Hành trình từ CEO công nghệ thông tin tới trùm cờ bạc
- 15:20 20-11-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Hoàng tử bóng đêm" của VTC Online
Sinh năm 1979, dáng cao lớn, tóc “bổ luống”, gương mặt rất nam tính, phong cách trẻ trung khi chỉ thích diện quần Jean và áo phông, Phan Sào Nam từng là “hot boy” của nhiều cô gái. Sau khi lấy bằng Cử nhân Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Phan Sào Nam đi học Thạc sĩ tại Hàn Quốc, chuyên ngành Quản trị kinh doanh công nghệ của Trường đại học Thông tin liên lạc Hàn Quốc.
Sau khi hoàn thành chương trình học, Phan Sào Nam về Việt Nam và đầu quân cho VASC, một doanh nghiệp chuyên về phần mềm. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Phan Sào Nam tham gia sáng lập Công ty VTC và nhanh chóng trở thành gương mặt sáng giá của VTC khi thời điểm ấy Nam là một trong số ít các CEO Việt thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Hàn.
Phan Sào Nam được dẫn giải tới phiên tòa. |
Năm 2006, Nam được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công ty VTC Intecom. 2 năm sau, Nam tham gia thành lập và làm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC Online).
Thời điểm 2008-2013, Phan Sào Nam là cái tên khá đình đám trong giới công nghệ thông tin, bởi chỉ sau 3 năm thành lập, VTC Online trở thành một trong những công ty công nghệ mạnh nhất Việt Nam, đặc biệt là về game. Vì vậy, trước năm 2012, VTC Online luôn đạt mức tăng trưởng tới 300%/năm.
Với những người từng làm việc với Phan Sào Nam thời kỳ này ở VTC Online, Nam được đánh giá là một vị CEO tuy trẻ tuổi, nhiệt thành, lãng tử nhưng rất quyết liệt trong công việc.
Nam còn nổi tiếng với biệt danh "Hoàng thử bóng đêm" vì thói quen làm việc bất kể giờ giấc khi có thể email giao việc cho nhân viên lúc 2 giờ đêm hoặc gọi điện thoại cho nhân viên để giao việc lúc sáng sớm.
Tháng 7-2012, sau nửa năm đàm phán, Công ty Quản lý quỹ Duxton có trụ sở tại Singapore đã đầu tư vào VTC Online 10 triệu USD. Để nhận được khoản đầu tư này, lãnh đạo VTC Online đã cam kết với đối tác sẽ đưa công ty đạt được mức lợi nhuận 500 tỷ đồng vào năm 2015.
Ngày đó, Phan Sào Nam tự tin nói rằng các công ty nội dung số Việt Nam như những “sinh viên nghèo học giỏi”. Trong khi tham gia vào thị trường này là phải cạnh tranh toàn cầu với những đối thủ lừng danh như Facebook, Google, Yahoo… nhiều đam mê nhưng tiềm lực tài chính mỏng sẽ rất khó cạnh tranh. Do đó, việc tìm đến những nhà đầu tư tiềm năng, chia sẻ bớt quyền sở hữu để được tạo đà đi lên sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn.
Trước ý kiến lo ngại rằng việc cam kết lợi nhuận 500 tỷ đồng sau 3 năm kể từ khi nhận được khoản đầu tư 10 triệu USD, lớn gấp hơn 2 lần khoản đầu tư là kế hoạch quá táo bạo, Phan Sào Nam khẳng định, với một ngành có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng cao do “nguyên liệu” đầu vào chủ yếu là chất xám như Công nghệ nội dung số, lại đang đứng trước một “thời điểm vàng” của Internet Việt Nam thì con số 500 tỷ đồng không phải là không đạt được.
Sau khi nhận khoản đầu tư 10 triệu USD, Phan Sào Nam đã đặt ra “mục tiêu” đến năm 2015, VTC Online phải đủ điều kiện để thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết tại 1 trong 5 sàn giao dịch chứng khoán gồm NASDAQ (Hoa kỳ), HKEC (Hồng Kông), SGX (Singapore), Kosdaq (Hàn Quốc) và sàn HOSE (Việt Nam).
Kiểm đếm số tiền thu được của Phan Sào Nam. |
Tuy nhiên, mọi chuyện đã không như Nam khẳng định. Sau thời kỳ phát triển, năm 2014, VTC Online rơi vào thua lỗ. Những năm sau đó dù có lãi nhưng không đạt như mục tiêu đặt ra.
Thậm chí, cuối năm 2017, Tổng Công ty VTC quyết định bán đấu giá toàn bộ 1,02 triệu cổ phần VTC online với giá dự kiến 107.388 đồng/cổ phần nhưng đã không thực hiện được vì hết thời hạn đăng ký và đặt cọc mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá.
Kiếm hơn 1.475 tỷ đồng từ tổ chức đánh bạc trên mạng
Cuối năm 2014, Hoàng Thành Trung, người từng làm việc với Phan Sào Nam ở Công ty VTC Intercom, gặp Nam bàn chuyện làm ăn. Tại cuộc gặp này, Trung nói rằng sẵn có phần mềm và đội ngũ kỹ thuật giỏi nên có thể triển khai phát triển, kinh doanh hệ thống phần mềm đánh bạc trực tuyến trên Internet bằng hình thức phát hành game bài nhưng cần đối tác phát hành.
Nghe Trung nói như vậy, Nam đồng ý và nói cần phải tìm đối tác phát hành vì loại hình game này phải được Bộ TT-TT cấp phép và duyệt nội dung. Trung đề nghị Nam nếu được thì tìm pháp nhân cho Trung xây dựng và phát triển phần mềm đánh bạc trực tuyến vì Trung đang làm trong Công ty VTC Intercom.
Đầu năm 2015, Nam gặp Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công CNC. Nam đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên Internet bằng hình thức game bài. Thấy cơ hội kiếm tiền, Dương đồng ý.
Ngày 1-4-2015, Lưu Thị Hồng, với tư cách là Tổng Giám đốc Công ty CNC ký hợp đồng với Công ty VTC Online về việc cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ cho dịch vụ Win2All khai thác thương mại với tên Rikvip theo địa chỉ web www.Rikvip.com.
Theo hợp đồng này, nếu doanh thu 5 tỷ đồng/tháng thì CNC hưởng 30%. Nếu doanh thu từ trên 5 tỷ đến dưới 15 tỷ đồng/tháng thì CNC hưởng 35%. Nếu doanh thu trên 15 tỷ đồng/tháng thì CNC hưởng 40%. Phần còn lại là của VTC Online.
Sau khi ký hợp đồng với CNC, Phan Sào Nam gặp chị họ là Đỗ Bích Thuỷ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH phát triển nhà đất Nam Việt đề nghị cho Nam mượn pháp nhân Công ty Nam Việt để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến.
Nam và Thuỷ đã ký hợp đồng về việc phát triển và khai thác kinh doanh phần mềm dịch vụ mang tên Win2All, khai thác thương mại tên gọi Rikvip. Công ty Nam Việt được chia 30% doanh thu phân chia là khoản doanh thu VTC Online nhận được từ khách hàng.
Sau khi tổ chức được mang lưới trung gian thanh toán, thống nhất cách thức thu tiền của người chơi bạc, ngày 18-4-2015, Công ty VTC Online, Công ty CNC và Công ty Nam Việt nghiệm thu, bàn giao, khai thác thương mại hệ thống đánh bạc trực tuyến bằng game bài Rikvip tại địa chỉ www.Rikvip.com và www.Rikvip.vn.
Công ty CNC thực hiện việc kết nối, đối soát và thu tiền tổ chức đánh bạc từ nguồn thẻ cào viễn thông, thẻ game với công ty trung gian thanh toán gạch thẻ là Công ty HomeDirect.
Thu giữ “kho” tiền của Phan Sào Nam. |
Công ty VTCOnline thực hiện kết nối, đối soát và thu tiền doanh thu tổ chức đánh bạc từ nguồn tiền ngân hàng trong thẻ ATM, thẻ thanh toán quốc tế với Công ty Napas, các công ty thanh toán quốc tế và thẻ Gôcin, chi phí đổi thưởng cho đối tượng đánh bạc. Công ty Nam Việt trực tiếp quản lý và vận hành cổng game bài Rikvip.
Để thu hút ngày càng nhiều người chơi bạc tham gia, Nam, Dương đã tích cực chỉ đạo nhân viên bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật, chỉnh sửa phần mềm game đánh bạc, mở rộng thị trường và các điều kiện thanh toán. Trong đó:
Nguyễn Văn Dương chỉ đạo Lưu Thị Hồng ký hợp đồng với Công ty CP Truyền thông VMG cung cấp dịch vụ tin nhắn thương hiệu Rikvip với các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone…
Phan Sào Nam chỉ đạo Phạm Anh Tuấn liên hệ kết nối thành công với cổng thanh toán Smartlik và Banknet, sau hợp nhất thành Công ty CP Thanh toán quốc gia Napas, cổng thanh toán MyCard (Đài Loan) và Cổng thanh toán PayOneQ (Hàn Quốc) để cho đối tượng đánh bạc sử dụng tiền trong tài khoản ATM của 33 ngân hàng tại Việt Nam và thẻ thanh toán quốc tế đánh bạc trực tuyến.
Ký các hợp đồng phân phối thẻ Gocoin do Công ty VTC Online phát hành với Tổng Công ty viễn thông Viettel, Công ty CP Công nghệ VIMO, Công ty MOMO để bán cho các con bạc tại cổng game bài Rikvip…
Đặc biệt, để lôi kéo người chơi bạc, Hoàng Thành Trung đã xây dựng hệ thống đại lý cấp 1 để mở rộng mạng lưới. Người được Trung tuyển chọn làm đại lý cấp 1 chủ yếu là người chơi bạc. Từ tháng 7-2015 đến tháng 3-2017, Trung đã xây dựng được 25 đại lý cấp 1 ở nhiều tỉnh, thành.
Các đại lý cấp 1 này lại tiếp tục mở rộng, xây dựng hệ thống đại lý cấp 2. Các đại lý còn lập ra các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo), treo băng rôn, biển quảng cáo tại các địa điểm, chi nhánh để quảng cáo, giới thiệu về các hình thức đánh bạc.
Vì vậy, chỉ sau 28 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải pháp công nghệ tích hợp game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen, đường dây cờ bạc này đã có tới 25 đại lý cấp 1, 5.877 đại lý cấp 2 để cung cấp dịch vụ đổi điểm ảo trong game ra tiền mặt và ngược lại, lôi kéo 42.950.805 tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến. Tổng thu lời thông qua hoạt động nạp thẻ, tiền vào dịch vụ đánh bạc là 9.853 tỷ đồng. Trong đó Phan Sào Nam được chia hơn 1.475 tỷ đồng.
Hiện cơ quan điều tra đang tạm giữ của Phan Sào Nam hơn 821,5 tỷ đồng; phong tỏa gần 80 tỷ đồng trong các ngân hàng, kê biên 2 ngôi nhà trị giá theo hợp đồng 12,4 tỷ đồng, phong toả 13 hợp đồng mua căn hộ trị giá hơn 139,9 tỷ đồng và 5 chiếc ôtô (1 xe Ford Mustang, 1 xe Kia Rondo, 1 xe Audi Q5, 1 xe Kia Sedona, 1 xe Land Rover).
Sau khi kiếm được số tiền khủng, Phan Sào Nam đã trực tiếp mua 2 căn hộ trị giá 12,4 tỷ đồng và gửi 3,5 triệu USD tại Ngân hàng Bank Of Singapore. Ngoài ra, Nam chuyển cho dì ruột là Phan Thu Hương hơn 236 tỷ đồng gửi tiết kiệm và mua bất động sản. Chỉ đạo Đỗ Bích Thủy 50 tỷ đồng gửi tiết kiệm; đầu tư hơn 92,8 tỷ đồng góp vốn vào Công ty Vịnh Xanh Hạ Long, Công ty Ấn tượng Hạ Long, Công ty Bitpro, Công ty Fintech; nhờ Nguyễn Thị Hồng Nhung ở TP Hồ Chí Minh gửi tiết kiệm hơn 384,1 tỷ đồng; gửi Nguyễn Mạnh Hùng ở Quảng Ninh cất giữ hơn 146,8 tỷ đồng và USD, vàng trị giá hơn 142,1 tỷ đồng; nhờ Phí Quang Hưng ở TP Hồ Chí Minh gửi tiết kiệm hơn 101 tỷ đồng và đứng tên mua 11 căn hộ tại Khu đô thị Vila Park, TP Hồ Chí Minh tổng trị giá hơn 111,9 tỷ đồng; chuyển tiền mua 2 căn hộ đứng tên Hoàng Thành Trung trị giá hơn 27,9 tỷ đồng. Nam cũng khai đã chuyển cho Phan Anh Tuấn cất giữ vàng, USD trị giá 150 tỷ đồng; chuyển cho Hoàng Thành Trung, Lê Văn Kiện sử dụng, cất giữ vàng, USD trị giá 530 tỷ đồng. Tuy nhiên, do 3 bị can này đang bỏ trốn nên chưa xác minh được. |