Yêu cầu xử lý việc Nhà máy xi măng Sông Lam gây ô nhiễm
- 09:46 27-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Nghệ An sẽ kiểm tra vấn đề ô nhiễm tại Nhà máy xi măng Sông Lam đóng tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). |
Theo đó, tại công văn ngày 20/11/2018 gửi UBND tỉnh Nghệ An, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực Nhà máy xi măng Sông Lam và giải quyết bức xúc, kiến nghị của các hộ dân xã Bài Sơn, huyện Đô Lương theo đúng quy định của pháp luật; thông báo công khai kết quả xử lý, giải quyết để nhân dân biết, giám sát việc thực hiện.
Sáng ngày 26/11, ông Thái Thanh Qúy – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tỉnh đã có văn bản chỉ đạo huyện Đô Lương, Nhà máy xi măng Sông Lam báo cáo vấn đề trên. Đồng thời, yêu cầu chúng tôi làm việc với ông Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An để nắm rõ hơn. Tuy nhiên, quá trình liên hệ với ông Điền chúng tôi không nhận được phản hồi.
Trao đổi với ông Phùng Thành Vinh – Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, ông Vinh cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và thậm chí trước đó, huyện Đô Lương đã có một hệ thống văn bản liên quan đến vấn đề này. Hiện Bộ TNMT chưa có văn bản quy định phạm vi ảnh hưởng là bao nhiêu, các thiết bị quan trắc cũng chưa được lắp đặt, chúng tôi cũng đang chờ kết luận của đoàn kiểm tra để có hướng xử lý.
Được biết, Nhà máy xi măng Sông Lam của Công ty CP xi măng Sông Lam (thuộc Tập đoàn xi măng The Vissai) được đầu tư với số vốn hơn 10.000 tỷ đồng, công suất 6.000 tấn clinker/dây chuyền/1 ngày. Mỗi năm, nhà máy sẽ cho ra lò 4 triệu tấn sản phẩm, với quy mô lao động khoảng 2.000 người.
Trước đó, nhiều cơ quan báo chí, trong đó, Báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 20/11/2017 đã có bài “Nhà máy xi măng Sông Lam (Nghệ An): Đổ thải trực tiếp ra môi trường”, phản ánh việc người dân xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương vô cùng khổ sở từ khi Nhà máy xi măng Sông Lam đi vào hoạt động cho đến nay. Họ phải hứng chịu cảnh ô nhiễm bụi bặm, tiếng ồn và nước chảy tràn từ trên Nhà máy xuống khu dân cư do cốt mặt bằng của nhà máy này được đắp cao hơn khu dân cư nhiều mét.