Cá voi chết ở Indonesia có 1.000 mảnh nhựa trong bụng
- 08:21 21-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một con cá voi nhà táng trôi dạt vào bờ biển phía tây Indonesia hôm 20/11 với lượng lớn rác thải nhựa trong bụng, gây ra quan ngại trong giới bảo vệ môi trường cũng như quan chức chính quyền tại một trong những nước ô nhiễm nhựa lớn nhất thế giới.
Đội ngũ cứu hộ của vườn quốc gia Wakatobi tìm thấy xác con cá dài 9,5 m đang thối rữa tại một địa điểm gần vườn quốc gia phía đông nam tỉnh Sulawesi, theo AP. Theo lời giám đốc vườn Heri Santoso, trước đó họ nhận được tin báo rằng dân làng đã vây quanh và đang bắt đầu xẻ thịt con vật.
Ông Santoso cho biết các nghiên cứu viên từ Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) và học viện bảo tồn của vườn quốc gia đã tìm thấy khoảng 5,9 kg rác thải nhựa trong bụng cá, bao gồm 115 cốc nhựa, 4 chai nhựa, 25 túi bóng, 2 đôi dép tông, một bao tải nylon và hơn 1.000 mảnh vỡ nhựa các loại.
"Mặc dù chúng tôi chưa thể xác định nguyên nhân cá chết, thực tế mà chúng tôi nhìn thấy thực sự khủng khiếp", Dwi Suprapti, điều phối viên về bảo tồn sinh vật biển tại WWF Indonesia, cho biết.
Xác con cá nhà táng trôi dạt vào bờ biển Sulawesi, Indonesia. Ảnh: Reuters. |
Cô nói không thể xác định liệu có phải rác thải nhựa đã gây ra cái chết cho con vật thuộc bộ cá voi này hay không, do tình trạng phân hủy đã ở vào giai đoạn cuối.
Indonesia, đảo quốc với 260 triệu dân, là nước ô nhiễm nhựa lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, theo một nghiên cứu được công bố trên chuyên san Science hồi tháng 1. Nước này thải ra 3,2 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý đúng cách mỗi năm, trong đó 1,29 triệu tấn trôi ra đại dương.
Ông Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng Bộ Điều phối Các vấn đề Biển của Indonesia, nói phát hiện về cái chết của con cá nhà táng trên có thể giúp nâng cao nhận thức của công chúng về sự cần thiết của việc giảm thiểu sử dụng nhựa, cũng như thúc giục chính phủ có các biện pháp cứng rắn hơn để bảo vệ đại dương.
"Tôi rất buồn khi nghe tin này", ông Pandjaitan, người vận động cho việc giảm sử dụng nhựa, nói. "Những sinh vật khác ở đại dương cũng có thể bị đầu độc bởi rác thải nhựa và điều này rất nguy hiểm của cuộc sống của chúng ta".
Ông nói chính phủ đang nỗ lực để giảm thiểu sử dụng nhựa, bao gồm yêu cầu các cửa hàng không cung cấp túi bóng cho khách, giảng dạy về vấn đề này trong các trường học trên toàn quốc, để có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu sử dụng nhựa 70% vào năm 2015.
"Tham vọng lớn này có thể đạt được nếu người dân hiểu ra rằng rác thải nhựa là kẻ thù chung", ông nói với AP.