Ca từ “suồng sã”: Chấp nhận triệu ghét để được triệu view
- 10:50 24-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cách đây vài ngày, rapper Đen Vâu ra mắt MV “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em”. Đây là sản phẩm đánh dấu lần đầu hợp tác của nam rapper với Thái Vũ và đạo diễn Thành Đồng. Dấu ấn của các sản phẩm của Đen Vâu vốn có sức hấp dẫn riêng dù ra mắt trong im ắng. MV nhanh chóng đạt triệu view trong thời gian rất ngắn, không hề thua kém lượng view của các tên tuổi nổi tiếng của làng nhạc Việt. Tuy nhiên, tên ca khúc lại gây nên phản ứng trái chiều bởi cách dùng từ có phần “nhạy cảm”. Nhiều ý kiến cho rằng Đen Vâu đã cố tình mượn từ “tiếng lóng” để gây chú ý cho sản phẩm.
Phản hồi ý kiến của khán giả, rapper Đen Vâu cho biết, tên của ca khúc này cũng do người bạn đã nghĩ ra những giai điệu đầu tiên đặt. “Chẳng có gì cần phải tranh cãi ở đây hết. Với tôi, “đếch” không phải từ ngữ bậy bạ, nó là một từ mang tính chất đời thường và có chút bất thường. Âm nhạc của tôi trước nay vẫn luôn mộc mạc như vậy. Và nếu như nghe toàn bộ ca khúc, từ lời cho đến giai điệu, mọi người sẽ hiểu được thông điệp mà nó muốn truyền tải, cũng như tên ca khúc”, Đen Vâu cho biết.
Nam rapper cũng giải thích thêm: “Tên ca khúc chỉ đơn giản là sự lựa chọn phù hợp với nội dung, với cảm xúc mà nó mang lại. Dù ban đầu nghe tên ca khúc có lẽ sẽ dễ tạo ra tranh cãi, nhưng tôi tin rằng đây là cái tên hết sức cảm xúc và nếu như thực sự nghe, thực sự cảm nhận được thông điệp của nó thì mọi người sẽ không cảm thấy cái tên là chuyện gì quá to tát nữa”.
Hình ảnh trong MV mới gây tranh cãi của Đen Vâu (giữa). Ảnh cắt từ MV |
Công bằng mà nói, nếu bỏ qua tên bài hát cùng đoạn điệp khúc lặp đi lặp lại câu tiêu đề này thì ca từ còn lại của bài hát khá sâu sắc, gần gũi và hóm hỉnh. MV tối giản hết sức về mặt bối cảnh, diễn xuất, trang phục nhưng đổi lại, giai điệu êm ả dễ đi vào lòng người. MV gần như không sử dụng nhạc cụ gì phức tạp, chủ yếu là âm thanh mộc mạc của guitar, đan xen tiếng huýt sáo, giúp ca khúc càng giản dị mà vẫn tinh tế. Sự kết hợp của Đen Vâu và Vũ cùng Thành Đồng cũng được đánh giá là ăn ý. Nếu như Vũ gây ấn tượng với chất giọng khào, trầm khàn nhưng ấm áp, tình cảm thì Đen Vâu vẫn thể hiện được phong cách rap khá chất, khó lẫn với các rapper khác.
Tuy nhiên, chỉ vì từ “đếch” trong bài hát khiến khán giả khi nghe bị gợn và đặt ra nhiều băn khoăn, liệu từ “đếch” có nên được thay bằng một từ ngữ khác mà vẫn giữ nguyên ý tứ của tiêu đề, nội dung và thông điệp bài hát hay không? Từ này có thể giúp cho bài hát tạo được sự thu hút, trend (xu hướng) nhưng tác động tiêu cực nó để lại cũng không hề nhỏ.
Bên cạnh việc gây tranh cãi, từ này còn bị đánh giá là tục, làm giảm đi giá trị thông điệp, nhân văn của bài hát. Bên cạnh đó, chỉ vì một “từ lóng” này, tác giả cũng khó lòng được biểu diễn trên các sân khấu bởi sự e ngại của các đơn vị tổ chức. Và đương nhiên, với một bài hát có từ suồng sã, đơn vị cấp phép cũng sẽ không đồng ý cho ca sĩ được hát trên sân khấu.
Cách đây không lâu, nam nhạc sĩ Khắc Hưng ra mắt ca khúc “Như lời đồn” gây tranh cãi cho khán giả và giới nhạc sĩ. Nhạc sĩ Dương Cầm đã lên tiếng nhận định: “Tôi chỉ là một người dân bình thường. Nhưng nếu có quyền tôi sẽ cấm ca khúc đó, đặt tiêu đề như vậy là không văn minh". Dương Cầm còn bày tỏ thêm quan điểm của mình: “Người có ăn có học không ai thích ca khúc Như lời đồn”.
Bên cạnh đó, một số nhạc sĩ như Lê Minh Sơn, Nguyễn Văn Chung cũng lên tiếng phản đối cách đặt tiêu đề như của Khắc Hưng. Cụ thể, Lê Minh Sơn cho biết những ca khúc với tựa đề như Như lời đồn... là cách nói lóng, nói ngược. Lê Minh Sơn cho biết các nghệ sĩ đặt nhan đề bài hát theo hướng này vì nghĩ đến trước mắt là lợi nhuận, muốn gây sốc, tỏ ra bản tính ngông của mình. Tuy nhiên, theo nam nhạc sĩ, cách đi như vậy là đang lách luật.
“Các bạn làm mà các bạn không nghĩ đến hậu quả, đó là hậu quả văn hóa. Văn hóa chúng ta không thể giống với văn hóa đường phố. Chúng ta là người Việt Nam và sức công phá của âm nhạc trên thị trường nước nhà rất mạnh. Tôi nghĩ đã đến lúc các cơ quan làm về văn hóa cần phải lên tiếng để vấn đề như vậy không xảy ra nữa”, Lê Minh Sơn bày tỏ.
Ca từ có vai trò quan trọng đối với sự thành công của một bài hát bởi nó chuyển tải thông điệp, giá trị nhân văn và cả định hướng giáo dục cho khán giả - giống như các tác phẩm nghệ thuật khác. Vì vậy, bài hát hay trước tiên phải là bài hát có ca từ tử tế, trong sáng về mặt ngôn ngữ, hình ảnh, tránh gây “gợn”, gây liên tưởng đến những suy nghĩ lệch lạc không hay. Chất đời, sự phóng khoáng, chất ngông của người nghệ sĩ là cần thiết khi sáng tác nhưng chúng phải được gói gọn trong một giới hạn nhất định thay vì ở mức quá đà dẫn đến tác phẩm trở nên thô thiển. Có như vậy, giá trị nội dung, thông điệp của bài hát mới giữ được nguyên vẹn theo đúng ý tác giả và chạm đến cảm xúc của khán giả. Sáng tác bài hát một cách văn minh thể hiện sự tôn trọng của tác giả với nghề nghiệp của mình, với khán giả, với nền âm nhạc, hướng con người đến với những điều tích cực trong cuộc sống.