Cường đô la 'dứt áo' ra đi, công ty ‘bay’ hơn 400 tỷ giữa cơn nợ đầm đìa
- 13:09 27-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chỉ 11 ngày sau thông tin ông Nguyễn Quốc Cường (tức Cường đô la) từ nhiệm mọi chức vụ (bao gồm thành viên HĐQT và Phó Tổng Giám đốc) tại Công ty Cổ phẩn Quốc Cường Gia Lai (mã CK: QCG), cổ phiếu QCG của công ty này liên tục giảm mạnh. Tại thời điểm ngày 6/11, QCG có dấu hiệu nhích nhẹ từ mốc 6,88 nghìn đồng lên 7,04 nghìn đồng/cp thì ngay sau tin tức ông Cường dứt áo ra đi, giá QCG quay đầu giảm mạnh.
Chưa hết, từ mốc 7,04 nghìn đồng/cp ngày 16/11, đến nay sau 11 ngày, cổ phiếu QCG hiện chỉ giao dịch quanh mốc 5,5 nghìn đồng/cp. Với khối lượng niêm yết trên sàn là 275.129.310, vốn hóa thị trường của QCG đã “bay” mất hơn 400 tỷ đồng kể từ thời điểm ông Cường từ nhiệm.
Ông Nguyễn Quốc Cường (tức Cường đô la). |
Diễn biến xấu về giá cổ phiếu khiến tài sản vốn “teo tóp” của ba mẹ con bà Nguyễn Thị Như Loan, ông Cường, Nguyễn Ngọc Huyền My – em gái ông Cường – tiếp tục hao hụt.
Mới đầu tháng, số tài sản trên sàn của bà Nguyễn Thị Như Loan còn là 754 tỷ đồng thì nay đã giảm xuống 618 tỷ đồng, giảm 136 tỷ đồng.
Cùng thời điểm đầu tháng, Nguyễn Ngọc Huyền My có trong tay 290,7 tỷ đồng thì nay cũng bị “bay” mất gần 70 tỷ đồng, chỉ còn 222 tỷ đồng.
Bản thân ông Nguyễn Quốc Cường cũng chứng kiến tài sản của mình tiếp tục sụt giảm, từ mức hơn 4 tỷ đồng xuống chỉ còn 3 tỷ đồng.
Trước đó, cuối giờ chiều ngày 16/11, QCG bất ngờ công bố quyết định miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT và Phó Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Quốc Cường. Nguyên nhân từ nhiệm của ông Cường vẫn là lý do cá nhân.
Điều đáng nói, sự rút lui của ông Cường diễn ra trong thời điểm khá nhạy cảm liên quan đến lùm xùm mua đất tại Phước Kiến, TP.HCM. Liên quan đến lùm xùm này, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.
Trước đó, tháng 5/2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang chấp thuận chủ trương chuyển nhượng đất đã đền bù của Công ty Tân Thuận và chấp thuận chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định của pháp luật, không báo cáo Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy trước khi quyết định. Thiếu kiểm tra việc thực hiện các kết luận chỉ đạo của mình, việc chuyển nhượng theo Hợp đồng 203/HĐKT/2017 có nguy cơ gây thất thoát lớn cho Đảng bộ Thành phố.
Bên cạnh đó, QCG cũng đang trong tình trang kinh doanh vô cùng tồi tệ. Trong quý 3/2018, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp chỉ đạt hơn 1,2 tỷ đồng, giảm hơn 130 lần so với cùng kỳ năm trước (hơn 165 tỷ đồng). Con số lợi nhuận trên nếu đem so với số vốn chủ sở hữu trên 4.000 tỷ và tổng tài sản hơn 12 nghìn tỷ đồng thì vô cùng ít ỏi. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty quý 3 đạt 82,45 tỷ đồng, giảm so với con số 117,56 cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động tài chính “lao dốc không phanh", từ mốc 201,43 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống còn 1,60 tỷ đồng quý 3 năm nay. Tính chung cả năm, doanh thu từ hoạt động tài chính chỉ đạt con số ít ỏi 3,66 tỷ đồng, giảm 112 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của QCG chỉ đạt 44,48 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoài. Lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái của QCG đạt 394,24 tỷ đồng.
Đáng chú ý, QCG vẫn có khoản nợ phải trả lên tới 8,37 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 7,91 nghìn tỷ (chiếm 94,5%) và nợ dài hạn 460 tỷ đồng.
Hiện Quốc Cường Gia Lai cũng đang “gặp khó” trong việc vay vốn khi không được các ngân hàng ủng hộ do lo ngại về thành công của các dự án. Do đó, bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch HĐQT phải tính đến chuyện đi vay của các cá nhân từ người thân đến bạn bè.
Tính đến cuối tháng 9 vừa rồi, Quốc Cường Gia Lai đang vay mượn khoảng 1.437 tỷ đồng từ các cá nhân, trong đó riêng bà Nguyễn Thị Như Loan cho công ty vay 251,4 tỷ đồng, bà Lại Thị Hoàng Yến cho vay 342 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt cho vay 362,6 tỷ đồng và bà Nguyễn Ngọc Huyền My (con gái bà Loan) cho vay 147,4 tỷ đồng…