Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ khách hàng mất 400 triệu: Trách nhiệm của ngân hàng Vietinbank đến đâu?

Tự tay nộp 400 triệu đồng vào Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Yên Bái, nhưng vợ chồng bà Tô Thị Cảnh và ông Đỗ Văn Dũng (thôn Bình Sơn, xã Văn Tiến, TP. Yên Bái) lại không hề nhận được chứng từ, hóa đơn thanh toán từ ngân hàng, bất chấp số tiền đã nằm gọn trong ngân hàng.

Khách hàng "mất" 400 triệu như trở bàn tay 

Theo đơn tố cáo, ngày 5/11/2017, vợ chồng ông Dũng bà Tô Thị Cảnh được một người quen tên Tô Thị Thanh (ở thôn Trung Tâm, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình) giới thiệu bà Lê Thị Trang là nhân viên ngân hàng Vietinbank chi nhánh khu vực ngã ba cầu Dài thành phố Yên Bái để làm thủ tục thế chấp tài sản là sổ đỏ để vay số tiền 500 triệu đồng. 

Chân dung người bị hại Đỗ Văn Dũng làm nghề thu mua giấy vụn. 

Ngày 15/12/2017, bà Trang gọi điện cho ông Dũng nhờ ông cho vay 400 triệu đồng với mục đích đáo nợ cho bà Thanh và hứa, nếu không giải ngân được thì khoảng 1 giờ sau ông Dũng nộp thêm 100 triệu đồng nữa để trả tổng 500 triệu đồng đã vay trước đó, rút sổ đỏ đã thế chấp về.

Vì tin tưởng nhân viên ngân hàng nên vợ chồng ông Dũng đã đồng ý giúp đỡ.

Ông Đỗ Văn Dũng thuật lại: “Tại thời điểm vợ tôi chuyển số tiền vào ngân hàng, cán bộ thu ngân đã không hỏi vợ chồng tôi số tiền này là chuyển vào để nhằm mục đích gì? Không đưa cho vợ tôi bất kỳ hóa đơn, chứng từ gì liên quan đến việc gia đình tôi nộp tiền mà cứ thế cho vào máy đếm rồi cất vào két sắt”.

Sau khi gửi tiền vào ngân hàng, chị Trang (cán bộ quan hệ khách hàng của ngân hàng) hẹn vợ chồng ông Dũng quay lại ngân hàng vào 14h00 chiều cùng ngày để lấy 400 triệu đồng (vừa nộp vào buổi sáng) và nộp thêm 100 triệu đồng để lấy sổ đỏ ra.

Tuy nhiên, khi đến ngân hàng theo lịch hẹn, chị Trang thông báo là do vợ chồng bà Tô Thị Thanh và ông Nguyễn Văn Nghiệp nợ xấu ngân hàng, nên hiện tại ngân hàng không giải ngân để trả lại số tiền 400 triệu đồng cho vợ chồng ông Dũng được nữa. Ông Dũng phải tự tìm gặp vợ chồng bà Thanh để viết giấy vay nợ hộ.

Lúc này, ông Dũng không đồng ý bởi vợ chồng ông chưa bao giờ có bất cứ giao dịch, thỏa thuận vay – mượn tiền gì với vợ chồng bà Thanh - ông Nghiệp. Mọi giao dịch kinh tế, kể cả lúc trao – nhận 400 triệu đồng đều do bà Cảnh tự tay chuyển cho nhân viên thu ngân của ngân hàng.

Bức xúc, ông Dũng đã làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng. Ngày 04/9/2018, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Yên Bái ra thông báo số 71 Thông báo nguồn tin tố giác tội phạm. Theo thông báo này thì Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định không đủ căn cứ để chứng minh bà Lê Thị Trang dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt số tiền 400.000.000 đồng (Bốn trăm triệu đồng) của vợ chồng ông Dũng và ra quyết định không khởi tố vụ án này.

Không thỏa mãn với kết luận của bên Cơ quan CSĐT Công an thành phố Yên Bái, vợ chồng ông Dũng tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng. Ngày 09/10/2018 VKSND thành phố Yên Bái ra quyết định số 725/QĐ-VKSTP-KN về việc giải quyết khiếu nại của ông Dũng đã ra quyết định giữ nguyên Quyết định của Cơ quan CSĐT Công an thành phố Yên Bái.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc, Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: Trong quá trình làm việc của Cơ quan CSĐT Công an thành phố Yên Bái có nhiều sai sót và không thỏa đáng.

Thứ nhất về mặt tố tụng: trong vụ việc này có rất nhiều lời khai mâu thuẫn nhau và cơ quan điều tra phải tiến hành đối chất với những người có liên quan.

Một yếu tố quan trọng là giữa vợ chồng ông Dũng, bà Cảnh không hề có mối quan hệ vay, mượn tài sản với vợ chồng Thanh – Nghiệp. Điều này được thể hiện là hai bên không có giấy tờ vay tài sản hoặc giao dịch bằng lời nói là thể hiện việc vay, mượn tài sản. Vì vậy, trách nhiệm trả lại số tiền 400 triệu đồng cho vợ chồng ông Dũng, bà Cảnh thuộc về ngân hàng.

Cũng theo luật sư An, kết luận và thông báo của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra TP Yên Bái đưa ra suy luận, lập luận không cùng một tiền đề, không có mối liên hệ logic, lập luận theo kiểu áp đặt, quy chụp. Cụ thể:

Tiền đề A: Chị Cảnh là người nộp tiền vào ngân hàng. Tiền đề B: Ngân hàng là người nhận tiền chị Cảnh. Kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra: Mục đích chị Cảnh nộp tiền đáo nợ cho vợ, chồng Thanh - Nghiệp.

Theo ông An, kết luận trên là không đúng theo quy tắc tam đoạn luận. Bởi lẽ giữa tiền đề A và tiền đề B là trên cơ sở có cùng nội hàm với nhau. Trong khi đó kết luận lại đưa ra một vấn đề không có liên quan gì và không có mối liện hệ gì đến hai tiền đề ban đầu”.

Bên cạnh đó, việc ngân hàng Vietinbank chi nhánh Yên Bái thu tiền không có hóa đơn, chứng từ là vi phạm nghiêm trọng về quy trình nghiệp vụ giao dịch tiền mặt.

Ngân hàng Vietinbank không thể ngoài cuộc

Ngày 12/9/2018, ông Dũng đã làm đơn khiếu nại đến Ngân hàng Viettinbank – Chi nhánh Yên Bái để yêu cầu Ngân hàng trả lại số tiền trên.

Trong đơn ông Dũng nêu rõ, theo đúng quy trình nghiệp vụ từ ngân hàng thì khi khách hàng gửi tiền nhân viên ngân hàng phải thông qua 3 bước: Bước 1: Nhận, kiểm tra, phê duyệt giao dịch xuất tiền trên hệ thống. Bước 2: Kiểm tra thông tin cập nhật trên hệ thống. Bước 3: Ký/chuyển chứng từ cho bên giao tiền.

Tuy nhiên, nhân viên thu ngân Bùi Quỳnh Trang – Người của pháp nhân Viettinbank – Chi nhánh Yên Bái đã không thực hiện theo đúng quy trình trên khi mà vợ của ông Dũng là bà Tô Thị Cảnh thực hiện tại quầy giao dịch mà không có bất kỳ chứng từ giao dịch nào là vi phạm nghiêm trọng về quy trình nghiệp vụ. Vì thế, ông Dũng khẳng định số tiền mà vợ ông chuyển vào Ngân hàng thì ngân hàng phải có nghĩa vụ trả lại.

 

Mặt khác, qua Camera mà Cơ quan cảnh sát điều tra đã trích xuất tại phòng giao dịch, kết hợp với kết luận giám định hình ảnh của C54/P6, Cơ quan cảnh sát điều tra xác nhận chị Tô Thị Cảnh đã nộp tiền vào ngân hàng và có nhân viên thu ngân. Vậy hiện nay số tiền này đang nằm ở đâu??? Câu trả lời đã quá rõ ràng là “Số tiền này đang nằm trong Ngân hàng Viettinbank chi nhánh Yên Bái”.

Việc Ngân hàng tự động chuyển số tiền đó cho người được thụ hưởng là ông Nguyễn Văn Nghiệp và bà Tô Thị Thanh là trái với quy định của pháp luật. Trách nhiệm đó thuộc về ngân hàng Viettinbank – Chi nhánh Yên Bái chứ không phải trách nhiệm của vợ, chồng ông Nguyễn Văn Nghiệp và bà Tô Thị Thanh.

Ông Dũng cũng khẳng định, giữa vợ chồng ông với vợ chồng Thanh - Ngiệp không có mối quan hệ vay, mượn tài sản. Điều này được thể hiện là hai bên không có giấy, tờ vay tài sản hoặc giao dịch bằng lời nói, thư điện tử là thể hiện việc cho vay tài sản (Kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã khẳng định việc này).

 Thông báo về các khoản nợ gốc, lãi phạt của ngân hàng.

Theo chia sẻ của ông Đỗ Văn Dũng, từ ngày xảy ra sự việc đến nay đã hơn 1 năm nhưng toàn bộ tiền lãi ngân hàng vợ chồng ông điều phải đóng hàng tháng. Có tháng chỉ chậm vài ngày nhưng ông đã bị phạt với mức lãi xuất trả chậm rất cao.

"Trong thời gian qua, tiền thì mất, lãi vẫn phải đóng hàng tháng trong khi hai vợ chồng chỉ làm nghề tự đi mua và thu mua giấy vụn khiến cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn. Điều tôi mong muốn nhất tới thời điểm hiện tại là lấy lại được tiền để yên tâm làm ăn nuôi sống gia đình", ông Dũng nói.

Về vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong kỳ tiếp theo!