Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chủ tịch UBND các cấp lười tiếp dân nên khiếu nại, tố cáo vượt cấp?

Việc khiếu kiện ngày càng đông, phức tạp ở Trung ương cũng bởi vì tiếp công dân ở cấp cơ sở còn yếu kém.

Từ thực tế và báo cáo công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân năm 2018 đều cho thấy, tình trạng Chủ tịch UBND các cấp không thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân, Luật Tố tụng hành chính.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần các biện pháp hành chính mạnh của cơ quan cấp trên để xử lý, kiểm điểm, khắc phục bằng được tình trạng này. Bởi nếu kéo dài tình trạng như vậy thì hậu quả là tâm tư, nguyện vọng của nhân dân không được giải quyết, người dân mất niềm tin vào chính quyền.

Khiếu nại vượt cấp vì sao không giảm?

Tiếp công dân là thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với nhân dân, sẽ tác động tích cực đến tình cảm, thái độ của nhân dân, xây dựng niềm tin của nhân dân vào các cơ quan Nhà nước. Nếu công tác tiếp công dân được thực hiện tốt ngay từ cấp chính quyền cơ sở thì niềm tin ấy sẽ tạo nên sự ổn định, an toàn trật tự xã hội.

 Việc khiếu kiện ngày càng đông, phức tạp ở Trung ương cũng bởi vì tiếp công dân ở cấp cơ sở còn yếu kém. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Ngôn, một người dân ở Hà Tĩnh cho rằng, việc khiếu kiện ngày càng đông, phức tạp ở Trung ương cũng bởi vì tiếp công dân ở cấp cơ sở còn yếu kém.

“Một tranh chấp ở thôn xã, xã không đủ trình độ để phân tích, rồi lên huyện, tỉnh cũng không đủ khả năng. Có nhiều việc, chính bản thân tôi cũng lên tỉnh để hỏi, hàng cân đơn gửi lên nhưng cũng không được giải quyết”, ông Ngôn dẫn chứng.

Cùng quan điểm, ông Đặng Ngọc Toàn ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho rằng, nhiều nơi có tổ chức tiếp dân nhưng khả năng đối thoại không có, năng lực tiếp dân cũng không có. Không phải cứ tổ chức tiếp dân, có người ngồi ở đó là đủ mà người đó còn phải có năng lực, có khả năng đối thoại được với người dân.

Khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn luôn là điểm nóng, mà câu chuyện ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hay Khu đô thị Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh là những điển hình. Đây cũng chính là điển hình cho câu chuyện giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ khâu tiếp công dân chưa được kịp thời. Tình trạng tiếp dân ở cơ sở vẫn còn hình thức, chưa gắn với công tác giải quyết thực chất và triệt để vấn đề.

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ, công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo phải tăng cường ngay từ cấp cơ sở. Đặc biệt là tiếp công dân của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, không chỉ là tiếp dân định kỳ mà khi thấy sự việc dễ phát sinh điểm nóng là phải tiếp dân.

“Qua vụ việc ở Đồng Tâm, Hà Nội có thể thấy còn nhiều người dân còn chưa đồng thuận nhưng không được lãnh đạo tiếp trực tiếp để giải quyết. Đáng ra, việc tiếp dân phải tiến hành từ trước, nếu có thanh tra thì phải thanh tra từ trước đó”, ông Điệp nêu quan điểm.

Chuyện kính chuyển đơn thư lòng vòng từ cấp này đến cấp khác, từ cơ quan này sang cơ quan khác là câu chuyện vẫn chưa có hồi kết. Tiếp dân thì cần lắng nghe dân, thực sự để cho dân nói, qua thông tin ấy thì chắt lọc để phục vụ cho công tác giải quyết, phục vụ cho công tác quản lý.

Thậm chí, qua đó để điều chỉnh những dự án, việc làm sao cho phù hợp với lòng dân. Và qua tiếp dân, qua giải quyết khiếu nại tố cáo thì phải xử lý cán bộ cho kịp thời, nếu không kịp thời thì việc người dân lên Trung ương tới trụ sở tiếp công dân Trung ương, tới các cơ quan nhà nước ngày càng đông là đương nhiên. Và việc phát sinh điểm nóng sẽ không thể lường trước được.

Điều khiến người dân không hài lòng nhất chính là trách nhiệm tiếp công dân. Nếu trách nhiệm ấy được thực hiện ngay từ cơ sở, được lắng nghe, tiếp nhận và giải quyết từ cơ sở, sẽ không có những khiếu kiện vượt cấp, những bức xúc, căng thẳng trong nhân dân.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, một lý do nữa khiến khiếu nại vượt cấp chưa giảm. Đó là các chính sách trong lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều vấn đề trong khi đây lại là lĩnh vực có tỷ lệ khiếu nại tố cáo lớn. Do vậy, nhiều trường hợp làm đã đúng quy định pháp luật nhưng người dân vẫn chưa cảm thấy thỏa đáng.

“Có nhiều trường hợp đã được giải quyết rất đúng theo các quy định pháp luật cả về nội dung và trình tự thủ tục, nhưng người dân không chịu vì cảm thấy thiệt thòi. Cuộc sống người ta đang ổn định, có thể không giàu có sung túc nhưng nay bị xáo trộn nên họ rất gay gắt. Do chính sách đất đai của chúng ta, nhất là các dự án đô thị, trung tâm thương mại, người ta khó khăn quá, người ta so sánh”, ông Thanh phân tích.

Ở góc độ khác, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nguyên nhân là do một số nơi chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới việc này, khi phát sinh khiếu nại, tố cáo chưa làm hết trách nhiệm, chưa xem xét, giải quyết từ cơ sở. Sự phối hợp giữa cơ sở và trung ương chưa thật sự nhịp nhàng đã dẫn đến khiếu nại tố cáo vượt cấp chưa giảm.

Trong khi đó, theo đại biểu Đỗ Văn Đương, Phó ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khiếu kiện đông người vượt cấp ra trung ương nhiều, bởi vì nhiều vụ việc khi ra đến Trung ương đã được xem xét giải quyết. Ngay Ban Tiếp dân Trung ương hay Ban Dân nguyện, qua nghiên cứu chúng tôi thấy sẽ có 70% giám sát phải xem xét lại. Còn ở địa phương lại nghĩ là do quá khứ để lại.

Đại biểu Đương đề nghị phải chỉ rõ những địa phương tiếp dân, đối thoại với dân hình thức, thiếu trách nhiệm để chấn chỉnh. Bởi thông qua giải quyết khiếu nại tố cáo không chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, mà còn góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về mặt kinh tế, đất đai và xử lý cán bộ sai phạm.

Không chỉ “ngại” tiếp dân, Chủ tịch UBND các cấp còn “lười” thực hiện nghĩa vụ tham gia các phiên toà hành chính khi bị dân kiện dù luật đã quy định. Ông Nguyễn Thái Học, phó Ban Nội chính Trung ương dẫn chứng rằng, báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp liên quan đến thực hiện Luật Tố tụng hành chính cho thấy Chủ tịch UBND và cấp phó được ủy quyền không gương mẫu trong chấp hành pháp luật. Luật Tố tụng hành chính quy định người đứng đầu chính quyền và cấp phó có trách nhiệm tham gia đối thoại, đến tòa tham gia tố tụng nhưng lãnh đạo nhiều địa phương không chấp hành, thậm chí bản án hành chính có hiệu lực cũng không chịu thi hành. Đây là câu hỏi lớn và cần có biện pháp chấn chỉnh.

Công dân không tuân thủ pháp luật sẽ bị xử lý. Còn cán bộ Nhà nước không thực hiện thì có đảm bảo tính công bằng hay không? Người đứng đầu chính quyền không gương mẫu, tôn trọng pháp luật thì đòi hỏi người dân thượng tôn pháp luật thế nào?

Giải quyết tình trạng khiếu nại tố cáo vượt cấp thế nào?

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đời sống mọi mặt của xã hội, của người dân hàng ngày đều liên quan đến pháp luật, từ khai sinh, khai tử, làm nhà, quản lý đất đai…, đều liên quan đến chính quyền. Người dân có quyền đề nghị, yêu cầu lãnh đạo giải quyết đúng thẩm quyền và đúng pháp luật, người lãnh đạo không được né tránh.

Luật Tiếp công dân quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp dân ít nhất mỗi tháng một lần, Chủ tịch UBND cấp xã phải tiếp dân ít nhất mỗi tuần một lần, phải công khai lịch tiếp công dân, nhưng theo báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì tỷ lệ tiếp dân đúng pháp luật rất hạn chế, nhưng luật lại không quy định chế tài xử lý.

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, chế tài chính là đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ. Nếu một năm người đứng đầu không thực hiện được việc đó thì anh phải rời ghế. Công việc của anh là công việc với dân mà anh không làm được thì nên nghỉ. Việc của anh là việc với dân chứ không chỉ là việc với cơ quan này cơ quan khác, đi thăm chỗ nọ chỗ kia. Cho nên phải dành thời gian cho dân, gần dân. Không thể nói rằng tôi bận đi làm việc với cơ quan này, cơ quan khác, còn việc dân thì bỏ.

Đối thoại sẽ mang lại cho người dân thông tin đầy đủ và chính xác hơn, đồng thời cũng hiểu rõ hơn thái độ thiện chí của các bên, góp phần quan trọng trong việc tìm ra giải pháp có tính đồng thuận cao để giải quyết một cách thuyết phục và khả thi nhất. Do đó, trực diện, không né tránh, không ngại đối thoại là đòi hỏi cần thiết đối với người đừng đầu để khiếu nại tố cáo được giải quyết hiệu quả. Đó là kiến nghị của đại biểu Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

“Người đứng đầu tiếp công dân rồi nhưng phải luôn sẵn sàng đối thoại. Người đứng đầu phải xác định được trách nhiệm của mình nếu muốn địa bàn của mình luôn ổn định”, đại biểu Dung nêu rõ.

Tại phiên thảo luận tuần qua của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Bắc Việt, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng, hầu hết mọi đơn thư khiếu nại nếu được người đứng đầu giải quyết sẽ không có tái khiếu nại. Đại biểu này cũng đề nghị, tiếp công dân phải làm sao để người dân thấy như nhà của mình./.