Những ngành nghề có nguy cơ mắc ung thư cao nhất
- 10:27 28-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Cheatsheet, Hiệp hội ung thư Mỹ cho biết ngày nay các quy định về an toàn lao động được gia tăng, tỷ lệ người mắc ung thư có liên quan đến môi trường làm việc giảm đáng kể. Chỉ khoảng 4% bệnh nhân ung thư ở Mỹ được xác định nguyên nhân do môi trường làm việc. Tuy nhiên, những chất gây ung thư có thể tồn tại trong cơ thể đến hàng thập kỷ. Chính vì thế, những người làm việc trong các ngành công nghiệp cách đây 40 năm có thể chưa nhận thấy rõ hậu quả khi tiếp xúc với những chất độc nhất định.
Những nghề nghiệp sau có thể dẫn tới ung thư:
Sản xuất cao su
Cao su được tạo ra từ vô số hóa chất, nhân công thường xuyên phải tiếp xúc với khí thải, khói bụi và các sản phẩm phụ gia hóa học. Những độc tố này hấp thụ vào cơ thể thông qua da và qua việc hít thở, gây rủi ro nghiêm trọng tới sức khỏe. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, công việc sản xuất cao su có nguy cơ cao mắc các bệnh như ung thư bàng quang, ung thư phổi, ung thư bạch cầu.
Làm nông nghiệp
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Australia kết luận nông nghiệp là một trong 5 ngành nghề hàng đầu gây ung thư do người lao động thường xuyên tiếp xúc với chất thải, thuốc trừ sâu, phân bón... Đặc biệt, phụ nữ làm việc trong ngành nông nghiệp có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn khoảng 35% những nghề khác, trong đó nguy cơ ung thư phổi cao hơn do tiếp xúc với hóa chất công nghiệp, khói thuốc.
Khai thác mỏ
Không chỉ tiếp xúc với amiăng, các thợ mỏ cũng bị ảnh hưởng bởi chất urani và radon. Đây là chất không màu, không mùi, tồn tại ở dạng khí, có khả năng gây ung thư. Các bệnh ung thư thường gặp bao gồm ung thư não, ung thư trung biểu mô, ung thư dạ dày. Ngay cả khi cơ thể không hút thuốc lá, công nhân khai thác mỏ thường xuyên tiếp xúc với diesel, một loại nhiên liệu đốt trong, nguy cơ dẫn đến phát triển ung thư phổi cao hơn.
Ảnh: Howstuffworks |
Thợ làm tóc
Thuốc nhuộm tóc và hóa chất tạo kiểu tóc chứa phẩm màu, có khả năng gây ung thư. Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, những người làm công việc này có tỷ lệ ung thư bàng quang, thanh quản và ung thư phổi cao do phơi nhiễm nhiều lần với hóa chất thuốc nhuộm trong thời gian dài.
Cơ khí
Cơ khí là công việc mà người lao động thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn dày đặc, trong đó sợi amiăng - tên gọi chung của loại sợi khoáng silicat - là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư. Amiăng dùng phổ biến trong công nghiệp xây dựng để cách nhiệt, cách điện, cách âm, má phanh, đóng tàu thủy... Amiăng còn được sử dụng trong công nghệ quốc phòng, du hành vũ trụ, nhà máy điện hạt nhân.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy amiăng có nguy cơ gây bệnh rất cao dù với mức độ tiếp xúc thấp. Người tiếp xúc với amiăng thường phát bệnh sau 20-30 năm, nên đến khi nghỉ hưu mới bệnh. Nhà dùng nhiều tấm lợp amiăng xi măng cũng có hại bởi không phát hiện sợi bụi amiăng phát tán trong không khí.
Ngoài amiăng, người làm về các lĩnh vực cơ học tiếp xúc với xăng dầu cũng dễ mắc ung thư. Xăng chứa benzen, là nguyên nhân gây ra một số bệnh ung thư, chẳng hạn như bệnh bạch cầu.
Thợ làm móng
Một số nghiên cứu cho thấy thợ làm móng bị mắc nhiều bệnh bao gồm các vấn đề về hô hấp, da và có nguy cơ ung thư. Nguyên nhân do tiếp xúc quá nhiều với hóa chất được dùng làm sạch móng, sơn móng và nối móng.
Trong tất cả các hóa chất đó, formalin (được sử dụng để làm cứng móng tay) và titanium dioxide (được sử dụng trong các chất đánh bóng và làm móng tay nhân tạo) là hai chất nguy hiểm nhất. Các chuyên gia khuyến cáo thợ làm móng nên đeo khẩu trang, mặt nạ và có chế độ thông gió tốt tại các cửa hàng, vừa bảo vệ bản thân vừa bảo vệ môi trường xung quanh.
Gia công kim loại
Tương tự các chất độc trong sản xuất nhựa, thợ hàn hoặc công việc liên quan đến kim loại phải đối mặt với bệnh ung thư thận và ung thư thanh quản do hít phải khí độc trong quá trình lao động. Đặc biệt, phụ nữ ngành này có nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn 75%, theo báo cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ
Phi công
Phi hành đoàn bay có nguy cơ mắc ung thư cao hơn người bình thường, điển hình nhất là ung thư da. Các nghiên cứu cho thấy phi hành đoàn bay nhiều sẽ tiếp xúc với bức xạ tia cực tím nhiều hơn, làm gia tăng tỷ lệ mắc ung thư.
Công việc căng thẳng
Theo các nhà khoa học, công việc khiến bạn lo lắng và mất ngủ vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Một nghiên cứu cho thấy một số bệnh ung thư có liên quan đến căng thẳng kéo dài ở nam giới trong vòng vài chục năm như ung thư phổi, trực tràng, dạ dày và ruột kết.