Siêu thị Lotte Mart bị mạo danh lừa đảo hàng tỷ đồng
- 13:42 27-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mệt mỏi sau nửa ngày bắt xe đò từ huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) lên TP.HCM để làm đơn tố cáo kẻ giả danh nhân viên của siêu thị Lotte Mart lừa đảo, chiếm đoạt 5,5 tỉ đồng, chị Ngô Thị K. ( 47 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) mếu máo trình bày lại sự việc.
Theo đó, giữa năm 2016, các chủ vựa trái cây ở Tiền Giang, Bến Tre xôn xao khi thấy Nguyễn Tường Vi (29 tuổi, ngụ tại quận 8, TP.HCM) tự xưng là cán bộ của Công ty TNHH Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam (siêu thị Lotte Mart) về tìm đối tác cung cấp trái cây cho siêu thị. Sau đó, vựa trái cây của chị K. được Vi tin tưởng lựa chọn là nhà cung cấp.
Nạn nhân Ngô Thị K. |
Để tạo lòng tin, Vi dẫn theo một người tên là Nguyễn Hoàng Huân và giới thiệu là Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam tới gặp và làm việc với chị K. Sau khi trao đổi, hai bên thống nhất ký “Hợp đồng cung ứng trái cây xuất nhập khẩu”.
Sau đó, Vi yêu cầu chị K. phải đặt cọc cho Lotte Mart 600 triệu đồng với lý do đảm bảo chất lượng cho sản phẩm mà chị K. cung cấp cho siêu thị.
Sau khi ký các hợp đồng và đặt cọc, Vi yêu cầu giao hàng theo địa chỉ cung cấp tại chợ đầu mối Thủ Đức và tại địa chỉ thường trú của Vi. Việc thanh toán được thực hiện theo hình thức lấy hàng trước và trả tiền vào đợt giao hàng tiếp theo.
Tuy nhiên, mỗi lần thanh toán, Vi chỉ trả khoảng 30% - 60% so với giá trị từng đơn hàng. Có lần, chị ta còn lập hẳn ủy nhiệm chi của Lotte Mart để thanh toán cho chị K.
Hơn nửa năm mua hàng trả tiền “nhỏ giọt”, tổng số tiền mà Vi thiếu nợ chị K. lên tới 6,5 tỉ đồng. Sốt ruột, chị K. liên tục thúc nợ, Vi mới trả được cho chị 1 tỉ đồng. Trước hành vi mờ ám của Vi, chị K. thấy nghi ngờ nên đã tìm đến Lotte Mart tại quận 7, TP.HCM thì tá hỏa khi siêu thị này cho hay: Vi và Huân không phải là nhân viên tại đây. Các hợp đồng và con dấu của Lotte Mart đều bị 2 đối tượng này giả mạo.
Qua tìm hiểu, chị K. biết thêm thông tin, sau khi mua trái cây của chị, Vi mang bán lại cho các tiệm, đại lý trái cây trên địa bàn TP.HCM thấp hơn rất nhiều so với giá nhập.
Theo chị K., để có tiền nhập trái cây về cung cấp cho Vi, chị đã phải đi vay ngân hàng và vay “nóng” bên ngoài. Khi sự việc đổ bể, vựa trái cây của chị đã bị những người cho vay nặng lãi tới siết nợ.
Hơn nửa năm trời công việc kinh doanh bị đình trệ, chị K lang thang khắp nơi tìm kẻ lừa đảo để đòi nợ nhưng Vi vẫn “bặt tăm”. Hiện chị K. đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Nguyễn Tường Vi tới cơ quan công an.
Trả lời về vụ việc, ông Vũ Xuân Yên, Trưởng phòng pháp chế Lotte Mart Việt Nam cho hay, sau khi nhận được thông tin của chị K., Lotte Mart đã có thông cáo để cảnh báo các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức cung cấp hàng cho Lotte Mart.
Theo đó, nếu có giao dịch, hợp tác với Lotte Mart đều thực hiện giao dịch tại văn phòng chính và được sự chỉ đạo, có ủy quyền của người có chức năng trực tiếp làm việc chứ không giao dịch tại quán cà phê hay bất kỳ nơi đâu.
“Từ trước đến này, chúng tôi chưa bao giờ đề nghị bên nhà cung cấp, giao hàng phải đối ứng, đặt cọc cho Lotte Mart phải đặt cọc tiền hay bất kỳ tài sản nào có giá trị”, ông Yên khẳng định.