Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cảnh cưỡng hiếp tai tiếng phá hủy cuộc đời diễn viên nữ như thế nào?

Diễn viên xinh đẹp Maria Schneider cảm thấy bị chà đạp, cưỡng bức và trầm cảm sau khi phải đóng cảnh sex ngoài ý muốn trong "Last Tango in Paris" của đạo diễn Bernardo Bertolucci.

Sau Last Tango in Paris, sự nghiệp của cả đạo diễn Bernardo Bertolucci và nam diễn viên chính Marlon Brando đều khởi sắc. Họ được coi như những huyền thoại điện ảnh. Nhưng nữ diễn viên chính Maria Schneider, dù về sau đóng hàng chục phim, mãi mãi được biết đến với cái danh "cô gái bị cưỡng hiếp trong Last Tango in Paris".

Ký ức về bộ phim cũng để lại cho cô nỗi ám ảnh nặng nề mà Schneider đã cố gắng lên tiếng nhưng hầu như không ai quan tâm. Cô qua đời năm 2011 ở tuổi 58. Và dư luận chỉ giật mình, hối hận khi chính đạo diễn Bertolucci xác nhận câu chuyện vào năm 2016.

Bertolucci, một nhà làm phim vĩ đại, vừa qua đời vào hôm nay (26/11), nhưng tiết lộ này khiến tên tuổi ông dính một vết nhơ khó rửa.

Cảnh quay không có trong kịch bản

Cuộc đời Maria Schneider chỉ kéo dài vỏn vẹn 58 năm. Nữ diễn viên đã đóng 50 phim điện ảnh và truyền hình nhưng người ta chẳng nhớ gì nhiều về cô ngoài vai diễn trong Last Tango in Paris (Bản tango cuối cùng ở Paris). Đặc biệt là cảnh phim đó.

Bộ phim năm 1972 của đạo diễn Bernardo Bertolucci là một trong những tác phẩm tranh cãi bậc nhất lịch sử, chủ yếu vì cảnh phim tai tiếng, trong đó nhân vật của Marlon Brando dùng bơ làm chất bôi trơn để cưỡng hiếp nhân vật của Schneider.

Khi đóng phim này, Brando 48 tuổi và là một ngôi sao hàng đầu Hollywood, đạo diễn Bertolucci 31 tuổi nhưng đã thành danh từ khi còn rất trẻ. Còn Schneider 19 tuổi và là diễn viên Pháp vô danh.

Bộ phim mang về đề cử Oscar cho cả Brando lẫn Bertolucci, cũng như đưa tên tuổi Schneider đến với khán giả quốc tế. Nhưng theo nữ diễn viên, trong khi 2 người đàn ông kiếm "cả gia tài" từ bộ phim, cô lại chỉ được trả rất ít tiền.

Năm 2016, một đoạn video quay Bertolucci nói về cảnh phim gây sốc trên được công bố, khiến dư luận dậy sóng. Vị đạo diễn thừa nhận Maria Schneider chưa bao giờ được thông báo về việc nhân vật sẽ bị cưỡng hiếp và bơ được dùng để bôi trơn.

Ông tiết lộ đó là ý tưởng do ông và Brando cùng nảy ra vào buổi sáng ngày quay phim. Cảnh này không hề có trong kịch bản. Để bảo vệ ý tưởng của mình, Bertolucci giải thích vì ông "muốn phản ứng của một cô gái chứ không phải của một nữ diễn viên".

Ông không hối hận vì quyết định đó.

Đạo diễn Bernardo Bertolucci chỉ đạo diễn xuất cho 2 diễn viên chính. Ảnh: The Guardian. 

Nhưng dư luận thì sục sôi vì ghê tởm và sốc. Thực chất, đây là một thông tin không mới. Chính Schneider đã lên tiếng vào năm 2007 khi kể với Daily Mail cảm giác của cô. Nữ diễn viên nói cô cảm thấy bị xâm hại bởi những gì đã xảy ra.

Biểu tượng tình dục bất đắc dĩ

Schneider kể: "Họ chỉ nói với tôi ngay trước cảnh quay đó và tôi rất giận dữ. Đáng ra tôi phải gọi cho người quản lý hoặc luật sư để họ đến hiện trường, vì người ta không thể ép tôi làm một thứ không có trong kịch bản. Nhưng ở thời đó, tôi không biết mình có quyền làm như vậy".

"Marlon trấn an tôi rằng: 'Maria, đừng lo, chỉ là phim ảnh thôi'. Nhưng trong cảnh đó, dù anh ta không thực sự cưỡng hiếp, tôi đã khóc thật sự. Tôi thấy bị chà đạp và thật lòng, tôi thấy bị cưỡng hiếp bởi Marlon và cả Bertolucci", cô khẳng định.

"Sau cảnh đó, Marlon không khuyên nhủ gì và cũng không xin lỗi tôi. Thật may mắn, cảnh đó chỉ phải quay một lần", cô nhớ lại.

Sau bộ phim, Maria Schneider bị coi như biểu tượng tình dục. Ảnh: The Independent. 

Sau bộ phim, Brando và Bertolucci được đề cử cũng như nhận nhiều giải thưởng, tên tuổi hoàn toàn được nâng tầm. Còn Schneider, dù nổi tiếng hơn trước, nhưng tên tuổi lại bị hủy hoại nghiêm trọng.

Khán giả chỉ coi cô như một biểu tượng tình dục do đóng nhiều cảnh nóng mang tính khiêu dâm trong phim, chứ không coi cô như diễn viên nghiêm túc.

Ở tuổi 20, cô bị đối xử như một biểu tượng tình dục. Vì tác động của Last Tango in Paris và sự chững lại của sự nghiệp, Schneider mắc chứng trầm cảm, sa vào ma túy và từng có hành vi tự tử. Cô cũng không bao giờ đóng cảnh khỏa thân nữa vì bị ám ảnh tâm lý.

Điều đáng nói là sự câm lặng vô hình của phụ nữ trong trường hợp nhạy cảm này. Điều này đã được chứng minh nhiều lần và trường hợp của Schneider có thể coi là điển hình.

Cô đã lên tiếng từ cả thập kỷ trước nhưng hầu như bị thờ ơ. Chỉ đến khi Bertolucci tự thừa nhận (và ông vẫn nghĩ mình không hề làm gì sai) thì dư luận mới coi đây là vấn đề đáng quan tâm.