến những người có bệnh như mình rời xa cõi đời, cũng chứng kiến không ít người vượt lên số phận, cố gắng sống mỗi ngày. Quỳnh luôn tâm niệm “Sống hôm nay là vui rồi, ngày mai tính sau. Sự sống là đáng quý, sống sao cho có ích, có ý nghĩa thì dù chỉ sống có một ngày, cũng đáng sống”.

 Quỳnh (ngoài bên trái) trong một lần làm thiện nguyện tại Trường mầm non Chiu Lưu-Kỳ Sơn

Những ngày sống và chạy thận ở Vinh, Quỳnh bắt đầu tìm việc làm thêm. Do sức khỏe yếu, lại phụ thuộc thời gian điều trị, nên Quỳnh khó lòng kiếm được công việc văn phòng phù hợp. Theo lời bạn bè khuyên nhủ, Quỳnh bắt đầu bán hàng online. Lúc đầu, mọi việc cũng rất khó khăn, khi Quỳnh chưa biết nguồn hàng, chưa quen với việc mời chào khách hàng, bán hàng nhưng được bạn bè giúp đỡ thêm, cùng với sự cố gắng của Quỳnh, mọi việc cũng dần đi vào ổn định.

Mỗi ngày, công việc bán hàng, ship hàng đã kéo Quỳnh đi. Mặc dù bận bịu, nhưng Quỳnh cảm thấy cuộc sống thật có ý nghĩa. Tiền kiếm được chưa nhiều nhưng ngoài tiền ăn, Quỳnh vẫn cố gắng tiết kiệm để góp một phần tiền đỡ đần bố mẹ mua thuốc chữa bệnh. Lo được cho bản thân, Quỳnh lại nghĩ đến những mảnh đời còn nhiều bất hạnh hơn mình.

Sau mỗi lần chạy thận, tranh thủ lúc đi lấy hàng, Quỳnh thu gom đồ đạc, quần áo cũ của bạn bè ở Vinh đưa về Quỳ Hợp, phân loại tìm những hoàn cảnh khó khăn để trao. Quỳnh cũng tham gia hoạt động thiện nguyện với một số đoàn thể ở Vinh, và những lúc sức khỏe cho phép, Quỳnh vẫn tham gia làm thiện nguyện tại các khu vực khó khăn trong tỉnh.

Có thể với những người bình thường, những việc Quỳnh làm thật nhỏ bé. Nhưng với Quỳnh, đó đã là một sự cố gắng của bản thân, của gia đình. Những ngày này, Quỳnh thật bận rộn. Em có rất nhiều suy nghĩ, dự định mới về công việc bán hàng, về những hoạt động thiện nguyện khi đông về, Tết sắp đến.

Dường như những bộn bề đã giúp em quên bớt nỗi đau của những lần chạy thận, để nụ cười luôn thường trực trên môi. Chính nghị lực phi thường, niềm tin yêu cuộc sống đã giúp em chống lại bệnh tật, sống như những đóa hoa, rực rỡ theo cách của riêng mình như lời một bài hát của Tạ Quang Thắng mà em rất thích:

Và rồi tôi nhận ra

Rằng trong trái tim này

Là tình yêu vô bờ

Và đầy ắp ước mơ.

Và rồi tôi nhận ra

Rằng những khó khăn này

Càng làm tôi thêm yêu cuộc đời

Và thắp sáng niềm tin trong tôi

Và tôi sống như đóa hoa này

Tỏa ngát hương thơm cho đời

Sống với nỗi khát khao rằng

Được hiến dâng cho cuộc đời

Hôm nay dẫu có gian nan

Thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn

Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời, riêng tôi.