Lập cứ điểm ở Mỹ, đại gia miền Tây đối diện thách thức
- 10:45 27-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo phán quyết của TAND TP.HCM trong vụ “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” xảy ra tại Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM (Eximbank TP.HCM), Eximbank phải trả cả gốc và lãi cho đại gia Chu Thị Bình.
Tiền gửi ở ngân hàng cuối cùng cũng đã được rút được cả gốc và lãi ở tòa án. Công lý được thực thi. HĐXX tuyên buộc Eximbank phải có trách nhiệm chi trả gốc và lãi theo 3 sổ tiết kiệm cho bà Chu Thị Bình.
Thời gian gần đây, hàng loạt tin vui đã dồn dập đến với nhà bà Chu Thị Bình - ông Lê Văn Quang.
Kết quả xuất khẩu 10 tháng của CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) của nhà bà Chu Thị Bình ấn tượng. Trong đó, thị trường Mỹ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số doanh thu xuất khẩu với trên 254 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Nhiều khả năng, trong 2018, MPC sẽ đạt kế hoạch 800 triệu USD. Đây là cơ sở để doanh nghiệp nhà ông Lê Văn Quang - Chu Thị Bình thực hiện giấc mơ tỷ USD ấp ủ bao nhiêu năm nay.
Trong 9 tháng, lãi ròng của MPC tăng vọt gần 60% lên hơn 680 tỷ đồng.
Vận may dồn dập, MPC của ông Lê Văn Quang dường như không bỏ lỡ cơ hội. MPC đang triển khai một loạt kế hoạch khủng: tăng vốn điều lệ, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược ngoại (một kế hoạch từ lâu nhưng chưa thực hiện được), đầu tư nhà máy, bầu nhân sự mới,...
Theo đó, MPC đã thông qua kế hoạch đầu tư nhà máy tôm tẩm bột với sản lượng 40.000 tấn/năm vào năm 2020.
Bà Chu Thị Bình. |
Trong ĐHĐCĐ mới đây, Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MPC, cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra đã đưa mức thuế nhập khẩu tôm tẩm bột của Trung Quốc vào Mỹ từ mức 0% lên 10% và lên 25% vào cuối năm 2018.
Như vậy, việc xây dựng thêm nhà máy tôm tẩm bột công suất 40.000 tấn/năm tại phần đất của Minh Phú Hậu Giang là nhằm tận dụng cơ hội này.
Cũng Nghị quyết ĐHCĐ bất thường gần đây, MPC đã được thông qua việc đầu tư một kho lạnh 10.000 pallet tại Los Angeles và một kho 10.000 pallet tại New York. Nguồn vốn đầu tư hai kho này là từ nguồn lợi nhuận tái đầu tư của Mseafood và nguồn vốn vay ngân hàng.
Tin tốt dồn dập ra nhưng cổ phiếu MPC chứng kiến hai phiên giảm điểm khá mạnh liên tiếp.
Trên thực tế, kế hoạch xây thêm nhà máy, kho bãi để đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ có thể giúp MPC gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, rủi ro vào thị trường này không hề nhỏ. Trong nhiều năm qua, Mỹ nổi tiếng với việc bảo hộ các doanh nghiệp trong nước. Cuộc chiến chống bán phá giá được Mỹ thực hiện trong nhiều năm qua và các doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn.
MPC xuất khẩu tôm có nhiều lợi thế hơn các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhưng rủi ro cũng không hề nhỏ. Hiện tại Mỹ đang hướng mũi dùi vào Trung Quốc nhưng cũng có thể hướng sang các nước khác, trong đó không loại trừ sẽ có Việt Nam sau đó.
Trong khi ngành thủy sản đối mặt với rất nhiều bấp bênh, từ đầu ra cho tới nguyên liệu đầu vào, thì nhiều doanh nghiệp trong đó có Thủy sản Minh Phú của vua tôm Lê Văn Quang còn đối mặt với rủi ro vay nợ, dựa vào đòn bẩy tài chính quá nhiều.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực giảm giá vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, một số cổ phiếu trụ cột trong đó có Vinamilk, Vingroup, Masan, Vietinbank, Hòa Phát,... tăng giá giúp Vn-Index tăng điểm nhẹ.
Mặc dù vậy, thanh khoản vẫn khá thấp. Sự thận trọng vẫn bao trùm trên toàn thị trường.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Rồng Việt cho rằng, thị trường vận động khá yếu ớt và thiếu sự lan tỏa. Trong ngắn hạn, thị trường khó đi xa nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/11, Vn-Index tăng 3,06 điểm lên 921,03 điểm; HNX-Index giảm 0,29 điểm xuống 103,98 điểm. Upcom-Index tăng 0,23 điểm lên 52,11 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 160 triệu đơn vị, trị giá 4,1 ngàn tỷ đồng.