Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An tích cực kêu gọi vốn đầu tư từ Nhật Bản

Với định hướng ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường nhằm tạo sự phát triển bền vững, Nghệ An đang tích cực xúc tiến, kêu gọi đầu tư từ các nền kinh tế phát triển để đáp ứng nhu cầu về vốn, tiếp thu công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý, trong đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia được chú trọng.

Chủ động xúc tiến đầu tư

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 9 dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 1,078 tỷ USD. Với tiềm năng của một tỉnh có dân số đông, đất đai rộng, giàu tài nguyên khoáng sản, Nghệ An mong muốn sẽ là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư trong thời gian tới.

Nhiều khu công nghiệp hiện đại tại Nghệ An đã và đang hoàn thiện hạ tầng để đón nhà đầu tư. Trong ảnh: Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. 

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Nghệ An do UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch ASEAN - Nhật Bản tổ chức, diễn ra tại Tokyo vào cuối tháng 9/2018, có hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản đã đến tham dự. Khi được biết Nghệ An là quê hương của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, người đã đặt nền móng cho mối quan hệ hai nước Việt Nam - Nhật Bản, được đông đảo người dân Nhật Bản kính trọng, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản càng tỏ ra thiện chí và bày tỏ mong muốn tìm cơ hội đầu tư ở Nghệ An.

Các doanh nghiệp có mặt tại Hội nghị cũng nêu những câu hỏi liên quan đến môi trường đầu tư tại Nghệ An như: chính sách đối với lĩnh vực dệt may, nuôi tôm; khả năng kết nối giao thông của Nghệ An với khu vực, khả năng cung cấp điện - nước phục vụ nhà đầu tư; chính sách thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định lần đầu cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại Nghệ An; quy hoạch ngành chăn nuôi và định hướng thu hút đầu tư vào nông nghiệp tại Nghệ An; vấn đề hỗ trợ đào tạo lao động…

Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Motoakira (Nhật Bản) bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển ngành nuôi trồng thủy sản tại Nghệ An, nhất là các vấn đề về nhân công lao động, quỹ đất và cơ chế, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực này.

“Vấn đề chúng tôi muốn tìm hiểu là người dân ở Nghệ An hiện có sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và có hiểu được tác hại của việc này đối với người tiêu dùng hay không? Hiện nay ở Nghệ An đã có doanh nghiệp chế biến thủy sản chưa, quy mô như thế nào? Nghệ An có nhu cầu để phía doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư đưa khoa học - công nghệ vào lĩnh vực này hay không?”, ông Tanashonare, lãnh đạo Motoakira nêu câu hỏi.

Tất cả những băn khoăn nêu trên đã được lãnh đạo tỉnh Nghệ An trả lời đầy đủ và làm hài lòng các nhà đầu tư Nhật Bản.

Sẵn sàng đón dòng vốn từ Nhật Bản

Nghệ An có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi, là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối từ Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam ra biển Đông. Theo quy hoạch, Nghệ An được xây dựng trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung bộ, là đầu mối giao thương quốc tế quan trọng của vùng với hệ thống giao thông hội tụ đầy đủ đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển.

Là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam, giàu tài nguyên khoáng sản, dân số của Nghệ An gần 3,2 triệu người, lực lượng lao động dồi dào với gần 1,9 triệu người. Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 trường đại học, 11 trường cao đẳng, gần 70 trường trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo nghề. Đặc biệt, Nghệ An đang có các chính sách ưu đãi đầu tư cao, các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được Chính phủ phê duyệt quy hoạch với nhiều cơ chế thông thoáng nhằm tạo động lực phát triển thúc đẩy kinh tế vùng… do đó, các dự án đầu tư tiết kiệm được nhiều chi phí và rút ngắn thời gian thu hồi vốn.

Sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Nghệ An tổ chức tại Tokyo, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ cử đoàn chuyên gia sang Nghệ An khảo sát thực tế để lập dự án đầu tư, trong đó, Tập đoàn Mitsubishi đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất ô tô có công suất giai đoạn đầu 50.000 chiếc/năm tại Khu công nghiệp Đông Hồi (thị xã Hoàng Mai).

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, tính đến thời điểm này, 9 dự án có vốn đầu tư từ Nhật Bản tại Nghệ An đều đang hoạt động hiệu quả. Trong đó, có thể kể đến các dự án như: Nhà máy Chế biến đá trắng Yabashi của Công ty Khai thác đá vôi Yabashi Việt Nam (liên doanh giữa Công ty cổ phần Khoáng sản Nghệ An và Công ty Yabashi, Meiwa); Nhà máy May xuất khẩu của Công ty TNHH MLB Tenergy… Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là quốc gia đã tài trợ 44 dự án ODA tại Nghệ An với tổng mức đầu tư lên đến 6.172 tỷ đồng.

Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An sang Nhật Bản liên tục tăng nhanh. Về giáo dục - đào tạo, trong hai năm 2016 - 2017, tỉnh Nghệ An có 800 học sinh sang Nhật Bản du học, trong đó có 89 em đi theo diện học bổng. Số lượng lao động Nghệ An đang làm việc tại Nhật Bản hiện có khoảng hơn 2.500 người. Cuối năm 2017, lãnh đạo hai doanh nghiệp lớn của Nhật Bản là Tập đoàn Sumitomo và Tập đoàn Sumidenso cũng đã có chuyến sang làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An để tìm hiểu cơ hội đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, may mặc và các lĩnh vực công nghệ cao.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An chia sẻ, tỉnh mong muốn thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp và tổ chức của Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch ốp lát cao cấp, sản xuất các loại vật liệu mới…; các dự án nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, cà phê, cao su, chè… theo hướng thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm; các dự án xây dựng nhà máy chế biến thịt (bò, lợn và gia cầm); nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gắn với công nghiệp phục vụ cho chăn nuôi trên địa bàn; hỗ trợ đào tạo tập huấn cho cán bộ và doanh nghiệp của tỉnh trong việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, môi trường; hợp tác đào tạo với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Nghệ An...

Để đón làn sóng đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản, những năm qua, tỉnh Nghệ An đã quy hoạch xây dựng nhiều khu công nghiệp hiện đại, tiêu biểu như hai khu công nghiệp đẳng cấp quốc tế với hạ tầng hiện đại là: Khu công nghiệp VSIP Nghệ An (liên kết vốn đầu tư giữa nhà đầu tư trong nước và Singapore) và Khu công nghiệp WHA Hemaraj Nghệ An (nhà đầu tư Thái Lan). Đến nay, nhiều khu công nghiệp hiện đại ở Nghệ An đang được hoàn thiện hạ tầng và đã đón nhiều nhà đầu tư vào hoạt động sản xuất.