FLC Thanh Hóa -“tan đàn, xẻ nghé”
- 14:09 24-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hai mùa giải vừa qua, không phải B.Bình Dương mà FLC Thanh Hóa mới là “Chelsea Việt Nam” khi CLB đưa về nhiều cầu thủ ngoại binh, nội binh đình đám. Nhưng giờ là lúc họ đối diện với cảnh các ngôi sao lũ lượt ra đi và việc không có hệ thống đào tạo trẻ đủ mạnh để có được sự lựa chọn bổ sung.
Hai ngoại binh ra đi
Ngay khi V-League kết thúc, CLB Thanh Hóa đã sớm đàm phán gia hạn hợp đồng với các trụ cột nhưng có vẻ mối quan hệ không còn mặn mà của FLC với bóng đá xứ Thanh đã ảnh hưởng đến việc đi hay ở của cầu thủ.
Đầu tiên là việc thủ thành Thanh Thắng đã nói lời chia tay với FLC Thanh Hóa. Cầu thủ sinh ra ở Đồng Nai này muốn trở về quê hương thi đấu theo lời mời của đội bóng quê nhà. Một cái tên khác cũng đã rời FLC Thanh Hóa là Lê Quốc Phương. Tiền vệ cánh trái trưởng thành và được mệnh danh là “Messi xứ Thanh” này đã ký hợp đồng 2 năm với CLB Sài Gòn sau nửa mùa giải 2018 được cho mượn.
Tiền đạo đội trưởng Pape Omar Faye đã chính thức nói lời chia tay với CLB Thanh Hóa sau 6 năm gắn bó. Ảnh internet |
Mới đây, đến lượt đội trưởng Pape Omar Faye đã chính thức nói lời chia tay với CLB Thanh Hóa sau 6 năm gắn bó. Tiền đạo người Senegal có lẽ là một trong những ngoại binh hay nhất V-League, sau 6 năm đá cho Thanh Hóa anh ra sân 117 trận, ghi tới 60 bàn thắng. Ngay lập tức, nhiều đội bóng Việt Nam đã chìa bản hợp đồng mới chào ngoại binh 31 tuổi này mà không cần thử việc.
Trong 3 cầu thủ tấn công Pape Omar, Rimario và Hoàng Đình Tùng đã đóng góp tới 25 trong tổng số 43 bàn thắng của FLC Thanh Hóa tại V.League 2018. (Omar có 10 bàn, Rimario có 8 bàn và Đình Tùng 7 bàn) HLV Đức Thắng chỉ giữ được cầu thủ gốc Thanh Hóa. Mấu chốt chủ yếu vẫn là vấn đề tiền lương, phí lót tay. Điều này khiến cho không ít cổ động viên xứ Thanh nuối tiếc và có cả sự lo lắng nhất định.
Một trường hợp khác là Ngô Hoàng Thịnh, tiền vệ từng chơi ở Sông Lam Nghệ An cũng đã hết hợp đồng và CLB FLC Thanh Hóa. Hoàng Thịnh - Văn Bình - Âu Văn Hoàn được xem là bộ ba “xe-pháo-mã” khi rời sân Vinh vào đầu quân cho B.Bình Dương cuối năm 2015, trước khi chuyển về đá cho FLC Thanh Hóa. Việc Văn Bình không còn đá cho Thanh Hóa, ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định tái ký hợp đồng với đội bóng này. Nếu rời xứ Thanh, cái giá mà đội bóng V-League nào muốn có cựu tuyển thủ quốc gia này không thể dưới 1 tỷ đồng/năm, dù anh ta mới trở lại sau chấn thương.
Khác với Hoàng Thịnh, một cầu thủ xứ Nghệ khác là hậu vệ cánh phải Trần Đình Đồng đã chắc chắn ở lại với FLC Thanh Hóa sau khi đồng ý ký vào bản hợp đồng mới. Cầu thủ sinh năm 1987 mùa giải trước được ra sân 18 trận, vẫn là nhân tố được HLV Đức Thắng tin dùng bởi kinh nghiệm sân cỏ.
Đôn trẻ thử thách
Ngoài những cái tên kể trên, lượt về mùa giải trước FLC Thanh Hóa đã mạnh tay đem cho các CLB khác mượn hoặc thanh lý những cầu thủ Mai Tiến Thành, Van Bakel, Hoàng Văn Bình. Việc khó khăn về lực lượng khiến FLC Thanh Hóa phải triệu hồi gấp các cầu thủ đang đem cho các đội V.League, hạng Nhất, hạng Nhì mượn để chuẩn bị lực lượng cho mùa giải mới. Ngoài ra, CLB cũng sẽ đôn một số lượng lớn cầu thủ trẻ lên đội 1 để có sự chuẩn bị dài hơi hơn và để các em bắt đầu tiếp cận với giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam.
Sau Văn Bình, nhiều khả năng Hoàng Thịnh cũng ra đi. Ảnh internet |
Theo lãnh đạo CLB FLC Thanh Hóa, việc giữ chân các trụ cột là rất quan trọng nhưng nó phải căn cứ vào điều kiện về tài chính của CLB. Mùa giải năm nay, CLB sẽ không trả bằng mọi giá nếu các cầu thủ đòi mức lương, khoản phí lót tay quá cao, vượt quá khả năng...
Khó khăn nhất vẫn là kiếm được những ngoại binh thi đấu hiệu quả như Pape Omar, Rimario, có lẽ mọi việc cần có hỗ trợ tài chính từ phía nhà tài trợ mới. Điều may mắn là mùa giải bóng đá 2019 dự kiến sẽ khởi tranh từ tháng 3 nên FLC Thanh Hóa sẽ có nhiều thời gian để củng cố, xây dựng đội hình.