Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những 'đám mây đen' phủ bóng Thượng đỉnh G20

Các nhà lãnh đạo thế giới đang tập trung tại Argentina để họp hội nghị thường niên của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu (G20) giữa thời điểm Nga-Ukraina bùng nổ căng thẳng và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng nghiêm trọng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy cuộc gặp dự kiến với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị, để phản đối Moscow bắt giữ ba tàu hải quân của Ukraina trên Biển Đen hôm 25/11.

 Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở thủ đô Argentina trong 2 ngày 30/11 và 1/12.

Theo hãng tin BBC, hy vọng về những bước tiến tích cực về thuế quan đạt được trong cuộc hội đàm giữa ông Trump và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng trở nên mờ mịt. Cuộc chiến thương mại giữa hai nước thậm chí còn tiếp tục leo thang.

Hội nghị ở thủ đô Buenos Aires cũng được đánh giá là phép thử ngoại giao đối với Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman trong bối cảnh đang có nhiều nghi ngờ về vai trò của chính quyền nước này trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi ở Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước.

Hôm 25/11, Moscow đã bắt giữ 3 tàu cùng 23 thủy thủ Ukraina ở Eo biển Kerch nối Biển Đen với Biển Azov, viện dẫn họ tiến trái phép vào lãnh hải Nga. Tổng thống Trump thông báo sẽ không gặp người đồng cấp Nga vì thực tế các tàu và thủy thủ Ukraina vẫn chưa được trở về".

Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Putin nói Moscow lấy làm tiếc về quyết định đột ngột của ông Trump. Tuy nhiên, trong phản ứng ban đầu, Peskov nói rằng "nếu như vậy thì Tổng thống Putin sẽ có thêm vài giờ trong chương trình cho các cuộc gặp hữu ích bên lề hội nghị".

Thủ tướng Đức Angela Merkel quy "toàn bộ trách nhiệm" cho Nga về cuộc khủng hoảng ở Eo biển Kerch. Bà cho biết sẽ nêu ra vấn đề này với ông Putin. Nữ Thủ tướng đã không tới Buenos Aires kịp phiên khai mạc hội nghị vì máy bay của bà bị trục trặc kỹ thuật nên phải hạ cánh khẩn cấp ở Cologne.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố các mức thuế hiện thời đánh vào 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên như đã định. Ông còn dọa áp thuế lên 267 tỷ USD các mặt hàng khác mà Trung Quốc xuất sang Mỹ.

Tính từ tháng 7, Mỹ đã đánh thuế lên lượng hàng Trung Quốc trị giá tổng cộng 250 tỷ USD. Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế lên 110 tỷ USD các sản phẩm Mỹ.

"Tôi nghĩ viễn cảnh có thể nhất là [Chủ tịch Trung Quốc] Tập Cận Bình không đưa ra đủ nhượng bộ trước ông Trump, và như vậy sẽ không có gì nhiều từ hội nghị G20", BBC dẫn lời Julian Evans-Pritchard thuộc hãng tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics.

Trong khi đó, làn sóng lên án của cộng đồng quốc tế về vụ giết hại nhà báo Khashoggi bên trong lãnh sự quán Ảrập Xêút ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ lại dấy lên vào ngày 29/11 khi Canada ra đòn trừng phạt đối với 17 công dân Ảrập Xêút được cho là liên quan đến án mạng này.

Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà sẽ gặp Thái tử Mohammed bin Salman và đưa ra một thông điệp "rất rõ ràng".

"Liên quan đến ông Khashoggi, chúng tôi muốn thấy một cuộc điều tra đầy đủ và minh bạch về những gì đã xảy ra và những người chịu trách nhiệm phải bị xét xử", bà May nói.

 Argentina triển khai một chiến dịch an ninh lớn để bảo vệ hội nghị. (Ảnh: Reuters)

Nhóm G20 bao gồm 19 nền kinh tế phát triển nhất thế giới gồm Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Ảrập Xêút, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ, và Liên minh châu Âu (EU). Trọng tâm của hội nghị kéo dài 2 ngày tại Buenos Aires là "sự phát triển công bằng và bền vững".

Hội nghị G20 năm ngoái diễn ra ở thành phố Hamburg, Đức, bị phủ bóng bởi một loạt các cuộc biểu tình bạo lực. Năm nay, Argentina triển khai một chiến dịch an ninh lớn để bảo vệ hội nghị.