Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hé lộ nguyên nhân rơi máy bay ở Indonesia

Dữ liệu từ hộp đen của chiếc máy bay Indonesia chở 189 người rơi xuống biển Java hôm 29-10 cho thấy các phi công đã phải nỗ lực hết sức để cứu máy bay ngay từ thời điểm cất cánh.

Lúc đó, mũi của chiếc Boeing 737 này liên tục chúi xuống, hình như là do một hệ thống tự động nhận được các chỉ số cảm biến không chính xác.

Thông tin trên, trích xuất từ hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay, được các nhà điều tra đưa vào bản báo cáo sơ bộ và dự kiến công bố trong ngày 28-11. Đây được xem là dữ liệu miêu tả cuộc vật lộn quyết liệt giữa người và máy trong khi mũi máy bay chúi xuống hơn 20 lần trong vòng 11 phút bay.

 Ông Soerjanto Tjahjono, Chủ tịch Ủy ban An toàn Vận tải quốc gia Indonesia, phát biểu với báo giới. Ảnh: REUTERS

Các phi công đã phải liên tục nâng mũi máy bay lên cho đến khi mất quyền kiểm soát và chuyến bay JT610 của Hãng hàng không Lion Air đã lao xuống biển với tốc độ 724 km/giờ, khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng.

Dữ liệu hộp đen như nêu trên phù hợp với giả thuyết đã được các nhà điều tra tập trung chú ý: Hệ thống máy tính hóa được cài đặt trên máy bay Boeing 737 thế hệ mới nhất để ngăn ngừa mũi máy bay ngóc lên quá cao và gây ra tình trạng chòng chành đã khiến mũi máy bay chúi xuống do thông tin sai lệch hệ thống này nhận được từ các bộ cảm biến trên thân máy bay.

Sau vụ rơi máy bay gây chấn động này, giới phi công đã tỏ ra lo lắng rằng họ không được cung cấp thông tin đầy đủ về hệ thống trên máy bay Boeing mới và nó sẽ buộc họ phải có phản ứng khác ra sao trong trường hợp khẩn cấp như đã xảy ra với phi hành đoàn trên chiếc máy bay gặp nạn của Hãng Lion Air vừa qua.

Trong tuyên bố hôm 27-11, Hãng Boeing nhấn mạnh không thể bàn luận gì về vụ máy bay rơi trong khi cuộc điều tra đang diễn ra. Tuy nhiên, Boeing lặp lại rằng "phản ứng thích hợp của phi hành đoàn trước tình trạng mất kiểm soát, bất kể vì lý do gì, đều có trong các thủ tục vận hành hiện hành".

Ngoài ra, một bản miêu tả đầy đủ hơn các vấn đề xảy ra với các bộ cảm biến trên thân máy bay dự kiến cũng nằm trong bản báo cáo của các nhà điều tra về tai nạn máy bay kinh hoàng này.

Thế nhưng, các nhà điều tra tiết lộ một trong các bộ cảm biến đó đã được thay trước chuyến bay cuối cùng một chuyến sau khi máy bay trải qua sự cố đọc dữ liệu.

Cơ trưởng Nurcahyo Utomo, người đứng đầu cuộc điều tra tai nạn máy bay, thừa nhận: "Các phi công trên chuyến bay đó đã phải nỗ lực chiến đấu liên tục cho đến khi kết thúc chuyến bay".