Ông chủ Nhật Bản gây phẫn nộ vì dúi mặt nhân viên vào nồi lẩu
- 13:23 25-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2018/11/25/__ng_ch____Nh___t_B___n_g__y_ph___n_n____v___d__i_m___t_nh__n_vi__n_v__o_n___i_l___u___VnExpress.mp4[/presscloud]
Người đàn ông Nhật Bản bị dúi mặt vào nồi lẩu tại bữa tiệc của công ty. Video: Shukan Shincho.
Video trên trang web của tạp chí Shukan Shincho cho thấy một nhóm người liên hoan tại nhà hàng theo phong cách Nhật Bản, ở giữa bàn là nồi lẩu đang sôi. Sau đó, một người đàn ông đã túm lấy đầu nhân viên của mình rồi dúi vào nồi, trong khi những người xung quanh cười đùa, theo SCMP.
Mainichi cho biết sự việc xảy ra vào bữa tiệc cuối năm 2015 của MELM, công ty giải trí có trụ sở ở Tokyo. Nạn nhân trong video bị bỏng nặng và mất một tháng để điều trị.
Người đàn ông giấu tên đã nộp đơn khởi tố hình sự đối với chủ tịch công ty và đề nghị bồi thường, luật sư của anh cho biết. Tuy nhiên vẫn chưa rõ tại sao gần ba năm sau nạn nhân mới đệ đơn kiện, dù thừa nhận bị ám ảnh mỗi khi nhìn thấy nồi lẩu. Anh mong muốn chủ tịch nhận sai lầm và chuộc lỗi.
Những người dùng mạng xã hội ở Nhật Bản đã bày tỏ phẫn nộ trước hành động trên và cho rằng việc người nhân viên đệ đơn kiện muộn không ảnh hưởng gì.
"Điều đó tạo ra khác biệt gì chứ? Bạo hành là bạo hành và ông chủ đó đã lạm dụng quyền lực nghiêm trọng", một người bình luận. Một số ý kiến khác mô tả đoạn video là quá "khủng khiếp" và thủ phạm là "người sếp tệ chưa từng thấy".
Nhiều người đề xuất xử phạt hình sự đối với chủ tịch công ty vì tội gây tổn hại nghiêm trọng. Có ý kiến cho rằng những người chứng kiến hành động trên mà không can thiệp cũng nên bị phạt.
"Bạn không được phép nói 'không' với các sếp hoặc cấp trên. Những quy tắc chính thức bằng văn bản thường bị phá vỡ bởi quy tắc ngầm", một người giải thích về tình trạng bắt nạt trong công sở Nhật Bản. "Rất nhiều trường hợp tương tự không được trình báo. Nạn nhân này giờ đây có khả năng bị tẩy chay và sẽ khó tìm việc mới. Đó có thể là lý do anh ấy trì hoãn vụ kiện".
Luật pháp Nhật Bản không có điều lệ nào cấm lạm dụng quyền lực ở nơi làm việc, trong khi các quy định về quấy rối tình dục được cho là không có tác dụng. Theo một nghiên cứu năm 2017 của Liên minh Công đoàn Nhật Bản, 30% trong số 1.000 nạn nhân bị quấy rối ở nơi làm việc cho biết họ phải điều trị tâm lý và 20% đã nghỉ việc.